Là thành phần quan trọng, chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước lớn mạnh cả về quy mô, số lượng, giúp tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Giai đoạn 2013 - 2020, DNNVV đóng góp hơn 15% GRDP của tỉnh, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; nộp ngân sách Nhà nước hàng năm chiếm 4,4% tổng thu ngân sách; tạo thêm khoảng 70 nghìn việc làm mới, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu vực DNNVV gặp rất nhiều hạn chế: quy mô nhỏ (chủ yếu là DN siêu nhỏ, nhỏ), trình độ quản lý còn kém, trình độ công nghệ và sức sáng tạo thấp, sức cạnh tranh kém, khả năng liên kết hợp tác tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI hoạt động trong một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (HonDa, Toyota, Piagio,…) còn yếu. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp này luôn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn: về mặt bằng sản xuất, vốn, lao động, đổi mới công nghệ… Do đó các DNNVV chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Với mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, DNNVV được xác định đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế với số lượng vượt trội, chiếm tới 97% tổng số DN trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng doanh nghiệp phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng; Từng bước tăng số lượng DNNVV tham gia chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 21 tháng 11 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số: 2204/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Phấn đấu mỗi năm tăng 1.300 - 1.500 doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2025. Trong đó, đặc biệt chú trọng khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ các hộ kinh doanh;
(2) 100% doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2025 được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số; Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.
(3) Đến năm 2025, DNNVV phấn đấu đạt được các chỉ tiêu:
- Giải quyết việc làm mới cho người lao động bình quân hàng năm đạt 7.700 người/năm;
- GRDP của DNNVV tạo ra năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 10-15%/năm;
- Nộp ngân sách của các DNNVV năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 7-10%/năm so với cùng kỳ năm trước (năm sau so với năm trước);
- Đóng góp vốn đầu tư của các DNNVV trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước (năm sau so với năm trước);
(4) Củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 05 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 05 ngành tiềm năng: Công nghệ thông tin; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông sản.
Đề án cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ DNNVV
1. Nhóm hỗ trợ chính sách chung về thông tin, pháp lý, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, hỗ trợ thuế kế toán, công nghệ, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV
2. Hỗ trợ DNNVV được chuyển đổi từ hộ kinh doanh
- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chuyển đổi thành lập doanh nghiệp;
- Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp;
- Hỗ trợ Thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Hỗ trợ lệ phí môn bài; Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán;
- Hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà không thay đổi về quy mô thì gửi đề nghị tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được cấp văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
3. Hỗ trợ DNVVV khởi nghiệp sáng tạo
Mức hỗ trợ:
- Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung
+ Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.
- Hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ công nghệ
+ Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu
+ Hỗ trợ 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/doanh nghiệp/năm;
+ Hỗ trợ 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 02 học viên/doanh nghiệp/năm.
- Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo
+ Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế; các sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học; thông tin kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử;
+ Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài;
+ Hỗ trợ 50% chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo nhưng không quá 30 triệu đồng/cuộc thi/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ lãi suất:
+ Trong từng thời kỳ, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thông qua các tổ chức tín dụng là 02%/năm.
4. Hỗ trợ DNNVV tham gia Cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Mức hỗ trợ
- Hỗ trợ về đào tạo
+ Hỗ trợ 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp nhưng không quá 50 triệu đồng/khóa/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo cho học viên của doanh nghiệp khi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu phát triển của ngành, chuỗi giá trị nhưng không quá 10 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/doanh nghiệp/năm.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường
+ Miễn phí tra cứu thông tin về các sự kiện kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi, quy trình tìm kiếm, xác định nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp đầu chuỗi trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh;
+ Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh;
+ Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử quốc tế;
+ Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài;
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị nhưng không quá 20 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng
+ Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hợp đồng tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật nhưng không quá 20 triệu đồng/sản phẩm/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng
+ Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 50% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp./.
Đỗ Thị Bích Thủy
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT