Hiện nay, ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam đang nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thị trường sản xuất, là điều kiện cần thiết để phát triển nền công nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đây là yếu tố tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, là cơ sở phát triển cho nhiều ngành, nghề và sản phẩm mới, tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, vị thế cạnh tranh và tham gia toàn cầu hóa.
Vật liệu công nghiệp là yếu tố có tính nền tảng, là nguyên liệu đầu vào cho các thị trường sản xuất hàng hóa, có hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo. Một số sản phẩm vật liệu đã phục vụ đắc lực cho một số ngành công nghiệp, như: công nghiệp cơ khí (đóng tàu, ô tô, xe máy,…); công nghiệp Dêt may – Da Giày (vải dệt, thuộc da, nhuộm,...); công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi,…).
1. Kết quả đạt được của ngành thời gian qua
Vật liệu công nghiệp là nguyên liệu đầu vào cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp cũng như có hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành công nghiệp, như: Công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa chất, các ngành công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông, lâm, thủy sản, chăn nuôi,… Công nghiệp vật liệu trong bài viết này được đánh giá thông qua một số phân ngành công nghiệp sau:
+ Công nghiệp luyện kim: Sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu không thể tách rời ngành luyện kim như là một trong những ngành chính nhất của nền công nghiệp. Trong đó, thép là một trong những vật liệu nền quan trọng trong sản xuất công nghiệp luyện kim. Sự phát triển của ngành sản xuất thép xác định mức độ phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác như xây dựng, chế tạo máy, đóng tàu, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp nhẹ... Đa số các nước thành công về phát triển kinh tế đều xác định ngành thép là ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung đầu tư phát triển ngành sản xuất thép. Trong một vài năm qua, nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Sản lượng phôi thép liên tục tăng từ năm 2010 đã đạt khoảng 4,3 triệu tấn, đến năm 2016 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2021 đạt khoảng 23 triệu tấn (Tổng sản lượng thép thành phẩm các loại 2021 đạt khoảng 30 triệu tấn).
Với thép xây dựng, năng lực sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn sẽ đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu. Trong đó, có 42% sản xuất là được sử dụng từ phế liệu thép nhập khẩu; có 58% sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt.
Thép phục vụ ngành cơ khí, chế tạo, Việt Nam cũng đã sản xuất và đáp ứng được một phần thép cuộn cán nóng HRC (khoảng 8 triệu tấn/năm). Với các loại thép hợp kim, Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được các loại thép đặc biệt.
Năng lực đúc và nhiệt luyện đã có những tiến bộ đáng kể, cơ bản đúc được các mác hợp kim gang, thép. Nhiệt luyện đáp ứng cơ bản yêu cầu chế tạo cơ khí thông dụng. Một số doanh nghiệp đã đầu tư và tiếp cận các công nghệ nhiệt luyện hiện đại. Công nghệ xử lý bề mặt cũng tiến bộ, có thể làm sản phẩm xuất khẩu cho khách hàng không khó tính.
Một số dự án sản xuất thép có quy mô lớn, thiết bị hiện đại đã được hình thành và đưa vào hoạt động như: Dự án đầu tư mở rộng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát giai đoạn 3 và Dự án mở rộng nâng công suất sản xuất thép. Khu liên hợp gang thép Hòa Phát giai đoạn 1 của Công ty cổ phần thép Hòa Phát là đã thực hiện xong, nâng tổng công suất toàn Khu liên hợp lên 1,6 triệu tấn thép các loại; Dự án liên hợp gang thép Nghi Sơn của Công ty Cổ phần gang thép Nghi Sơn với tổng công suất thiết kế là 7 triệu tấn phôi đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sản xuất 1 triệu tấn/năm; Dự án Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa đầu tư công suất 7 triệu tấn/năm; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có công suất 4 triệu tấn/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh các nhà máy xây dựng mới với công suất lớn như Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thép Nghi Sơn… thì các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại chủ yếu có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, năng lực sản xuất thép còn nhiều hạn chế.
Hình 1: Năng lực sản xuất thép thô của Việt Nam so với khu vực
Nguồn: Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển rất mạnh trong khu vực, đến nay đã vươn lên đứng thứ 13 thế giới. Đây là thành tích vượt bậc đối với thép Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp thép thế giới.
Hình 2: Top 20 quốc gia có sản lượng thép thô lớn nhất thế giới
Nguồn: Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)
Trước đây, Việt Nam nhập khẩu toàn bộ thép HRC, thép dài, thép xây dựng, phôi thép. Tuy nhiên với sự đầu tư lớn, doanh nghiệp trong ngành đang dần giúp Việt Nam tự chủ nguồn thép, giảm nhập khẩu và tăng dần giá trị thép Việt Nam xuất khẩu ra toàn thế giới.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, năm 2021, Việt Nam vẫn xuất khẩu được hơn 14 triệu tấn thép, thu về hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam đã có mặt ở hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới. Điều này đã giúp ngành thép Việt Nam lần đầu vượt mốc kỷ lục về xuất khẩu và gia nhập top các nước xuất khẩu thép đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam được nhìn nhận là còn thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu, nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường.
Bộ Công Thương dự báo, trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như: quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… và giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Trong giai đoạn 2016-2021, ngành công nghiệp thép đã có sự phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn. Các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt về giá trị sản xuất và xuất khẩu.
Trong khi đó, các chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là HRC – nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội (CRC), tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu thép cuộn cán nóng HRC và các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số Nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
+ Sản xuất vật liệu cao su, plastic: Mặc dù có nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng ngành Nhựa Việt Nam vẫn đang từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế. Sản phẩm nhựa của Việt Nam không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu và từng bước chiếm lĩnh thị trường của nhiều nước. Sự tăng mạnh của kim ngạch xuất khẩu cho thấy các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng và từng bước khẳng định vị trí quan trọng của ngành Nhựa trong sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp.
Tại thị trường nước ngoài, sản phẩm nhựa của Việt Nam được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ sản xuất đã tiếp cận với công nghệ hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận. Sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện đang có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, EU, Mỹ,… Trong số các thị trường xuất khẩu, có thị trường sản phẩm nhựa của Việt Nam đã có được vị trí khá chắc chắn như Nhật Bản; có những thị trường mới nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, châu Phi với nhu cầu cao đối với sản phẩm nhựa bao bì, sản phẩm nhựa tiêu dùng và phục vụ xây dựng.
Hình 3: So sánh kim ngạch xuất - nhập khẩu chất dẻo và sản phẩm từ chất dẻo
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống Kê
Trong thời gian qua, Việt Nam chủ yếu thực hiện xuất khẩu các nhóm sản phẩm nhựa như: tấm nhựa, hạt nhựa; đồ nhựa gia dụng; ống nhựa và phụ kiện; thiết bị vệ sinh bằng nhựa; sản phẩm nhựa dùng trong xây dựng; bao bì đóng gói các loại; sản phẩm nhựa tiêu dùng: văn phòng phẩm, nhựa mỹ nghệ - mỹ phẩm, đồ chơi v.v.
Khoa học công nghệ phát triển đã giúp cho nhựa trở thành nguyên liệu thay thế cho các sản phẩm truyền thống như gỗ, kim loại,... Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại đang góp phần tạo ra những sản phẩm nhựa có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ cũng như sự an toàn trong sử dụng cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam trong những năm qua đã chú ý đến việc đầu tư đổi mới công nghệ. Vì thế các sản phẩm nhựa Việt Nam được đánh giá là có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu do công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu của thế giới.
Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với ngành Nhựa hiện nay vẫn đang là một trở ngại lớn do hầu hết các thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất của ngành, như máy in, máy ghép, máy thổi,... đều phải nhập khẩu. Nếu ngành cơ khí của Việt Nam có thể phát huy tốt vai trò hỗ trợ thì ngành Nhựa sẽ có khả năng tiếp cận được với công nghệ hiện đại với chi phí hợp lý, qua đó tăng hiệu quả hoạt động và doanh thu của ngành.
+ Sản xuất vải dệt, da và các sản phẩm liên quan: Hiện nay, Việt Nam mới chỉ cung cấp được 0,2% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ, còn lại là phải nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan,… Sản lượng sợi đạt 1,4 triệu tấn một năm nhưng hơn 70% trong đó là xuất khẩu do chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu trong nước; mặt khác lại phải nhập khẩu sợi chất lượng cao từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,… Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,4 tỉ mét vải/năm (chiếm 15-16% nhu cầu), vẫn phải nhập khẩu 7 tỷ mét vải từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm hơn 70%). Như vậy, may xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước TPP.
Đáng chú ý, 70-80% nguyên vật liệu dệt may, da giầy hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và các nước ngoài khu vực FTA. Sản phẩm sợi và vải sản xuất nội địa chưa đa dạng, chất lượng chưa cao nên chỉ sử dụng được 20-25% sản lượng cho ngành may xuất khẩu. Trong khi đó, hai hiệp định FTA lớn nhất của Việt Nam là CPTPP và Việt Nam - EU đều có những quy định khá khắt khe đối với hàng hoá được hưởng ưu đãi thuế. Cụ thể, CPTPP yêu cầu nguồn gốc xuất xứ "từ sợi trở đi" còn EVFTA Việt Nam - EU yêu cầu "từ vải trở đi" đối với các sản phẩm dệt may xuất nhập khẩu trong khu vực hiệu lực của thương mai tự do. Do vậy, mặc dù thị trường CPTPP và EU rất tiềm năng nhưng trong ngắn hạn, các sản phẩm dệt may hiện nay của Việt Nam sẽ khó được hưởng lợi được về thuế xuất nhập khẩu.
Còn trong khâu dệt vải, nhiều mặt hàng dệt thoi mới, chất lượng cao đã bắt đầu được sản xuất. Song, toàn bộ số thuốc nhuộm hiện đang sử dụng đều phải nhập khẩu: tỷ lệ chất trơ và hóa chất cơ bản trong nước sản xuất cung cấp cho ngành dệt chỉ chiếm từ 10 đến 15% nhưng hầu hết là những sản phẩm có giá trị thấp, mặc dù về số lượng nhiều nhưng giá trị chỉ đạt 5% tổng nhu cầu của ngành dệt. Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu, khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại, điều này đang ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành dệt may.
Hình 4: So sánh kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng phụ liệu ngành Dệt May - Da Giày
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống Kê
2. Cơ hội và thách thức của ngành đang gặp phải
Vật liệu công nghiệp đang có nhũng thành công nhất định, có thể kể tên một số loại vật liệu công nghiệp đáng chú ý như: Vật liệu hợp kim nhôm phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp; vật liệu hợp kim (von-phram) phục vụ cho công nghiệp điện tử, công nghệ cao (CNC), quốc phòng; vật liệu kim loai đồng phục vụ cho công nghiệp dân dụng, quốc phòng; vật liệu kim loại thiếc phục vụ cho công nghiệp năng lượng, điện tử, điện thoại, linh kiện, phụ kiện; vật liệu chì-kẽm phục vụ phổ biến cho công nghiệp dân dụng, năng lượng, vỏ bọc cáp quang, quốc phòng,… vật liệu kim loại titan phục vụ cho công nghiệp CNC, sản phẩm chịu nhiệt độ cao, hàng không, y tế, dân dụng,… Vật liệu niken phục vụ cho quốc phòng, CNC, điện tử, nhiệt áp cao,…; Vật liệu từ các sản phẩm sau lọc hóa dầu; vật liệu hóa chất; vật liệu nhựa; vật liệu phục vụ phát triển ngành dệt may, da - giày; vật liệu xi măng;…
2.1. Cơ hội phát triển ngành
Cơ cấu sản phẩm ngành công nghiệp đã có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Cùng với đó, các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, các ngành công nghiệp vật liệu hiện đều là lĩnh vực nằm trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Việt Nam. Nhờ đó, ngành công nghiệp vật liệu phục vụ cho các ngành cơ khí, chế tạo; dệt may - da giày;... cùng nhiều quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp chính đã được ban hành, ngành công nghiệp vật liệu đang có những cơ hội phát triển rất lớn.
Với lợi thế là dân số trẻ, gần 60% trong tổng dân số ở độ tuổi lao động (17-60 tuổi), nguồn lao động dồi dào, chi phí cho lao động tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực (ước tính chỉ bằng 1/3 so với Ấn Độ và 1/2 so với Trung Quốc), vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và học tập các kiến thức quản lý và đào tạo nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu. Bên cạnh đó, với đa dạng tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu như quặng sắt, quặng bauxite, quặng cromit, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit... cũng như thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam là rất lớn.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghiệp vật liệu thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, nhưng trong bối cảnh hội nhập và kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 đã và đang khiến tất cả các ngành kinh tế, trong đó ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
2.2. Thách thức cho phát triển ngành công nghiệp vật liệu
Một trong những thách thức lớn làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng được cho thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí. Nguyên liệu công nghiệp phụ thuộc quá nhiều từ nhập khẩu, làm cho giá thành các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tăng cao, thiếu tính cạnh tranh.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua khiến các ngành công nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nặng nề là minh chứng rõ nét nhất cho hiện tượng này.
Ngoài ra, do hạn chế về áp dụng công nghệ kỹ thuật và tự động hóa các ngành sản xuất làm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thiếu tính cạnh tranh. Hiện, Việt Nam với chi phí lao động còn thấp nên doanh nghiệp ở Việt Nam đang tận dụng và chậm đổi mới, việc ứng dụng công nghệ từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn rất ít.
Hình 5: Minh họa theo chiều rộng và chiều sâu các công nghệ đang được sử dụng của ngành công nghiệp
Theo báo cáo về công nghệ đang được sử dụng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp vật liệu nói riêng vẫn còn khoảng cách đáng kể để bắt kịp mức độ phát triển công nghệ cao của các nước phát triển, khó có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước và thực hiện được những bước phát triển nhảy vọt.
Đặc biệt, với việc dư thừa nguồn cung của một số ngành công nghiệp vật liệu như: thép, cao su, sợi,... ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì hàng rào tự vệ ở nhiều quốc gia. Ở chiều ngược lại, mặc dù sản lượng các ngành công nghiệp vật liệu vẫn tăng trưởng khá, nhưng lượng hàng nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng và có chiều hướng tăng mạnh hơn, trong số đó có những loại sản phẩm doanh nghiệp nội đã sản xuất được, thậm chí dư thừa, như: cao su, sợi, thép xây dựng, tôn mạ màu, thép cuộn cán nguội... Trước tình hình đó, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, nhưng kết quả vẫn chưa được hiệu quả.
Như vậy, có thể nhận thấy hiện nay ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về 3 nguồn lực: nhân lực, vật lực và tài lực.
3. Đề xuất các giải pháp phát triển ngành đến năm 2030
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp vật liệu cũng phải giải quyết rất nhiều khó khăn như vấn đề về công nghệ, vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao... (đặc biệt cho các ngành vật liệu kỹ thuật cao và vật liệu mới), cũng như phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi tình hình kinh tế thế giới và khu vực nhiều biến động trong thời gian gần đây, cũng như sức ép cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu – đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết có hiệu lực.
Do đó, cần xác định phát triển công nghiệp vật liệu là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao tính tự chủ cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp, cần được định hướng và đề xuất các giải pháp phát triển cụ thể, phù hợp với bối cảnh, đặc điểm của nền sản xuất trong nước và quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Một số giải pháp được đề xuất thúc đẩy phát triển ngàng công nghiệp vật liệu đến năm 2030 gồm:
- Xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngành công nghệ vật liệu nói chung và vật liệu tiên tiến nói riêng từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Nghiên cứu ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp vật liệu kết hợp với các hoạt động giới thiệu, khuyến khích đầu tư.
- Xây dựng và ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu trong công tác xúc tiến thương mại, liên kết doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, cung cấp các thông tin chính sách, pháp luật, thị trường, công nghệ, giúp kết nối doanh nghiệp với thị trường...
- Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu nói riêng. Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ ở một số lĩnh vực khoa học - công nghệ vật liệu trọng điểm.
- Khuyến khích, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngân sách nhà nước,… đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ vật liệu.
- Xây dựng các chương trình phát triển số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp vật liệu như chương trình khởi tạo doanh nghiệp nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu công nghiệp.
- Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về hình thức tổ chức theo hình thức đề tài nghiên cứu do các doanh nghiệp đặt hàng và chi trả kinh phí nghiên cứu thông qua doanh nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu được doanh nghiệp ứng dụng.
- Đẩy mạnh đào tạo công nhân bậc cao, công nhân lành nghề cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp vật liệu. Tổ chức các khóa đào tạo về quản lý, công nghệ, thương mại... cho các nhà quản lý doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp và địa phương tổ chức đào tạo nhân lực tại chỗ, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.
- Trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thu hút đầu tư phát triển sản xuất trong nước để đưa ngành vật liệu công nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị liên danh, liên kết sản xuất và xuất khẩu.
- Tăng cường công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm vật liệu công nghiệp làm cơ sở giới thiệu, phát triển liên kết doanh nghiệp. Củng cố và nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu.
- Nâng cao vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, tài chính - ngân hàng, của Nhà nước và các tổ chức có liên quan khác trong phát triển công nghiệp vật liệu.
- Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực phát triển vật liệu nói chung và vật liệu tiên tiến nói riêng.
4. Kết luận
Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu thời gian qua của nước ta đã và đang trở thành một trong những động lực cho phát triển ngành công nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Việc sản xuất được một số loại vật liệu công nghiệp phục vụ cho sản xuất trong nước sẽ góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và tối ưu hóa các chi phí đầu tư trong sản xuất của ngành công nghiệp chế tạo. Do đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục tích lũy năng lực, đổi mới, chuyển đổi và tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này sẽ là rất lớn cho tiến trình phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam đến năm 2030./.
Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT