Phần 7: Quan điểm và định hướng phát triển chợ
1. Quan điểm phát triển mạng lưới chợ
Căn cứ vào những xu hướng, mục tiêu phát triển mạng lưới chợ, từ phương diện chung của nền kinh tế và xuất phát từ yêu cầu đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của nền kinh tế nước ta trong những năm tới, việc phát triển mạng lưới chợ nước ta cần thống nhất theo những quan điểm cơ bản như sau:
Đa dạng hoá nhiều loại hình và cấp độ, nhiều công năng, kết hợp truyền thống với hiện đại hoá lưu thông hàng hoá trong phát triển mạng lưới chợ. Xây dựng mạng lưới chợ nhiều công năng, hiện đại hoá lưu thông để thúc đẩy hiện đại hoá nông nghiệp và các ngành sản xuất.
Xây dựng và phát triển mạng lưới chợ phải phù hợp với trình độ kinh tế, cơ cấu kinh tế, quy mô giao dịch, dòng vận động hàng hoá, điều kiện giao thông, nguồn lực địa phương và lịch sử, văn hoá, phong tục, truyền thống để xây dựng các loại hình chợ khác nhau và tạo những nét đặc trưng riêng cho mỗi loại hình chợ. Kết hợp vai trò nền tảng của cơ chế thị trường với chức năng điều tiết thị trường của nhà nước, việc xây dựng mạng lưới chợ cần thể hiện rõ ý đồ quản lý xã hội của chính quyền, lại cần tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường. Cần phát huy một cách thực sự vai trò chỉ đạo và định hướng đầu tư vốn trong xã hội, giảm thiểu việc xây dựng trùng lặp, phát triển bừa bãi và cạnh tranh không lành mạnh.
Phân bố mạng lưới chợ hợp lý và có trọng điểm tương thích với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và của các ngành kinh tế. Phân bố mạng lưới chợ cần dựa trên các luận chứng khoa học, qui hoạch mạng lưới chợ phải đảm bảo bố cục hợp lý, có trọng điểm. Đặc biệt, xây dựng hệ thống chợ nông thôn là một nhiệm vụ lâu dài và phức tạp, nên cần phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của địa phương để vừa tránh phải việc xây dựng bừa bãi và xây dựng lại chợ gây lãng phí, vừa tránh được các vấn đề như thiếu chợ, xây dựng chợ trì trệ, hoặc nơi cần xây chợ nhưng không có đất...
Tiêu chuẩn hoá, trong phát triển mạng lưới chợ. Việc phát triển mạng lưới chợ hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn đối với chợ; Phát triển và hoàn thiện mô hình, quy trình và cơ chế quản lý của tổ chức kinh doanh chợ; Tách bạch nhiệm vụ và quyền hạn quản lý chợ giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức kinh doanh chợ; Tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật hiện đại và áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại.Theo quy định của Tổ chức thương mại Thế giới, coi hợp đồng là hình thức cơ bản của giao dịch thị trường nên các hoạt động giao dịch trong chợ cần hướng đến tuân thủ nguyên tắc giao dịch hợp đồng dựa trên cơ sở tự nguyện và công bằng cho các bên.
Nhà nước cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống chợ, đồng thời đẩy nhanh xã hội hoá trong đầu tư phát triển hệ thống chợ. Xây dựng mạng lưới chợ đòi hỏi sự cần thiết phải có Chính phủ hỗ trợ hoặc xây dựng trước, sau đó thu hút các nguồn lực trong xã hội cùng đầu tư xây dựng chợ.
Xây dựng mạng lưới chợ đòi hỏi phải có sự phối hợp, thúc đẩy nhịp nhàng với phát triển kinh tế hàng hoá, cải cách cơ chế lưu thông hàng hoá, nâng cao thu nhập của người nông dân. Cần tập trung nâng cao chất lượng, khối lượng hàng hoá, hoàn thiện thể chế thị trường, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng thương mại hoá; đồng thời mở rộng việc chuyển dịch lao động và tạo việc làm mới ở nông thôn, cố gắng tăng thu nhập của người nông dân để tạo điều kiện cho việc mở rộng chợ nhằm tiêu thụ hàng công nghiệp tiêu dùng.
2. Định hướng phát triển mạng lưới các loại hình chợ toàn quốc đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030
2.1. Định hướng phát triển mạng lưới chợ theo các loại hình chợ
Phát triển mạng lưới các loại hình chợ của từng địa phương và của cả nước theo hướng:
a. Đầu tư nâng cấp và phát triển các chợ dân sinh bán lẻ tổng hợp tại các khu đô thị, các xã, cụm xã nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của nhân dân.
i) Củng cố và phát triển mạng lưới chợ dân sinh nông thôn hiện có trên địa bàn cả nước theo hướng:
+ Đối với khu vực nông thôn đồng bằng, hệ thống chợ vẫn là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu của khu vực nông thôn. Giải toả, di dời, cải tạo, nâng cấp và mở thêm các chợ mới nhằm bảo đảm có đủ chợ dân sinh phục vụ đời sống của nông dân.
+Khu vực nông thôn miền núi, hệ thống chợ cũng sẽ vẫn là kênh phân phối hàng hoá chủ yếu. Cần kết hợp yếu tố kinh tế với tập quán sinh hoạt vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong xây dựng chợ. Đồng thời, kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế – xã hội với việc tiếp tục nâng cấp, cải tạo và xây mới hệ thống chợ ở khu vực này.
- Trong mạng lưới chợ dân sinh nông thôn, miền núi, mỗi chợ được xem như là hạt nhân cơ bản để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá trong khu vực các xã, huyện.Theo đó, trong thời gian tới, chợ dân sinh ở các vùng nông thôn, miền núi sẽ phát triển trên cơ sở khuyến khích tăng số hộ kinh doanh trên chợ và tăng thời gian bán hàng hàng ngày của các hộ.
- Định hướng phát triển loại hình chợ: trên địa bàn nông thôn, miền núi cả nước vẫn cần duy trì, phát triển loại hình chợ như: chợ kinh doanh tổng hợp – hiện nay loại hình chợ này chủ yếu vẫn là chợ bán lẻ tổng hợp phục vụ cho nhu cầu đa dạng của dân cư nông thôn, vì vậy trong giai đoạn tới cần tiếp tục ổn định và sắp xếp lại các theo hướng tăng dần số hộ kinh doanh trên chợ; chợ thực phẩm và thực phẩm tươi sống – là loại hình chợ phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu ở nông thôn, miền núi, trong thời gian qui hoạch cần ổn định vị trí của các chợ này, đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là các dãy quầy sạp bán hàng trong chợ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trên chợ; chợ nổi trên sông - đây cũng là một loại hình chợ rất phổ biến ở các vùng nông thôn nước ta, nhất là ở các vùng nông thôn thuộc ĐBSCL, chợ này thường được nhóm họp theo một khoảng thời gian trong ngày và gắn liền với văn hoá đặc trưng ở các vùng, miền, do đó vẫn duy trì và nâng cao năng lực quản lý đối với chợ, đặc biệt về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông ...
ii) Phát triển đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chợ:
- Với đặc điểm về điều kiện địa hình, đặc điểm phân bố dân số, thực trạng và triển vọng phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông… ở các vùng nông thôn, miền núi cần chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho khu vực chợ như: tạo mặt bằng, xây dựng các tuyến giao thông hỗ trợ cho hoạt động của chợ, xây dựng nhà và nền chợ phục vụ cho nhu cầu mua bán của người sản xuất nhỏ, cá thể kinh doanh.
- Gắn đầu tư xây dựng chợ với việc thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn, quy hoạch dân cư nông thôn và quy hoạch phát triển thương mại trên từng địa bàn cụ thể.
- Gắn quy mô đầu tư với khả năng khai thác các nguồn thu trên chợ và liên quan đến chợ ở tầm trung hạn và dài hạn.
- Đảm bảo mức thu lệ phí, mức phí cho thuê diện tích kinh doanh trên chợ phù hợp với khả năng sinh lợi của các hộ kinh doanh.
iii) Định hướng về bố trí không gian kiến trúc chợ
- Xây dựng không gian kiến trúc chợ theo hướng chợ cần phải có “giao diện” rộng nhằm đảm bảo sự thuận tiện cho các hoạt động mua bán, sản xuất và tiêu dùng trong khu vực chợ.
- Việc phát triển không gian kiến trúc chợ phải theo cấu trúc hợp lý và phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng loại chợ khác nhau.
iv) Định hướng chủ yếu về phát triển ngành hàng và lực lượng kinh doanh trên chợ
- Đảm bảo sự gia tăng số hộ kinh doanh cố định trên các chợ theo hướng phải đạt được quy mô tối thiểu là 50 hộ kinh doanh cố định trên một chợ, đồng thời khuyến khích các hộ tăng thời gian bán hàng trong ngày trên chợ.
- Từng bước xem xét quá trình phát triển của chợ để hình thành và phát triển các khu kinh doanh quanh khu vực chợ, hoặc hình thành các trung tâm mua sắm đối với các ngành hàng trong chợ có sức phát triển mạnh mẽ do khả năng cung ứng hay quy mô tiêu dùng phát triển nhanh.
v) Định hướng chủ yếu về tổ chức quản lý chợ
- Đối với mạng lưới chợ dân sinh tại các xã, ấp xa trung tâm huyện hoặc thị xã, mục tiêu quản lý chợ là nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại trong vùng quan trọng hơn mục tiêu đảm bảo cân đối thu – chi.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển dụng những người trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động chợ như là một nghề nghiệp có tính chuyên môn.
b. Đầu tư nâng cấp và mở rộng các chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp tại các trung tâm kinh tế của tỉnh, thành phố.Tập trung đầu tư vào việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất- kỹ thuật và hoạt động của các chợ ở trung tâm thành phố, thị xã và trung tâm huyện, thị trấn là những trung tâm kinh tế của tỉnh.
- Củng cố và phát triển mạng lưới chợ hạng I hiện có trên địa bàn cả nước theo hướng: sắp xếp hợp lý những chợ hiện có, mở thêm chợ hạng I tại các địa phương theo quy hoạch, hạn chế việc di chuyển chợ và mở tràn lan chợ mới.
- Trong mạng lưới chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I trên địa bàn cả nước, mỗi chợ được xem như hạt nhân để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán trong vùng, khu vực và từ đó tạo cơ sở để phát triển các loại hình thương mại khác. Định hướng phát triển các chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I thành các Khu thương mại tập trung của tỉnh /thành phố, vừa có vai trò phát luồng hàng hoá đến các chợ bán lẻ tổng hợp vệ tinh trong tỉnh, thành phố, vừa là các trung tâm thương mại- dịch vụ tổng hợp của tỉnh, thành phố.
c. Nâng cấp, cải tạo và xây mới các chợ ở các xã biên giới, chợ cửa khẩu, chợ nằm trong khu kinh tế cửa khẩu theo qui hoạch.Tập trung vào các biện pháp để hình thành thói quen giao lưu hàng hoá qua chợ của người dân miền núi và thu hút người đến tham gia hoạt động chợ. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đến các chợ biên giới. Gìn giữ và phát huy các đặc trưng văn hoá của các vùng miền núi, biên giới trong hoạt động của mạng lưới chợ biên giới.
d. Tiếp tục tập trung hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng các chợ đầu mối bán buôn nông sản lớn tại các vùng sản xuất hàng hoá lớn và ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ... Đồng thời, mỗi tỉnh xây dựng một số chợ đầu mối bán buôn nông sản, trước hết tập trung phát triển tại các vùng nông sản hàng hoá tương đối lớn và tập trung của tỉnh, đáp ứng nguồn hàng cho xuất khẩu cũng như cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Số lượng chợ đầu mối nông sản (xây mới, cải tạo) trung bình mỗi tỉnh từ 2- 3 chợ.
2.2. Định hướng phát triển mạng lưới chợ theo các thị trường hàng hoá
a. Định hướng phát triển mạng lưới chợ nông sản
Định hướng phát triển mạng lưới chợ nông sản theo hướng xây dựng và hoàn thiện chợ bán buôn nông sản ở các thành phố và ở nơi sản xuất hàng nông sản tập trung của cả nước; chợ bán lẻ nông sản- thực phẩm ở thành thị và nông thôn; đồng thời tổ chức thực hiện chợ phiên giao dịch hàng nông sản dễ bảo quản hoặc là nguyên liệu chế biến để hình thành mạng lưới chợ nông sản có đầy đủ công năng, thống nhất, hiệu quả cao và phủ khắp thị trường cả nước. Xây dựng mạng lưới chợ nông sản cần được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống thị trường nông sản, với nhiệm vụ chủ yếu là nâng cao chiều rộng và chiều sâu độ bao phủ của mạng lưới chợ trên địa bàn cả nước, tăng cường công năng phục vụ của chợ, tập trung các nguồn lực để nâng cao thứ hạng chợ và trình độ quản lý, phát huy các chức năng tập trung hàng hoá, giao lưu thông tin và hình thành giá cả của mạng lưới chợ. Nhiệm vụ của Chính phủ chủ yếu là làm tốt qui hoạch phát triển chợ, hoàn thiện các thể chế giao dịch, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng và tiêu chuẩn hoá chợ.
b. Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng tư liệu sản xuất
Định hướng lưu thông hàng vật tư sản xuất qua mạng lưới chợ chủ yếu đối với hàng tư liệu sản xuất dùng trong ngành nông nghiệp. Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng tư liệu sản xuất nông nghiệp theo hướng không ngừng tăng cường và hoàn thiện xây dựng mạng lưới chợ tư liệu sản xuất có sự cạnh tranh lành mạnh, chuẩn mực chất lượng hàng hoá và các hành vi giao dịch, đa dạng các chủ thể kinh doanh; thông qua tăng cường các biện pháp có hiệu quả như giám sát hoạt động kinh doanh trong chợ, quản lý ngành nghề, xây dựng cơ chế đồng bộ phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tư liệu sản xuất cho ngành nông nghiệp.
c. Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng
Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng theo hướng phát triển cân đối giữa chợ thành thị và nông thôn, tập trung vào một số mặt sau đây:
- Phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tiềm lực to lớn của việc phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn trong tổng thể nền kinh tế quốc dân của nước ta. Việt Nam có 68% dân số là nông dân, đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nên thị trường nông thôn phải là thị trường lớn nhất và có tiềm năng nhất. Hiện nay trình độ phát triển thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng ở nông thôn còn nhiều bất cập, gây hạn chế đối với sự phát triển bền vững, nhanh chóng, toàn diện của cả nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, cũng cần phải nhận thức rõ, thị trường này cũng đang tiềm ẩn một tiềm năng khổng lồ, vì vậy chỉ có thông qua phát triển tốt mạng lưới chợ ở nông thôn mới có thể mở rộng nhu cầu, mở rộng thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng, đẩy mạnh kinh tế phát triển.
- Do mức sống của dân cư nông thôn và thành thị ở nước ta có khoảng cách tương đối, do đó bất kể là đáp ứng nhu cầu của dân cư thành thị đối với nông phẩm hay mở rộng thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng ở nông thôn đều phải có một chính sách tiêu dùng hợp lý, cần phải điều chỉnh liên tục để đáp ứng sự thay đổi của cơ cấu tiêu dùng.
- Mở rộng mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng ở nông thôn, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế từng khu vực, kết hợp với nhu cầu của nông dân để mở rộng chợ, không thực hiện bằng biện pháp đơn giản là mang mô hình phát triển chợ hàng công nghiệp tiêu dùng ở thành thị áp dụng cho nông thôn, cũng không được mang các loại hàng hoá tồn đọng ở thành thị đưa về nông thôn, mà phải định hướng cho các nhà sản xuất công nghiệp căn cứ vào đặc điểm của nhu cầu hàng tiêu dùng ở nông thôn để sản xuất ra các sản phẩm tốt, giá rẻ và định vị mức giá hàng công nghiệp tiêu dùng phù hợp với thị trường nông thôn.
- Phát triển các hệ thống phân phối hiện đại, thúc đẩy hiện đại hoá các phương thức kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng, thúc đẩy các hình thức tổ chức lưu thông hiện đại trong mạng lưới chợ ở nông thôn, đó chính là nhân tố quan trọng để phát triển nhanh kinh tế nông thôn. Thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp thương mại, từng bước đưa mạng lưới siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng… hoà nhập vào mạng lưới chợ ở nông thôn, điều đó không chỉ cung ứng hàng hoá phục vụ đời sống và sản xuất của nông dân mà còn có thể chỉ dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường, phát triển nông nghiệp có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển gia công, chế biến sau thu hoạch của địa phương, phát triển ngành nghề ở nông thôn. Do vậy, cần lựa chọn các phương thức kinh doanh hiện đại như chuỗi cửa hàng, siêu thị, hệ thống đại lý...để áp dụng trong quá trình cải tạo mạng lưới chợ truyền thống ở nông thôn, mở rộng mạng lưới chợ bán buôn, bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ, từng bước xây dựng hệ thống thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng thống nhất ở cả thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn
2.3. Định hướng đối với các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống chợ
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các chợ dân sinh tại các khu đô thị, các khu công nghiệp để cung cấp hàng hoá giá rẻ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
- Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường đầu tư đồng bộ và hiện đại hoá các chợ đầu mối trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng công nghệ logistics một cách phù hợp với năng lực đầu tư và khả năng vận hành, khai thác.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ tại tất cả các loại chợ, các vùng kinh tế.
2.4. Định hướng hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hệ thống chợ bằng nguồn vốn ngân sách
Phương hướng hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ của Chính phủ như sau:
+ Nhà nước hỗ trợ đầu tư về mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật hoặc Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư, các doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh cùng tham gia đầu tư xây dựng chợ.
+ Nhà nước ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho phát triển chợ đầu mối bán buôn nông sản là chủ yếu (gồm cả lâm, thuỷ hải sản) tại các địa bàn kinh tế nông thôn trọng điểm, các vùng nông sản hàng hoá tập trung, sản xuất tương đối chuyên canh và qui mô đủ lớn, làm tiền đề để từng bước phát triển thành các sàn giao dịch hàng hoá, chợ đấu giá, kể cả các trung tâm mua bán hàng hoá theo phương thức giao sau.
+ Chủ động lồng ghép việc xây dựng các chợ bán lẻ với các dự án và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, hỗ trợ thêm bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc bằng các cơ chế, chính sách (tài chính, tín dụng, đất đai...) vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương để tạo dựng hạ tầng kỹ thuật; đồng thời huy động các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia cùng đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành, khai thác và quản lý hoạt động của các chợ này. Trước mắt, ưu tiên xây dựng chợ ở các xã khó khăn, các nơi có nhu cầu bức xúc về chợ nhưng chưa có chợ hoặc không có khả năng tự làm được chợ.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT