Phần 6: Những xu hướng phát triển chợ trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
1. Xu hướng phát triển chợ ở các nước phát triển
- Xu hướng phát triển chợ của Hoa Kỳ
Sự phát triển của mạng lưới chợ bán buôn nông sản của Hoa Kỳ đã trải qua một quá trình biến đổi, từ chỗ do các chợ bán buôn ở các thành phố đảm nhiệm là chính, đến lấy liên kết sản xuất - tiêu thụ của các chợ thu mua ở nơi sản xuất làm chủ đạo, và lấy các giao dịch kỳ hạn để phát triển. Sự biến đổi của mô hình chợ bán buôn hàng nông sản của Hoa Kỳ nhằm thích ứng với nhu cầu khác nhau của sự phát triển sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hoá, tạo ra những ảnh hưởng khác biệt đối với sản xuất và hiện đại hoá hệ thống lưu thông.
+Chợ đầu mối trung tâm. Chợ bán buôn của Hoa Kỳ được hình thành và phát triển từ thế kỷ 19. Việc hình thành các chợ bán buôn phần lớn là do sự phát triển của ngành vận tải đường sắt và do vị trí địa lý tự nhiên của các địa phương quyết định. Những chợ đầu mối trung tâm đầu tiên phần lớn nằm ở các thành phố có ưu thế vị trí địa lý tự nhiên phát triển các ngành vận tải đường sắt, đường thuỷ, như Chicago, ... Chính phủ Hoa Kỳ không tham gia xây dựng các chợ bán buôn hàng nông sản, chỉ quản lý trên một phạm vi nhất định. Bước vào thế kỷ 20, sau khi các chợ bán buôn ở những nơi sản xuất phát triển, các chợ đầu mối trung tâm cũng có sự chuyển đổi theo, hai sở giao dịch kỳ hạn lớn của Chicago ra đời đã từng bước trở thành biểu tượng thay thế cho mô hình chợ bán buôn hàng nông sản Hoa Kỳ.
+ Chợ bán đấu giá, chuyên cung cấp các giao dịch buôn bán gia súc và cây thuốc lá. Do thuốc lá có phẩm cấp phức tạp, việc phân chia ra nhiều loại giá có thể giúp cho người nông dân trồng cây thuốc lá giảm thiểu khả năng bị lừa. Trong lịch sử đã từng bước hình thành tập quán lấy các chợ bán đấu giá để tiến hành giao dịch bán đấu giá.
+ Chợ nông thôn, chợ mang tính khu vực, qui mô tương đối nhỏ, hoạt động đồng thời cả bán buôn và bán lẻ.
+ Chợ bán buôn ở nơi sản xuất, sau khi bước vào thế kỷ 20, theo đà phát triển của giao thông, thông tin, kỹ thuật giữ tươi thực phẩm, tiêu chuẩn hoá của nông sản phẩm, đồng thời với việc mở rộng qui mô kinh doanh nông sản và việc không ngừng mở rộng qui mô của các doanh nghiệp bán lẻ theo loại hình siêu thị, cửa hàng kinh doanh theo dạng chuỗi, vai trò trung tâm của các chợ bán buôn ở các thành phố lớn ngày càng nhỏ, số lượng các nông sản thông qua các kênh lưu thông như các tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ và chợ thu mua tại nơi sản xuất ..vv chiếm tỷ trọng tương đối lớn, trung tâm hình thành giá cả cũng do các chợ bán buôn tại nơi sản xuất đảm nhận.
- Xu hướng phát triển chợ ở các nước Châu Âu
Trước những năm 70 của thế kỷ XX, do phần lớn các nông trường của các nước Châu Âu có qui mô nhỏ hơn so với Mỹ nên nông sản thường được trực tiếp đưa vào các chợ bán buôn, tiêu thụ thông qua hình thức bán đấu giá. Điều này chủ yếu là vì các siêu thị phải đối mặt với các rủi ro về giá cả, rủi ro tiêu thụ sản phẩm, rủi ro về tranh chấp hợp đồng khi ký hợp đồng trực tiếp với các nông trường qui mô nhỏ, do đó vai trò của các tổ chức liên kết sản xuất - tiêu dùng (không kể các tổ chức liên kết sản xuất - tiêu dùng công nghiệp chế biến hàng nông sản) rất hạn chế. Xu hướng phát triển của các chợ bán buôn của EU không chỉ phát triển theo hướng liên kết sản xuất - tiêu dùng và phân tán hoá, mà còn phát triển chợ bán đấu giá theo hướng thống nhất trên toàn quốc.
Điều đáng chú ý là, từ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX trở lại đây, các siêu thị ở Châu Âu, Hoa Kỳ phát triển đã xác lập ra hệ thống trung tâm phân phối, trình độ tập trung của các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng được mở rộng. Các siêu thị xây dựng trung tâm phân phối, tập trung hàng hoá ở các vùng ngoại ô thành phố. Những nhà bán buôn ở nơi sản xuất tập trung thu gom hàng hoá từ những người sản xuất, sau khi phân loại, đóng gói thì gửi đến các cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo dạng chuỗi. Sau khi hệ thống này được xác lập, mức tăng trưởng hàng hoá bán buôn của các chợ bán buôn ở một số quốc gia bắt đầu giảm xuống, xuất hiện hiện tượng suy thoái của chợ bán buôn. Thị phần của các chợ bán buôn chỉ còn chiếm từ 80 - 90 % so với lúc đang phát triển, giảm xuống và ổn định ở mức trên dưới 30%.
- Xu hướng phát triển chợ của Nhật Bản, Hàn Quốc
+ Có môi trường pháp luật kiện toàn. Chẳng hạn như Nhật Bản có "Luật chợ bán buôn ", Hàn Quốc có " Luật về lưu thông các mặt hàng nông, thuỷ sản và sự ổn định giá cả của các mặt hàng đó ", lấy pháp luật để quản lý và xây dựng thị trường đi vào nề nếp, giáo dục để tạo ra một môi trường chợ công khai, bình đẳng và khách quan.
Điểm đặc biệt trong chế độ quản lý chợ bán buôn của Nhật Bản là: (1) những người xây dựng chợ bán buôn phải là đoàn thể công cộng ở địa phương; (2) lấy bán đấu giá hoặc đấu thầu, đặt hàng làm nguyên tắc giao dịch;(3) qui định thu phí chợ ( rau là 8,5%, hoa quả là 7%); (4) cấm từ chối những người đưa hàng vào chợ giao dịch để phân biệt đối xử; (5) cấm bán buôn hàng hoá ngoài chợ bán buôn; (6) những người mua ở chợ bán buôn chỉ hạn chế là thương lái và các thương nhân tham gia tiêu thụ.
+ Trình độ tổ chức tiêu thụ nông sản của nông dân tương đối cao, đặc biệt là tổ chức và xây dựng các trung tâm phân phối chợ bán buôn. Nhật Bản có tổ chức Hội nông dân, giúp cho nông dân có thể đưa nông sản ra thị trường một cách có hệ thống. Pháp luật Nhật Bản qui định, Chợ bán buôn trung ương do Chính phủ thành lập, nhưng chợ bán buôn ở các địa phương có thể do các đoàn thể như Hội nông dân, thương xã..vv mở. Hội nông dân Nhật Bản có khoảng 131 chợ bán buôn rau hoa quả, trực tiếp tổ chức các nghiệp vụ giao dịch bán buôn; có 3 trung tâm tập kết và phân phối thực phẩm tươi ở Tôkyo, Osaka, và Taiwa. Các Hội nông dân cơ sở tại nơi sản xuất xây dựng chợ giao dịch, tập kết hàng nông sản, thực hiện việc tập trung, lựa chọn, đóng gói hoặc bảo quản kho lạnh hàng hoá của các thành viên hội, rồi sau đó mới tổ chức đem ra thị trường.
+ Hiện đại hoá phương pháp và phương thức giao dịch. Áp dụng các thiết bị điện tử để tiến hành giao dịch bán đấu giá, thanh toán một cách nhanh chóng, chính xác. Tại Nhật Bản, hai bên mua bán thường uỷ thác nghiệp vụ thanh toán cho người thứ ba xử lý, thông thường trong thời gian từ 3 – 7 ngày bên mua thông qua ngân hàng để thanh toán cho người bán buôn, người bán buôn lại trong phạm vi từ 1 – 4 ngày thông qua ngân hàng để thanh toán cho người cung cấp hàng.
+ Tiêu chuẩn để đưa hàng nông sản ra thị trường rất chặt chẽ, coi trọng vấn đề quản lý an toàn thực phẩm. Biện pháp chủ yếu bao gồm: phân loại phẩm cấp bắt đầu từ lúc đóng gói; xây dựng cơ chế truy tìm từ gốc ở nơi sản xuất hàng nông sản; cấp chứng nhận chất lượng hàng nông sản, xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng nông sản; thông qua hàng loạt các biện pháp kiểm tra, kiểm định để tăng cường quản lý quá trình sản xuất, thực thi hàng loạt các biện pháp kết hợp kiểm tra, kiểm định nhanh với việc kiểm tra, kiểm định phân tích hoá học, đảm bảo an toàn thực phẩm; Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý rõ ràng, hệ thống tổ chức quản lý được kiện toàn và xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm định chất lượng hiệu quả.
2. Xu hướng phát triển chợ ở các nước Đông Nam Á
Các nước Đông Nam Á hiện nay vẫn chủ yếu là các nước đang phát triển và đã trải qua giai đoạn tiền công nghiệp hoá. Tuy nhiên, tại các nước này tỷ lệ đô thị hoá vẫn khá thấp, thường chiếm khoảng 30-40% dân số, trừ Singapore và Bruney. Do đó, loại hình chợ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, ngay cả ở các đô thị phát triển nhất của các nước này. Trên thị trường xã hội tại các thành phố lớn vẫn tồn tại cả loại hình chợ truyền thống và loại hình thương mại tiến bộ là các trung tâm thương mại lớn, hay các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị và đại siêu thị.
- Xu hướng phát triển chợ của Malaysia
Tại Malaysia, trong thập kỷ 90, Chính phủ đã có chủ trương thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các đại siêu thị và chỉ trong thời gian ngắn đã có 12 đại siêu thị đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các đại siêu thị dẫn đến tình trạng bất hợp lý. Đó là tình trạng công suất của các đại siêu thị đã trở nên dư thừa, trong khi các hộ kinh doanh nhỏ lại thiếu địa điểm kinh doanh. Vì vậy, hiện nay Chính phủ Malaysia đã tạm dừng cấp phép đầu tư xây dựng các đại siêu thị, thay vào đó Chính phủ thực hiện 6 dự án xây dựng chợ (năm 2004) để giải quyết tình trạng thiếu điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh nhỏ.
Nhìn chung, hệ thống chợ ở Malaysia cũng rất đa dạng. Ví dụ, tại Thủ đô Kuala Lumpur, hệ thống chợ bao gồm 4 loại chợ chính:
+ Chợ đóng (closed market): Có 24 chợ đóng hoạt động ở Kuala Lumpur; Đây là loại chợ kinh doanh tổng hợp với 7.615 chủ sạp trên 24 chợ hay bình quân trên 300 sạp hàng/chợ.
+ Chợ mở (Open market): Có 29 chợ ở Kuala Lumpur với 4.092 hộ kinh doanh nhỏ, hay khoảng 100 – 150 hộ kinh doanh/chợ. Đây là loại chợ chỉ hoạt động vào buổi sáng và bán các mặt hàng lương thực-thực phẩm. Hiện nay loại chợ này đang chuyển dần sang loại chợ đóng.
+ Chợ đêm (night market): Có 81 chợ đêm ở Kuala Luampur với 10.993 người buôn bán nhỏ. Đây là loại chợ kinh doanh tổng hợp và phổ biến ở Kuala Lumpur. Thông thường, loại chợ này họp ở các khu vực dân cư và hoạt động vào buổi tối
+ Chợ bán buôn: Chỉ có 1 chợ ở Kuala Lumpur – vùng Selayang với 448 chủ sạp. Loại chợ này có thể được xem như chợ đầu mối nông sản với 3 mặt hàng kinh doanh chủ yếu: cá, rau và trái cây. Chợ bán buôn này mới chỉ hoạt động trong khoảng 6 năm gần đây. Thực tế này cho thấy, chợ bán buôn được hình thành và phát triển sau các chợ thông thường.
+ Ngoài ra, Kuala Lumpur còn có chợ hoạt động vào những dịp lễ hội. Có 34.593 người buôn bán nhỏ được cấp phép hoạt động theo chợ này. Đặc điểm của các chợ này là: Chỉ hoạt động trước và trong kỳ lễ hội; Địa điểm họp chợ không cố định; Giấy phép hoạt động đối với loại chợ này chỉ trong kỳ lễ hội; Kinh doanh tổng hợp với các sản phẩm lương thực – thực phẩm và đồ trang trí.
- Xu hướng phát triển chợ của Thái Lan
Tại Thái Lan, trước năm 1957, các cơ sở thương nghiệp truyền thống (chợ, cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ) vẫn chiếm vị trí độc tôn. Các loại hình thương mại hiện đại đầu tiên (cửa hàng bách hoá, siêu thị,…) chỉ thực sự xuất hiện ở Thái Lan sau năm 1957.Từ năm 1999 đến nay, các loại hình thương mại hiện đại phát triển nhanh và gây tác động mạnh đến loại hình thương mại truyền thống. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, trong tổng giá trị lưu chuyển hàng hoá, loại hình thương mại truyền thống vẫn chiếm tới 70% vào giai đoạn trước khủng hoảng châu Á (1997), nhưng sau đó đã giảm rất nhanh, còn 46% vào năm 2002.
Mặc dù, các cơ sở thương mại truyền thống đang bị lấn át bởi các cơ sở hiện đại, nhưng Chính phủ Thái Lan vẫn quan tâm phát triển các loại chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối nông sản. Hiện nay, hệ thống chợ ở Thái Lan cũng có 4 loại chợ chính:
+ Chợ công sở: Họp ở gần công sở, thường từ 11 giờ đến 14 giờ; Đối tượng phục vụ là các công chức.
+ Chợ cuối tuần: Họp từ trưa thứ 7 đến chiều chủ nhật, thường tập hợp khá đông những người bán với đủ loại hàng hoá.
+ Chợ đêm: Họp vào các đêm trong tuần, bán đủ loại hàng hoá có nguồn gốc khác nhau do đủ các thành phần mang tới.
+ Chợ đầu mối bán buôn: Để thúc đẩy phát triển các chợ đầu mối bán buôn hàng nông sản, năm 1991 Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái lan đã ban hành “Qui định về việc thúc đẩy tổ chức chợ trung tâm hàng nông sản”, sau đó được sửa đổi vào các năm 1993, 1995, 1998. Hiện nay, Thái lan có hệ thống chợ đầu mối bán buôn hàng nông, thuỷ sản tương đối phát triển. Hệ thống chợ này không chỉ góp phần đắc lực vào việc tiêu thụ hàng nông, thuỷ sản cho nông dân, mà còn tham gia vào hoạt động xuất khẩu ở Thái lan.
Nhìn chung, quá trình phát triển kinh tế nói chung và quá trình đô thị hoá nói riêng đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của chợ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xã hội càng phát triển thì mức độ thích dụng của loại hình chợ truyền thống càng thấp, nhưng không phải vì thế mà hoàn toàn mất đi những cơ sở kinh tế - xã hội cho sự tồn tại của chợ, bởi vì các sản phẩm nông nghiệp vẫn chiếm vai trò quan trọng trong đời sống của dân cư và vẫn được sản xuất ở qui mô hộ gia đình, hay trang trại và ở châu Âu là sản phẩm làm vườn; Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp tươi, sống đang có xu hướng tăng lên ở các nước phát triển; Sự khác biệt về chủng loại sản phẩm, chất lượng, giá cả, cũng như sự khác biệt về tập quán tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp của các vùng đất, vùng cư dân khác nhau; Nhiều sản phẩm nông nghiệp có mức độ thích ứng cao với việc tiêu thụ qua chợ. Bởi vì, giá cả các sản phẩm nông nghiệp thường khó đồng nhất do sự khác biệt về chất lượng theo thời gian bảo quản, theo điều kiện thổ nhưỡng, phương pháp chăm sóc;… Thực tế, ở Malaysia, Thái Lan và kể cả các nước phát triển, các loại chợ nói chung và chợ bán buôn nói riêng cũng vẫn tồn tại.
3. Những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam
3.1. Chú trọng phát triển loại hình chợ đầu mối bán buôn (đặc biệt là chợ bán buôn nông sản), từng bước xây dựng các mô hình hiện đại hơn như sàn giao dịch, sở giao dịch hàng hoá
+ Trong xu hướng phát triển chợ ở các nước Đông Nam Á, loại chợ bán buôn hay chợ đầu mối nông sản được Chính phủ quan tâm phát triển trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Điều này không chỉ cho thấy vai trò của chợ đầu mối nông sản trong hệ thống thương mại mà còn cho thấy sự tương thích về thời điểm cần thiết để đẩy mạnh phát triển các chợ đầu mối nông sản trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nền kinh tế. Đối với nước ta, mặc dù qui mô sản xuất tại các vùng sản xuất trọng điểm còn nhỏ lẻ và qui mô tiêu dùng tại các vùng tiêu dùng tập trung còn chưa cao, nhưng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế – xã hội khá nhanh, việc quan tâm phát triển các chợ đầu mối nông sản trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và đúng với xu thế phát triển các loại hình thương mại hiện đại đang được quan tâm hiện nay.
+ Việt Nam cũng cần nghiên cứu và xây dựng loại hình chợ mua bán hàng hoá giao sau, sàn giao dịch nông sản và sàn đấu giá hàng nông, thuỷ hải sản. Việc thiết lập chợ mua bán hàng hóa giao sau ở mỗi nước là hợp lý và cần thiết, đặc biệt là đối với hàng nông sản. Chợ mua bán hàng hóa giao sau sẽ giải quyết được vấn đề biến động bất thường của giá cả, giúp các nhà buôn, nhà chế biến hạn chế rủi ro từ sự biến động giá cả, số lượng hàng không chắc chắn mà đã ảnh hưởng tới chi phí và định giá của sản phẩm. Chợ mua bán hàng hóa giao sau còn kích thích kéo theo các hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như kho chứa hàng, kho bảo quản lạnh cũng như dịch vụ thông tin và dữ liệu. Giá cả giao dịch, cũng như việc ấn định giá cả ở chợ này hoàn toàn là do các bên tham gia giao dịch tự quyết định với nhau, Chính phủ không trực tiếp can thiệp.
3.2. Từng bước chuyển hoá chợ ở khu vực đô thị thành các loại hình thương mại tiên tiến hơn, đồng thời chú trọng củng cố và phát triển hệ thống chợ ở nông thôn
Ở khu vực thành thị, chú trọng phát triển các khu trung tâm thương mại, các trung tâm mua sắm (Shopping center), các siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, cửa hàng bách hoá tổng hợp (Department store), các đường phố thương mại kết hợp truyền thống với hiện đại, cửa hàng tiện lợi,... phát triển các trung tâm bán buôn, tổng kho và trung tâm Logistics.
Đối với các thành phố, từng bước chuyển hoá các chợ nội thành thành mạng lưới siêu thị và cửa hàng tiện lợi làm cơ sở hình thành các khu thương mại tập trung. Còn ở ngoại vi thành phố, chuyển hoá chợ thành các đại siêu thị, trung tâm bán buôn, tổng kho hay thành chợ đầu mối bán buôn.
Ở khu vực nông thôn, phát triển các loại hình chợ, nhất là hệ thống chợ dân sinh phù hợp với khả năng sản xuất và tiêu dùng. Nhà nước có những chính sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống chợ hàng hoá nông thôn.
3.3. Chú trọng việc xây dựng mạng lưới thông tin của mạng lưới chợ và tổ chức các dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh trên chợ
Đối với các chợ qui mô lớn, chợ đầu mối bán buôn có hệ thống thông tin riêng để cung cấp thông tin cho những người tham gia mua bán tại chợ về các lĩnh vực như: tình hình sản xuất, lưu kho, chợ bán buôn nơi sản xuất và nơi tiêu thụ, chợ thu mua, thị truờng quốc tế và xuất nhập khẩu, tình hình nhu cầu các loại hàng nông sản, thuỷ sản, dự đoán biến đổi giá cả... Hệ thống thông tin của mạng lưới chợ sẽ là công cụ rất hữu hiệu để tiều tiết và bình ổn thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản nên có sự đầu tư và quản lý của Nhà nước trong việc duy trì và vận hành hệ thống thông tin này.
Việc cung cấp các dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh như bảo hiểm, tư vấn, tín dụng, bảo quản, bốc xếp, vận chuyển... là hết sức cần thiết trong xu thế chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang hiện đại. Phát triển các loại hình dịch vụ sẽ tạo điều kiện khai thác tối đa cơ sở hạ tầng thương mại, làm tăng thêm các khoản thu, góp phần phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm của địa phương, từng bước hình thành thị trường hàng hoá tập trung và phát triển thương nhân tại các chợ. Vì vậy, đây là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm phát triển trong hệ thống chợ ở nước ta, nhất là ở các chợ có lưu lượng hàng hoá trao đổi lớn.
3.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về chợ
Việc ban hành các chính sách, luật pháp liên quan đến chợ để điều chỉnh mọi hoạt động trên chợ vào nền nếp. Phương châm là lấy pháp luật để quản lý và xây dựng thị trường, tạo ra một môi trường chợ công khai, bình đẳng và khách quan.
Cần có quy định chuẩn về gia nhập thị trường để qua đó có thể giảm thiểu những hiện tượng xấu xảy ra như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hoá ra thị trường một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.Cần sử dụng các biện pháp như: phân cấp giám sát bắt đầu từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng nông sản, xây dựng thương hiệu và uy tín cho hàng nông sản,...cùng với hàng loạt các biện pháp kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm hàng lưu thông trong chợ,...
3.5. Đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư xây dựng và quản lý chợ
Phương châm phát triển chợ là Nhà nước đầu tư trước và thu hút người dân cùng làm, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong đầu tư xây dựng và quản lý chợ. Nguồn vốn đầu tư bao gồm: (1) vốn của doanh nghiệp, cá nhân - nguồn vốn cơ bản; (2) vốn vay tín dụng - nguồn vốn quan trọng; và (3) vốn đầu tư phát triển của Nhà nước - nguồn vốn "mồi". Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong đầu tư và quản lý các loại chợ vì để khu vực tư nhân tự thành lập và quản lý sẽ hiệu quả hơn là có sự can thiệp của Chính phủ.
Đẩy mạnh quá trình công ty hoá quản lý chợ là xu hướng chung của các nước, vì vậy ở nước ta, tuỳ thuộc điều kiện cụ thể ở từng địa phương, có thể chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện nay theo các phương thức: giao quyền khai thác kinh doanh chợ cho một doanh nghiệp nhà nước; đấu thầu để lựa chọn đơn vị có phương án khai thác, kinh doanh hiệu quả nhất; thành lập doanh nghiệp kinh doanh chợ: công ty TNHH, công ty tư nhân, hợp tác xã hoặc công ty cổ phần.
3.6. Thực thi các qui định, các tiêu chuẩn thống nhất trong qui hoạch, thiết kế xây dựng hệ thống chợ
Khi qui hoạch, thiết kế xây dựng chợ, cần phải quan tâm đến các khía cạnh như: chú trọng đến qui mô diện tích mặt bằng; chú trọng đến các khu chức năng phù hợp với yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, phù hợp với từng loại hình chợ và qui mô lưu thông hàng hoá; các công trình kiến trúc, nhất là khu vực mua bán hàng hoá phải thông thoáng, đảm bảo sự lưu thông của người và hàng hoá qua chợ; thiết kế các lô quầy phù hợp với tính chất hàng hoá, đảm bảo dễ trưng bày và chọn lựa; bảo đảm hệ thống trang thiết bị kỹ thuật trong chợ như chiếu sáng, thông gió, điều hoà không khí, phòng cháy chữa cháy... Đối với nước ta, đây là những vấn đề cần phải quan tâm vì trên thực tế, việc xây dựng chợ nói chung vẫn có xu hướng chỉ tập trung vào xây dựng nhà chợ mà ít chú trọng đến các yếu tố khác.
3.7. Chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ quản lý chợ
Yêu cầu hiện đại hoá chợ bán buôn, chợ bán lẻ đòi hỏi phải có đội ngũ quản lý chợ chuyên nghiệp, vì vậy phải phát triển lực lượng này thông qua tăng cường đào tạo, phổ biến cho cán bộ quản lý chợ về kiến thức và kỹ năng kinh doanh chợ, kiến thức về pháp luật...
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT