3. Thương mại Việt - Trung
Năm 1991, khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương chỉ vỏn vẹn 30 triệu USD. Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 27,328 tỷ USD). Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 58,6 và 66,0 tỷ USD năm 2014 và 2015. Năm 2017 đạt 93.691,3 triệu USD, tăng 30,16% và 1,30 lần so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch XK đạt 35.462,7 triệu USD, tăng 61,49% và kim ngạch NK đạt 58.228,6 triệu USD, tăng 16,41% so với 2016.
Tỷ trọng kim ngạch NK từ Việt Nam trong tổng kim ngạch NK của Trung Quốc 2,34 và 2,74 % trong các năm 2016 và 2017. Tỷ trọng kim ngạch XK sang Việt Nam trong tổng kim ngạch XK của Trung Quốc 2,91 và 3,17 % trong các năm 2016 và 2017.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,37 tỷ USD tăng 16,56% so với năm 2017, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 65,57 tỷ USD, tăng 11,68%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc năm 2019 là 41,46 tỷ USD, chỉ tăng 0,22% so với năm 2018, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu lên tới 75,51 tỷ USD, tăng 15,2%, khiến cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 đã lên tới hơn 34,1 tỷ USD (Hải quan Việt Nam - 2019, https://www.customs.gov.vn).
Trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với Trung Quốc năm 2020 cũng tiếp tục tăng so với năm 2019 khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc năm 2020 đạt 48,91 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019, và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 84,20 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019 (Tổng cục Hải quan - 2021, https://www.customs.gov.vn).
Năm 2021 và 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,93 tỷ USD và 57,7 tỷ USD (chiếm tỷ trọng tương ứng là 16,6% và 15,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Nhập khẩu cũng cán mốc 110,53 và 117,87 tỷ USD (chiếm tỷ trọng tương ứng là 33,2% và 31,7% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước).
Trong số 53 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022, thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc trên 260 tỷ USD/năm, thì Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).
Bẩy tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 27 tỷ USD, giảm 35,2%.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 60,2 tỉ USD vào năm 2022, từ mức 54,6 tỉ USD một năm trước. Mức thâm hụt thương mại này vào năm 2008 mới là 10 tỉ USD.
Việt Nam xuất sang Trung Quốc điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; rau quả, nông lâm sản. Với 10 mặt hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì có ít nhất sáu mặt hàng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam. Họ vẫn là nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị lớn nhất cho các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động của Việt Nam (các sản phẩm máy móc, thiết bị, linh kiện, đồ điện tử, hàng dệt may và điện thoại thông minh…). Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như: xăng dầu; vải; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sắt thép.S ự phụ thuộc Việt Nam - Trung Quốc ngày càng gia tăng khi nhiều ngành sản xuất của Việt Nam có dấu hiệu phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, trong khi các quốc gia khác trong ASEAN đã từng bước giảm bớt mức độ phụ thuộc này.
Trong quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam theo chính sách "Trung Quốc +1", các công ty vẫn tiếp tục nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, cũng góp phần khiến thâm hụt thương mại tăng nhanh.
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn những hạn chế sau:
Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển dịch chưa hợp lý và chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giữa các nhóm hàng còn chậm, chưa ổn định.
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong từng nhóm hàng thiếu tính bền vững và bất lợi cho Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế của chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc:
- Cơ chế điều hành hoạt động xuất nhập khẩu và công tác tổ chức xuất khẩu còn nhiều bất cập. Chưa tạo lập được mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, thương nhân xuất khẩu .
- Thiếu vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.
- Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch nên đa phần hàng nông thủy sản vẫn xuất theo đường tiểu ngạch hiệu quả thu được thấp.
- Thương hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và phát triển xứng tầm. Thực tế cho thấy, hầu hết những mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vẫn chỉ ở dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế.
- Các doanh nghiệp còn bị động trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh với thị trường Trung Quốc.
- Trung Quốc ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn và quy định đối với hàng nhập khẩu (từ ngày 01/04/2018, Trung Quốc áp dụng quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng hoa quả của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc; từ ngày 01/10/2019 yêu cầu các lô hàng thực phẩm nhập khẩu đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm).
Tính toán từ mô hình Cân đối liên ngành liên quốc gia rút gọn giữa Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và EU cho thấy: 100 đô la xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất của Việt Nam 74 đô la, đến giá trị tăng thêm của Việt Nam khoảng 72 đô la và lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của Trung Quốc tương ứng là 23 đô la và 25 đô la; trong khi đó chỉ lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của Mỹ tương ứng 1 và 2 đô la, lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của EU tương ứng 0,7 và 1,1 đô la.
Như vậy, với việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và EU thì Trung Quốc cũng được hưởng lợi rất lớn do xuất khẩu của Việt Nam cơ bản là sản phẩm của công nghiệp chế biến, chế tạo (khoảng 60% cho chi phí trung gian và khoảng 30% chi tích lũy tài sản), mà công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam cơ bản là gia công, với nguyên vật liệu đầu vào cơ bản được nhập từ Trung Quốc.
Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm gia công và sản phẩm cơ bản cho tiêu dùng cuối cùng không lan tỏa nhiều đến sản xuất và giá trị tăng thêm của Việt Nam, mà lan tỏa đến sản xuất và giá trị gia tăng của những nước mà Việt Nam nhập nguyên liệu làm đầu vào cho những sản phẩm gia công này. Như vậy, để xuất khẩu có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam, cần thực sự thay đổi cấu trúc ngành, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm phụ trợ bởi nền kinh tế trong nước.
Hiện tỷ lệ xuất khẩu tiểu ngạch chiếm khoảng 70% hàng sang Trung Quốc, tỷ lệ này gây rủi ro lớn cho người sản xuất. Phải có giải pháp để tăng nhanh tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất, gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại. Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa (thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.
Tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành: “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.
4. Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Gần 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1994), thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Từ năm 2001 (năm ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ - BTA) trở về trước, do xuất phát điểm còn thấp và chưa được hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) nên quy mô kim ngạch XK của Việt Nam vào Hoa Kỳ mới đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2001, cao gấp 20 lần kim ngạch XK của năm 1994 và gấp 5,2 lần năm 1995. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 70%/năm giai đoạn 1994-2001.Tuy nhiên, chủ yếu là tăng trưởng về lượng do xuất phát điểm quá thấp và dung lượng thị trường Hoa Kỳ quá lớn so với khả năng XK của Việt Nam.
Sau khi ký kết BTA vào năm 2001 và Việt Nam được hưởng PNTR của thị trường Hoa Kỳ vào năm 2006, với việc giảm đáng kể hàng rào thuế quan và phi thuế quan, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có sự phát triển mạnh mẽ cả về mặt lượng và chất. Năm 2002, kim ngạch XK hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng tới 127,04% so với năm 2001. Giai đoạn 2001-2005, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tăng bình quân tới 51,9 %/năm.
Cộng hưởng tác động của việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giai đoạn 2007-2017 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh và bền vững kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã vượt qua mốc 10 tỷ USD. Năm 2013, con số này đạt trên 23,8 tỷ USD và đây là năm đầu tiên Việt Nam có thị trường XK vượt qua con số 20 tỷ USD. Kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục gia tăng, đạt mốc 33,47 tỷ USD vào năm 2015 và 41,6 tỷ USD vào năm 2017. Các mặt hàng XK chủ yếu là dệt may; giày dép các loại; máy tính , sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại; máy móc, thiết bị phụ tùng; thủy sản ; gỗ và sản phẩm gỗ.
Tốc độ tăng trưởng KNXK hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 năm 2007 - 2017 bình quân đạt 16,04%/năm. Tuy nhiên, có sự giảm dần qua các giai đoạn, từ 19,25%/năm giai đoạn 2006-2010 xuống 18,64%/năm giai đoạn 2011-2015 và chỉ còn khoảng 11,49%/năm trong 2 năm 2016 và 2017.
Trên thực tế, trong năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng 13,8 tỷ USD, hay tăng 29,03% so với năm 2018. Năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 77,08 tỷ USD, tăng 25,68% so với năm 2019.Ngược lại, NK hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Mỹ chỉ đạt 137,12 tỷ USD, giảm 5,01% so với năm 2019. Năm 2021, kim ngạch xuất cán mốc 96,27 tỷ USD và NK là 152,78 tỷ USD.
Tổng kim ngạch XK của Việt Nam và KNXK của Việt Nam sang Hoa Kỳ giai đoạn 2001 – 2017
Nguồn: Trademap
Cùng với sự phát triển trong mối quan hệ hai nước, KNXK sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng KNXK của Việt Nam qua các năm. Kể từ năm 2003 trở lại đây, tính theo kim ngạch, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Nếu như năm 2001, chỉ tiêu này chỉ là 7,01% thì sang năm 2002 đã tăng hơn hai lần lên 15,47% và năm 2003 đạt tới 24,37%. Từ năm 2004 đến năm 2007, chỉ tiêu này duy trì ổn định ở mức từ 21 đến 23,5%.Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, chỉ tiêu này tăng giảm không đều, đặc biệt giảm mạnh trong giai đoạn 2011-2013, chỉ đạt tương ứng 18-19,6%, rồi tiếp tục tăng trở lại, đạt tới 21,88% năm 2016. Năm 2017, lại giảm chỉ còn 19,06%.
Mặc dù liên tục gia tăng song Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch NK của Hoa Kỳ, từ 0,09% năm 2001 lên 0,81% năm 2010, đạt 1,11% năm 2013 và năm 2016, 2017 đạt hơn 2%. Thứ hạng của Việt Nam trong số các quốc gia, khu vực XK vào thị trường Hoa Kỳ có sự thay đổi tích cực, từ vị trí 62 năm 2001 lên 26 vào năm 2010 và đứng thứ 12 năm 2017.
Năm 2007, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 32, trong đó là nhà XK đứng thứ 30 sang Hoa Kỳ, với tỷ trọng 0,57% và là thị trường đứng thứ 60 về NK hàng hóa từ Hoa Kỳ (chiếm 0,16%). Đến năm 2011, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 30, trong đó là nhà XK đứng thứ 26 sang Hoa Kỳ, với tỷ trọng 0,75% và là thị trường đứng thứ 45 về NK hàng hóa từ Hoa Kỳ, với tỷ trọng là 0,31%.Năm 2017, Việt Nam đã vươn lên, trở thành đối tác thương mại đứng ở vị trí 15,với thị phần 1,43% trong tổng kim ngạch XNK của Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam trở thành nhà XK đứng thứ 12 sang Hoa Kỳ với tỷ trọng 2,01% và xếp thứ 32 về NK hàng hóa từ Hoa Kỳ với tỷ trọng là 0,53%.
- Cán cân thương mại hai nước:
Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ là quan hệ thương mại song phương mà còn là tương tác thương mại. Thực tế giao thương hai nước trong thời gian qua cho thấy, không chỉ XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng tốt, Việt Nam cũng là thị trường phát triển nhanh nhất cho XK của Mỹ trên thế giới. Hoa Kỳ cũng đã XK vào Việt Nam một lượng hàng hóa không nhỏ và đang tăng. Cụ thể, năm 2007, Việt Nam NK 1,7 tỷ USD và từ 6,3 tỷ USD năm 2014, đã tăng lên 8,7 tỉ USD vào năm 2016 và 9,2 tỷ USD năm 2017 - chiếm 4,36% tổng kim ngạch NK của cả nước.Tốc độ tăng bình quân kim ngạch NK giai đoạn 2007-2017 đạt 22,58%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hoa Kỳ gồm máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, chất dẻo nguyên liệu…
Trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ - cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn duy trì mức thặng dư, từ mức 8,39 tỷ năm 2007 lên 12,4 tỷ USD năm 2011 và lên tới 32,04 tỷ USD năm 2017. Hơn thế nữa, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà Hoa Kỳ chịu thâm hụt thương mại cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 2018 - 2022
Đơn vị tính : Tỷ USD
|
2018
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
Tổng kim ngạch XK của cả nước
|
243,70
|
264,27
|
282,63
|
336,31
|
371,86
|
XK sang Hoa Kỳ
|
47,53
|
61,33
|
77,08
|
96,27
|
109,39
|
Tỷ trọng so với cả nước (%)
|
19,5
|
23,2
|
27,3
|
28,6
|
29,4
|
Tổng kim ngạch NK của cả nước
|
237,24
|
253,7
|
262,79
|
332,84
|
360,67
|
NK từ Hoa Kỳ
|
12,75
|
14,44
|
13,71
|
15,28
|
14,47
|
Tỷ trọng so với cả nước (%)
|
5,4
|
5,7
|
5,2
|
4,6
|
4,0
|
Nguồn: Niên giám Thống kê 2021-2022
7 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD.Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 44,3 tỷ USD giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn những hạn chế, bất cập do Việt Nam là nước đến sau so với các đối tác thương mại lâu đời của Hoa Kỳ. Sự cạnh tranh rất quyết liệt , đặc biệt là với Trung Quốc. Các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, các điều luật về bồi thường thương mại của Hoa Kỳ cũng như những chính sách thị trường đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp XK. Hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang bị áp mức thuế cao hơn các nước khác như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan, Campuchia … Năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, còn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Hoa Kỳ có khoảng cách địa lý xa so với Việt Nam nên chi phí vận chuyển cũng gia tăng.
Thách thức đặt ra
Khi Mỹ áp mức thuế cao đối với các sản phẩm NK từ Trung Quốc thì các mặt hàng tương tự từ một số quốc gia khác xuất sang Hoa Kỳ lại gia tăng, đặc biệt là từ những quốc gia có chung đường biên với các nước đang bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.Đây cũng là một trong những lý do mà Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiến hành nghiên cứu điều tra và có thể khởi xướng, áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có Việt Nam.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đến thời điểm tháng 12/2022, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hoa Kỳ có số lượng các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hàng đầu trên thế giới, cũng là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa XK của Việt Nam.
Nếu như trước đây các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá, thì giờ đây họ còn thực thi điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.Tức là không chỉ điều tra những hành vi gian lận thương mại mà còn là điều tra xem hàng hóa XK của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam lớn hay không. Năm 2021, Hoa Kỳ còn sửa đổi lại các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để các thủ tục, điều kiện quy định chặt chẽ hơn và tạo cho cơ quan có thẩm quyền là Bộ Thương mại Hoa Kỳ có quyền hạn hơn trong hoạt động điều tra.
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là do hai cơ quan độc lập tiến hành bao gồm Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) - xác định về mức độ vi phạm và Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ - xác định về mức độ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ.Chỉ khi nào hai cơ quan trên đưa ra kết luận khẳng định có vi phạm và có các hành vi liên quan về các biện pháp gây thiệt hại cho ngành sản xuất thì cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ mới áp dụng các biện pháp phòng vệ. Chính vì đặc điểm này mà việc tranh đấu trong các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ được tiến hành ở nhiều kênh khác nhau, ở các mức độ khác và phạm vi khác nhau .
Nhưng đối với các biện pháp về lẩn tránh thuế và lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp thì hoàn toàn khác.Việc điều tra và ban hành kết luận hoàn toàn do Cơ quan thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiến hành và tiêu chí để xác định hành vi lẩn tránh hoàn toàn khác với tiêu chí đánh giá trong vụ việc phòng vệ thương mại thông thường.
Tính đến tháng 12/2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 51 vụ việc với hàng hoá của Việt Nam,chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó 22 vụ việc là điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mỹ sẽ điều tra mặt hàng xuất khẩu vào nước này bị nghi ngờ có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, có thể được nhập khẩu từ một nước thứ ba vào Việt Nam và tái xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế.Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đang gia tăng. Và nếu phát hiện các hành vi này, doanh nghiệp rất khó hoặc gần như không thể xin rà soát và phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc biện pháp ban đầu mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa của các nước khác thuộc diện áp thuế lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu. (Còn tiếp)
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT