NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Chợ Việt Nam: Thực tiễn, vấn đề và giải pháp (P5)

11/05/2023

Phần 5: Chợ đầu mối nông sản (tiếp theo)

2.5. Quản lý nhà nước đối với chợ đầu mối nông sản

- Về qui hoạch phát triển chợ đầu mối nông sản

Điều 4 Nghị định 02/CP đã qui định,qui hoạch chợ là một bộ phận cấu thành trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, các nguyên tắc lập Qui hoạch phát triển chợ (Khoản 2, Điều 4) qui định “Phát triển các chợ đầu mối theo ngành hàng, đặc biệt các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá ở những vùng sản xuất tập trung về nông, lâm, thuỷ sản”.

Trên cơ sở của qui định này, trong những năm vừa qua rất nhiều địa phương trong cả nước đã dành kinh phí cho công tác lập qui hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và các năm tiếp theo. Hiện cả nước đã có khoảng 85% số tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác lập qui hoạch chi tiết cho việc phát triển hệ thống chợ. Trong qui hoạch phát triển hệ thống chợ đến năm 2010, 100% các địa phương đã lập qui hoạch đều đề ra yêu cầu đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản.

Tuy nhiên, do chưa có những nhận thức đúng về loại hình chợ đầu mối bán buôn nông sản, đồng thời lại thiếu các tiêu chuẩn kinh tế-kỹ thuật, thiết kế mẫu cho các loại chợ đầu mối nông sản nên thực tế đã nảy sinh tình trạng, một là, các địa phương khi qui hoạch chợ đầu mối mang tính vùng nhưng lại không phối hợp với các địa phương khác dẫn đến hạn chế khả năng hoạt động, đồng thời xảy ra tình trạng các chợ đầu mối nông sản cấp tỉnh trong một vùng được phát triển quá mức cần thiết sẽ gây lãng phí trong đầu tư và giảm hiệu quả hoạt động của các chợ. Hai là, việc chưa ban hành kịp thời các tiêu chuẩn và thiết kế mẫu của loại hình chợ đầu mối nông sản sẽ dẫn đến sự bất hợp lý trong vận hành chung của nhiều chợ đầu mối sau khi được xây dựng.         

- Về thu hút vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối

Điều 5 Nghị định 02/ CP đưa ra các qui định về huy động các nguồn vốn đầu tư (tại các khoản 1 và 2). Đối với các chợ có qui mô hạng I và chợ đầu mối nông sản, Nghị định đã xếp vào diện được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn nhà nước (khoản 3) và được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư.

Trong Quyết định 559/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: "Nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển chợ đến năm 2010 được huy động từ vốn đầu tư phát triển của Nhà nước (bao gồm vốn từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại), vốn vay tín dụng, vốn của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, vốn của nhân dân đóng góp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư...là nguồn vốn chủ yếu của Chương trình"

Thực tế cho thấy, việc hình thành và phát triển các chợ đầu mối nông sản ở nước ta đến nay chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước. Mặc dù, áp lực về tiêu thụ nông sản đã đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển các chợ đầu mối nông sản ở nước ta ngay từ đầu những năm 90. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít địa phương thực hiện đầu tư xây dựng được chợ đầu mối nông sản. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối thường rất lớn, nên hầu hết nếu không có ngân sách  hỗ trợ, các nhà đầu tư không thể tự làm được. Vì vậy, khi Nghị định 02/NĐ-CP được ban hành và sau đó là Quyết định 559/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 với chủ trương hỗ trợ vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản. 

Hầu hết các chợ đầu mối nông sản mới được xây dựng đều có số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu chiếm từ 30% tổng số vốn đầu tư cho các chợ đầu mối nông sản. Tuy nhiên, mức hỗ trợ có sự chênh lệch lớn; Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư chưa được dự toán và hạch toán riêng; Các chủ đầu tư chợ là tư nhân còn gặp khó khăn khi nhận được hỗ trợ vốn ngân sách,…

Các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng chợ, bao gồm: vốn huy động từ các hộ tham gia kinh doanh trên chợ; vốn tự có của các đơn vị chủ đầu tư; vốn vay ưu đãi. Việc huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng chợ đầu mối là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn huy động chính hiện nay là dưới hình thức bán (có thời hạn) quyền sử dụng diện tích cho các hộ sẽ tham gia kinh doanh trên chợ. Do đó, khả năng huy động vốn sẽ không lớn do sự hạn chế về vốn của các hộ kinh doanh, khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của các hộ, nhất là đối với các chợ mới xây dựng sẽ dẫn đến sự do dự của các hộ khi quyết định mua quyền sử dụng diện tích kinh doanh,…

Ngoài các chợ đầu mối nông sản cấp vùng có qui mô vốn đầu tư tối thiểu từ 30 tỷ đồng, qui mô vốn đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản khác có sự chênh lệch khá lớn giữa các chợ trong vùng, cũng như giữa các vùng.

Ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư, các địa phương cũng ban hành những chính sách phát triển chợ thuộc phạm vi thẩm  quyền của mình. Trong đó, chính sách do các địa phương ban hành thường tập trung vào chính sách sử dụng đất đai xây dựng chợ và tổ chức quản lý các chợ trên địa bàn…

- Quản lý đối với các hàng hoá nông sản lưu thông qua chợ đầu mối nông sản

Trong thời kỳ đổi mới, chính sách tự do hoá lưu thông hàng hoá đã thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hoá nói chung và lưu thông qua chợ nói riêng không ngừng phát triển cả về qui mô, phạm vi và chủng loại hàng hoá. Do đó, nhiều chợ đã trở nên nhỏ hẹp hơn do sự gia tăng của lưu lượng người và hàng hoá lưu thông qua chợ. Đồng thời, nhu cầu di chuyển các chợ cũ, xây dựng chợ mới dưới hình thức chợ đầu mối nông sản cũng mới xuất hiện ở các tỉnh, vùng sản xuất nông nghiệp trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đó việc tổ chức lưu thông hàng nông sản qua chợ đầu mối hiện nay vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu đặt ra.

Những hạn chế trong quản lý về lưu thông hàng hoá qua các chợ đầu mối nông sản hiện nay thể hiện:

+ Nhà nước chưa đưa ra chính sách phát triển các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp lưu thông qua chợ đầu mối. Do đó, tại các chợ đầu mối nông sản, ngoài những sản phẩm mang tính đặc trưng truyền thống của vùng sản xuất, những nông sản khác lưu thông qua chợ thường nhỏ lẻ, không ổn định theo kiểu tự phát “có thứ gì, bán thứ đó”. Các sản phẩm lưu thông qua các chợ đầu mối không có sự khác biệt nào với các sản phẩm tiêu thụ qua các loại hình khác về hình thức, bao gói, nhãn sản phẩm, tính tiện lợi trong sử dụng,… Đồng thời, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có tiềm năng sản xuất những sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường ngoài vùng, nhưng chưa được khai thác đưa vào lưu thông qua các chợ đầu mối. Hoặc, nhiều vùng tiêu thụ – các đô thị lớn - có nhu cầu rất đa dạng về các loại nông sản, thực phẩm ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp khác nhau, nhưng cũng chưa được các chợ đầu mối nông sản chú trọng cung ứng.

+ Để phát triển các kênh phân phối hàng nông sản qua các chợ đầu mối, hiện nay Nhà nước cũng chưa có những chính sách, biện pháp  cụ thể nhằm tạo ra mối liên kết giữa các chợ đầu mối nông sản với các loại hình thương nghiệp bán lẻ khác tại các khu vực tiêu thụ lớn và với các nguồn cung cấp tại vùng sản xuất nông nghiệp. Thực tế, các kênh phân phối hàng nông sản qua các chợ đầu mối hiện nay vẫn còn khá mờ nhạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như: Những người sản xuất nhỏ qui mô nhỏ, thời gian nhàn rỗi lớn,… nên thường tự đưa sản phẩm của họ đi tiêu thụ tại các chợ bán lẻ, hay bất kỳ tụ điểm nào đó trong thành phố; Các thương nhân thường ngồi cố định tại các chợ đầu mối và thường không chủ động tìm kiếm khách hàng tiêu thụ, hay bạn hàng cung ứng;… Vì vậy cần phải tác động để thương nhân chủ động tạo ra mối liên kết mua – bán và qua đó xác lập nên các kênh phân phối qua chợ đầu mối.

+ Việc hỗ trợ lưu thông hàng hoá qua các chợ đầu mối nông sản hiện nay đã được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, như qui định về miễn giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng đối với các hộ kinh doanh nhỏ, hay không thu lệ phí vào chợ đối với người sản xuất nhỏ tự tiêu thụ sản phẩm của họ,... Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hoá nông sản qua các chợ đầu mối với qui mô lớn, thường xuyên và ổn định, những qui định hỗ trợ đã có hiện nay là chưa đủ, mà cần phải thiết kế thành chính sách mang tính toàn diện và đồng bộ hơn. Trong đó, chính sách hỗ trợ lưu thông cần đặc biệt chú trọng đến các khâu của quá trình lưu thông hàng hoá nông sản qua chợ đầu mối, như phân loại, sơ chế, bảo quản, vận chuyển,… và chú trọng đến việc đảm bảo vốn lưu thông.

Có thể thấy, thực trạng quản lý Nhà nước đối với phát triển chợ đầu mối nông sản ở nước ta hiện nay cho thấy các biện pháp quản lý mới chủ yếu tập trung vào việc xác lập môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, nhiều nội dung quản lý liên quan đến hoạt động của chợ đầu mối lại chưa có sự điều chỉnh thông qua các công cụ chính sách của nhà nước.

Từ thực trạng chung về phát triển mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở nước ta cho thấy, hoạt động của các chợ đầu mối nông sản, kể cả chợ đầu mối nông sản chuyên ngành và đa ngành mới đang từng bước được định hình, còn mang yếu tố tự phát, chưa đủ lớn và chưa khẳng định được ví trí và vai trò của nó trong hệ thống thị trường nông sản trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay.

3. Đánh giá chung

3.1. Những yếu tố thuận lợi đối với việc phát triển các chợ đầu mối nông sản ở nước ta

- Nước ta có nhiều tiềm năng về phát triển nông, ngư nghiệp với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng, lại đang trong giai đoạn phát triển nhanh từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn hướng về xuất khẩu cùng với quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

- Thị trường tiêu thụ hàng nông sản trong nước đang và sẽ ngày càng mở rộng cùng với quá trình đô thị hoá, với xu hướng phát triển nhanh của các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Trong tương lai, cùng với việc thực thi các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cả quá trình đô thị hoá và quá trình phát triển các ngành công nghiệp chế biến ở nước ta sẽ diễn ra ở nhiều vùng và sẽ gia tăng với tốc độ nhanh hơn hiện nay. Như vậy, sự phát triển của nhu cầu tiêu thụ nông sản ở qui mô và trình độ cao hơn sẽ tạo ra cơ sở về cầu cho hoạt động lưu thông và qua đó củng cố, gia tăng nhanh nhu cầu đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản.

- Chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước cùng với xu hướng tự do hoá thương mại toàn cầu đã và đang mang lại nhiều cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối hàng nông sản trên thị trường thế giới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản ở nước ta.Trong thời gian tới, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế của nước ta vào khu vực và thế giới, triển vọng mở rộng xuất khẩu và thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối hàng nông sản thế giới của Việt Nam cũng sẽ ngày càng lớn hơn. Mặt khác, việc mở cửa thị trường trong nước nói chung và thị trường dịch vụ nói riêng sẽ góp phần khắc phục tình trạng kém phát triển của các hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nói chung và kinh doanh hàng nông sản nói riêng ở nước ta hiện nay. Những điều đó sẽ là yếu tố thuận lợi cho việc phát triển chợ đầu mối nông sản ở Việt nam

- Sự phát triển nhanh của thương nhân trong những năm vừa qua là điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển lực lượng kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản.

Trong những năm tới, sự tham gia kinh doanh của thương nhân tại các chợ đầu mối nông sản sẽ tăng nhanh hơn do các chợ đầu mối mới được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ là những cơ sở thực tiễn mang lại những hiểu biết cơ bản cho thương nhân về chợ đầu mối nông sản; Đồng thời, lực lượng thương nhân hiện nay đã qua giai đoạn đủ dài để có những tích luỹ về vốn, kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, các mối quan hệ bạn hàng; Bên cạnh đó, số lượng các thương nhân được đào tạo sẽ ngày càng gia tăng và lôi kéo các thương nhân khác cùng phát triển.

- Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật nói chung và kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối nói riêng của nhà nước hiện nay đã và sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hình thành và phát triển chợ đầu mối nông sản.

Với tính phụ thuộc vốn có của chợ đầu mối nông sản vào vốn đầu tư và điều kiện kinh tế - kỹ thuật của vùng đầu tư, có thể khẳng định rằng, sự gia tăng đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản vừa qua mới chỉ là kết quả bước đầu của việc thực hiện chính sách đầu tư trong lĩnh vực này của Nhà nước. Trong những năm tới, sự gia tăng đầu tư xây dựng cũng như khả năng mở rộng, phát triển lưu thông hàng hoá của các chợ đầu mối nông sản sẽ còn nhanh hơn, ở phạm vi không gian rộng hơn do có khả năng khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đã có hiện nay và được phát triển cùng với những dự án đang và sẽ được đầu tư trong những năm tiếp theo.  

- Từ kinh nghiệm thành công của một số rất ít chợ đầu mối nông sản ở nước ta cho thấy, chợ phải đáp ứng được những nhu cầu của cộng đồng rộng lớn, phải thoả mãn được nhu cầu của các đối tượng tham gia kinh doanh ở chợ như người nông dân, người bán lẻ, bán buôn... Phải thoả mãn nhu cầu của các siêu thị và các chợ bán buôn nhỏ hơn, của cửa hàng bán thực phẩm, người nhập khẩu, vận tải, khách sạn, nhà hàng.... Phải có được diện phục vụ rộng mới đảm bảo được sự thành công cho chợ bán buôn nông sản.

Chợ bán buôn nông sản phải có mối quan hệ chặt chẽ với người nông dân và các chợ khác trong vùng và cả nước, trong tương lai cần có quan hệ với các chợ bán buôn nông sản khu vực và  quốc tế.

Các dịch vụ hỗ trợ phân phối  như đóng gói, bao bì, chỗ để xe, điện thoại, kiểm dịch, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm đều phải được cung cấp trong chợ. Phải cung cấp được thông tin về giá cả thị trường. Hàng ngày chợ phải cập nhật thông tin về giá cả của tất cả các mặt hàng được giao dịch ở trong chợ.

3.2. Những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển các chợ đầu mối nông sản

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển mạng lưới chợ đầu mối nông sản trên đây, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực trạng phát triển các chợ đầu mối nông sản ở nước ta trong những năm vừa qua cho thấy cũng còn nhiều vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển chợ đầu mối nông sản, bao gồm:

- Sản xuất nông nghiệp nước ta tuy đã có nhiều tiến bộ trong việc gia tăng sản lượng và gia tăng xuất khẩu trong những năm qua, nhưng về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ và tương đối lạc hậu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá tại các tỉnh, vùng lại diễn ra khá chậm. Ngay cả ở một số tỉnh có lợi thế lớn về sản xuất trái cây thuộc vùng ĐBSCL và được xem là vựa trái cây cung cấp cho thị trường cả nước thì tỷ lệ vườn tạp trong những vùng trồng cây ăn trái tập trung vẫn khá lớn. Đồng thời, tại các vùng sản xuất nông nghiệp vẫn phổ biến sử dụng các loại cây, con giống và các phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống đã khá lạc hậu so với khu vực và thế giới. Trong khi đó, việc xây dựng định hướng qui hoạch và thực hiện qui hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và qui hoạch các ngành sản xuất của quốc gia và của các tỉnh (thời kỳ 2000 đến 2010) vừa qua cũng còn nhiều bất cập. Với những hạn chế trên đây, nhất là hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện định hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp sẽ kéo theo sự hạn chế về phát triển nguồn hàng nông sản trong những năm tới và làm giảm thiểu tính cần thiết, cũng như qui mô hoạt động của các chợ đầu mối ngay tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm.

- Lực lượng thương nhân nước ta nói chung và bộ phận thương nhân tham gia kinh doanh hàng nông sản nói riêng tuy đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực kinh doanh trong những năm vừa qua, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế trước yêu cầu tổ chức, phát triển kinh doanh lớn tại các chợ đầu mối nông sản.

Những điểm hạn chế chủ yếu của lực lượng thương nhân tham gia kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản, như:

+ Lực lượng thương nhân chủ yếu xuất thân từ những người sản xuất nhỏ (nông dân, thợ thủ công) và người buôn bán nhỏ. Những đối tượng này khi tham gia kinh doanh cũng thường mang theo tư tưởng sản xuất nhỏ, sợ rủi ro, không dám mở rộng qui mô và phạm vi kinh doanh.

+ Việc phát triển quan hệ kinh doanh giữa các thương nhân với nhau thường dựa trên cơ sở lòng tin đã được thử nghiệm sau khoảng thời gian nhất định, mà chưa thực sự dựa trên cơ sở pháp lý.Do đó, quan hệ kinh doanh giữa các thương nhân với nhau chậm được mở rộng và bị giới hạn cả về không gian và thời gian. Hạn chế này không chỉ do sự kém hiểu biết, tâm lý ngại tiếp cận cơ quan pháp luật, mà còn do năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó, khi tham gia kinh doanh trên các chợ đầu mối nông sản, lực lượng thương nhân hiện nay cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh tương ứng với qui mô, phạm vi kinh doanh của một chợ đầu mối nông sản.

- Nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước chậm phát triển, trong khi các lực lượng tham gia cung ứng trực tiếp hàng nông sản cho tiêu dùng của dân cư ở các khu vực đô thị đang phát triển vẫn khá dồi dào, do đó làm mất đi cơ hội gia tăng đáng kể lượng hàng nông sản được lưu thông qua chợ đầu mối để hình thành giá cả thị trường đảm bảo công bằng cho cả người mua và người bán, cũng như hình thành các kênh lưu thông hàng hoá lớn và ổn định. 

Thực tế, các chợ đầu mối mới xây dựng trong những năm gần đây và những chợ đầu mối nông sản đã có trước đây có nhiều chợ đầu mối nông sản - thực phẩm tổng hợp ở các khu vực thành phố lớn.  Một bộ phận đáng kể lao động nông nghiệp đã và đang gia nhập vào lực lượng cung ứng trực tiếp hàng nông sản cho các khu vực đô thị. Thêm vào đó, công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý các tụ điểm mua bán trong nội thị nói riêng chưa được thực hiện tốt. Vì vậy, quá trình đô thị hoá, ngay cả ở những đô thị lớn chưa có tác động tích cực đến sự hình thành, phát triển của các chợ đầu mối nông sản. Các kênh cung ứng và tiêu thụ được xác lập tại các chợ đầu mối nông sản - thực phẩm tổng hợp vẫn phổ biến ở qui mô nhỏ, ít ổn định và với sự tham gia của nhiều tầng lớp trung gian.

Đồng thời, do sự chậm phát triển của các cơ sở chế biến nông sản, sự thiếu vắng của các nhà đầu cơ, đặc biệt là các nhà đầu cơ xuất khẩu hàng nông sản trên thị trường trong nước, nên cầu về mặt hàng nông sản sản xuất chính của mỗi vùng sản xuất nông nghiệp cũng chưa đủ lớn và chưa thực sự trở thành tác nhân trực tiếp thúc đẩy sự hình thành, phát triển các kênh lưu thông hàng nông sản qua các chợ đầu mối.

Những hạn chế trong việc phát triển các kênh lưu thông hàng nông sản qua các chợ đầu mối trên đây, đến lượt nó lại làm cho vai trò của các chợ đầu mối trở nên mờ nhạt và không phát huy được ảnh hưởng của nó đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. 

- Những tồn tại về cơ chế, chính sách liên quan đến việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chợ đầu mối nông sản hiện nay đã và đang làm chậm tiến trình hình thành, phát triển chợ đầu mối.

Thực trạng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chợ đầu mối nông sản trong những năm vừa qua, như đã nêu trên đây, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều vấn đề tồn tại gây hạn chế đến quá trình hình thành, phát triển chợ đầu mối nông sản, như: Vấn đề qui hoạch và thực hiện qui hoạch các chợ đầu mối nông sản; Vấn đề hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng của ngân sách nhà nước trung ương và địa phương; Vấn đề huy động vốn đầu tư xây dựng. 

Ngoài ra, nhiều tồn tại có liên quan khác đang làm chậm tiến trình thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chợ đầu mối nông sản hiện nay, như: mức giá cả, phương án đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ đầu mối nông sản; vấn đề thiết kế và xây dựng hệ thống giao thông hợp lý trong và ngoài khu vực chợ đầu mối;…

Nếu những bất cập trong cơ chế, chính sách không tiếp tục được đổi mới sẽ vẫn là lực cản đối với tiến trình thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các chợ đầu mối nông sản trong những năm tới. 

- Sự phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản ở nước ta hiện nay vẫn còn khá mờ nhạt và thiếu vắng nhiều dịch vụ gắn liền với yêu cầu tổ chức kinh doanh ở qui mô tương xứng với qui mô chợ đầu mối, nhất là chợ đầu mối cấp vùng. Sở dĩ có tình trạng này là do sự phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ phụ thuộc vào nhiều phương diện khác nhau có liên quan đến trình độ phát triển của phân công lao động, của sản xuất và kinh doanh, liên quan đến môi trường kinh doanh của các ngành dịch vụ và liên quan đến khả năng sẵn sàng cung ứng và giá cả của các dịch vụ được cung ứng,… Xét trong điều kiện nước ta hiện nay, tất cả những phương diện có liên quan này đều chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.

- Những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực tổ chức và quản lý hoạt động tại các chợ đầu mối nông sản chậm được giải quyết đang và sẽ là cản trở trực tiếp đối với yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của chợ.

Các chợ đầu mối nông sản với yêu cầu cao trong việc tổ chức kinh doanh hàng hoá, đương nhiên phải được tổ chức và quản lý một cách phù hợp mới có thể đảm bảo cho sự phát triển của nó với tư cách là một cơ sở kinh doanh thực sự và có phần phức tạp hơn nhiều so với các loại hình tổ chức thương mại khác. Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về các phương diện có liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản, như đã nêu trên đây, việc tổ chức và quản lý hoạt động của đơn vị quản lý chợ cũng còn nhiều tồn tại cơ bản.

Nhà nước chưa có những hướng dẫn cụ thể và kịp thời về mô hình tổ chức với các bộ phận chức năng và cơ chế vận hành của ban quản lý hay doanh nghiệp chợ. Gần đây, Bộ Thương mại mới có Thông tư 06 hướng dẫn về xây dựng doanh nghiệp quản lý chợ và định hướng đến năm 2008 sẽ chuyển các đơn vị đơn vị quản lý chợ hiện nay sang mô hình doanh nghiệp quản lý chợ hay mô hình hợp tác xã.

Ngoài hạn chế cơ bản trên đây, trong thực tế, việc đảm nhận công tác tổ chức quản lý chợ nói chung và chợ đầu mối nông sản nói riêng thường là những người chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh nói chung và quản trị kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản nói riêng. Thêm vào đó, việc chưa tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý Nhà nước đối với chợ và chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay cũng đang và sẽ là những nguyên nhân gây hạn chế đến quá trình hình thành và phát triển các chợ đầu mối nông sản.

Trong quá trình xây dựng chợ, hiện tượng chú trọng hình thức, coi nhẹ nội dung, chú trọng phần cứng, coi nhẹ phần mềm là tương đối phổ biến. Đặc biệt là thiếu các thiết bị bảo quản, duy trì độ tươi sống, thiết bị kiểm tra đo lường chất lượng hàng nông sản. Hệ thống quản lý của chợ vẫn giản đơn ở việc cho thuê chỗ, các chức năng mang tính hỗ trợ  như phân phối, sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, hình thành giá cả, trao đổi thông tin, thanh toán ..vv  còn rất yếu.

Trong các chợ bán buôn hàng nông sản, phương thức giao dịch còn lạc hậu, chủ yếu là phương thức giao dịch trao tay, giao ngay truyền thống là chính, phương thức đại lý vẫn chưa phổ biến, các phương thức giao dịch kỳ hạn và giao dịch theo hợp đồng dài hạn, bán đấu giá cạnh tranh, chế độ hội viên vẫn còn rất xa vời; Đa số chỉ chú trọng xây dựng chợ bán buôn, coi nhẹ xây dựng  dịch vụ hỗ trợ lưu thông nông sản ( vận tải, thông tin, bưu điện), bồi dưỡng những người kinh doanh trong chợ và qui tắc chợ…vv. Còn nhiều chợ bán buôn có kiến trúc sơ sài, chợ theo hình thức lều lán và có cả chợ lộ thiên.

Những vấn đề như hành chính nhiều cửa, các hành vi giao dịch chưa đi vào nề nếp…vv  vẫn chưa được giải quyết một cách có hiệu quả. Do nhiều chợ thiếu quy chuẩn về gia nhập thị trường một cách chặt chẽ, thiếu chế độ kiểm tra đo lường chất lượng hàng hoá một cách đầy đủ, thiếu thiết bị kiểm tra đo lường cần thiết, nên mức độ nguy hại của hàng giả, mối nguy hiểm về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng vẫn tồn tại.

Một số chợ xuất hiện hiện tượng hỗn loạn trong thu phí chợ,  như việc thu phí ngày một tăng, phí thu của người bán rồi lại thu của cả người mua làm tăng chi phí cho các bên giao dịch. Việc thu phí quá cao sẽ hạn chế nghiêm trọng đến sự phát triển của chợ.

-  Nông dân tham gia hoạt động mua bán ở chợ bị hạn chế về trình độ và kiến thức kinh doanh. Hiện nay, tình trạng nông dân ký hợp đồng mua bán trước khi sản xuất theo phương thức đặt hàng không nhiều, đa phần là sản xuất ra hàng hoá rồi sau đó mới tìm người thu mua, hoạt động tiêu thụ phân tán, nhỏ lẻ, tiêu thụ có tổ chức rất ít. Do vậy, vị thế đàm phán của người nông dân trong quá trình giao dịch rất thấp, lợi nhuận được phân phối bị nghiêng về phía trung gian. Hiện nay, nông dân rất thiếu các tổ chức thương mại có thể giúp họ tiêu thụ nông sản.

Các địa phương, các Hiệp hội hàng nông sản phần lớn mới chỉ chú trọng sản xuất sản phẩm nông sản, các tổ chức có thể thực sự giúp người nông dân gia nhập thị trường, thực hiện tổ chức tiêu thụ hàng nông sản mới chỉ có rất ít.

Những vấn đề trên đây cần được khắc phục trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở nước ta thời kỳ tới.

Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC