Đến tháng 01/2022, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 FTA. Trong đó các FTA như CPTPP; EVFTA; AHKFTA; UKVFTA; RCEP là các FTA thế hệ mới với phạm vi rộng hơn, ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, còn bao gồm cả các thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ... Các FTA khi thực thi sẽ tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội, các FTA cũng đặt ra các thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, từ đó yêu cầu thay đổi, khắc phục những hạn chế để tận dụng được những cơ hội mang lại và vượt qua những thách thức nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Một số cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi tham gia FTAs thế hệ mới như sau:
1. Về cơ hội:
- Ưu đãi về thuế:
Khi ký kết các FTA, các thành viên sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó có việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo một lộ trình nhất định. Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại trong khối. Như vậy, xuất khẩu sẽ tăng trưởng nhanh khi thuế suất giảm. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu giữa các nước trong khối do giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Giảm thuế giúp cho việc mở rộng thị phần hàng hóa nhập khẩu tại các nước nội khối tham gia FTA và tác động trở lại tới xuất khẩu hàng hóa tại các nước này.
- Tăng tỉ lệ nội địa hóa:
Các điều kiện về quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất trực tiếp nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu. Từ đó giảm mức độ phụ thuộc vào các nguyên phụ liệu nhập khẩu dẫn đến tăng tỉ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và giúp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho xuất khẩu.
- Cải tiến khoa học công nghệ:
Những quy định về quy tắc xuất xứ, kỹ thuật, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có tính năng khác biệt, triển khai các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam cũng như các nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng hóa phù hợp và hài hòa về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thông lệ quốc tế. Từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh:
Nâng cao năng lực cạnh tranh trên ba cấp độ ngành, doanh nghiệp, sản phẩm đối với các nước khi tham gia các FTA thế hệ mới. Các FTA sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và ngược lại các doanh nghiệp tại các nước tham gia phải tạo ra năng lực cạnh tranh để đáp ứng được các quy định trong các FTAs. Từ đó hàng hóa xuất khẩu sẽ có đủ sức cạnh tranh trong nội khối nói riêng và trên thị trường quốc tế nói chung.
- Phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa:
Để tận dụng được tốt các ưu đãi thuế quan, hàng hóa của các nước tham gia FTAs phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng xuất khẩu. Như vậy sẽ thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế, nguyên phụ liệu, markeing, phân phối tại các nước tham gia FTAs.
- Thu hút đầu tư:
FTAs có tác động thúc đẩy hình thành sự lưu chuyển các dòng vốn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Do các cam kết trong các FTAs thế hệ mới đảm bảo lợi ích cao và cạnh tranh bình đẳng, hướng tới phát triển bền vững và hỗ trợ tăng trưởng, các nhà đầu tư cùng các thị trường đầu tư mới xuất hiện nên dòng vốn đầu tư lưu chuyển nhanh và mạnh hơn. Từ đó mở ra nhiều cơ hội trong phát triển xuất khẩu hàng hóa của các nước thành viên FTA, tuy nhiên cũng làm cho cạnh tranh đầu tư ngày càng quyết liệt.
2. Về thách thức:
- Yêu cầu về yếu tố kỹ thuật, quy tắc xuất xứ hàng hóa:
Yếu tố kỹ thuật và quy tắc xuất xứ hàng hóa luôn là thách thức lớn đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Mục tiêu lớn nhất của các nước trong đó có Việt Nam là tăng cường lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên tham gia FTA. Để đạt được mục tiêu này, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu rất cao và phức tạp về kỹ thuật cũng như quy tắc xuất xứ. Yêu cầu này đòi hỏi các ngành sản xuất phải đầu tư phát triển từ nguyên phụ liệu đầu vào cho tới các khâu thiết kế, sản xuất hàng hóa.
- Đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ:
Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn trong phát triển xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam chưa thực sự phát triển về lĩnh vực công nghiệp, năng suất còn thấp, công nghệ chưa cao. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa cần phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ trong sản xuất. Như vậy cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
- Khi nước nhập khẩu sử dụng biện pháp tự vệ
Khi một nước thành viên FTA nhập khẩu hàng hóa và áp dụng biện pháp tự vệ bằng việc tăng thuế xuất đối với nước xuất khẩu khi lượng hàng hóa xuất khẩu từ các nước xuất khẩu gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong các nước nhập khẩu. Biện pháp này như một hình thức giúp bảo hộ nền sản xuất của các nước khi tham gia FTA. Khi đó, nước xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại về kinh tế do không được hưởng các ưu đãi về thuế suất quy định trong các FTA gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tại nước đó.
- Tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước:
Tham gia các FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, đây là một thách thức lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về cả tài chính, công nghệ và thị trường. Với những lợi ích thu được từ các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia sang các nước được đầu tư, gây ra áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.
- Đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường:
Những tiêu chuẩn về lao động và môi trường ở mức độ cao cũng là một trong những khó khăn lớn đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không đảm bảo các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các FTA thế hệ mới thường đưa ra những cam kết riêng về lao động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động cần có khoảng thời gian nhất định, do đó đáp ứng quy định về lao động để được hưởng các ưu đãi là một thách thức với các ngành sản xuất hàng hóa ở Việt Nam. Ngoài ra, trong các FTA những vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính ràng buộc và bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế. Để thực hiện các điều khoản về môi trường, Việt Nam cần điều chỉnh về chính sách, luật pháp liên quan đến môi trường nhằm khắc phục những bất cập trong việc bảo vệ môi trường khi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
3. Một số giải pháp cho Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa khi tham gia các FTA thế hệ mới
- Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thương mại, đầu tư. Phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua thu hút đầu tư, giảm nhập khẩu đầu vào, tăng hàm lượng nội địa hóa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Điều chỉnh dòng vốn đầu tư FDI theo hướng thu hút có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Chính sách đầu tư tập trung cho lĩnh vực có khả năng tăng trưởng và lan tỏa như một số ngành sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Hai là, xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu, ban hành quy định, tiêu chuẩn doanh nghiệp được xuất khẩu một số mặt hàng tạo ra sự liên kết giữa nhà xuất khẩu và nhà sản xuất.
- Ba là, điều chỉnh cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu phù hợp với nhu cầu của các thị trường nội khối, thị trường khu vực và thế giới. Ngoài ra, việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa và thị trường còn phải phù hợp với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và các chiến lược phát triển khác trong giai đoạn hiện nay.
- Bốn là, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hàng hóa xuất khẩu là trình độ công nghệ trong hoạt động sản xuất. Hiện nay hầu hết công nghệ tại các doanh nghiệp đều cần được đầu tư để nâng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xuất khẩu. Đầu tư vào công nghệ sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm xuất khẩu, cạnh tranh được với các nước khác khi tham gia các FTA thế hệ mới.
- Năm là, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa khi thực thi các FTA thế hệ mới phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người, trình độ lao động, quản lý. Việt Nam luôn có lợi thế so sánh về nguồn lao động với chi phí nhân công thấp so với khu vực và thế giới. Tuy có nguồn lao động dồi dào với chi phí nhân công rẻ nhưng Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ nhân công có tay nghề, được đào tạo chuyên sâu do đó dẫn đến năng suất lao động thấp. Để tận dụng tối đa lợi thế mà các FTA mang lại cần chú trọng phát triển và quản trị nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong xuất khẩu hàng hóa khi tham gia các FTA thế hệ mới.
TS.Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT