NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Các yếu tố tác động đến phát triển kinh doanh tuần hoàn

19/06/2023

Một số đặc trưng của kinh doanh tuần hoàn

Ủy ban Châu Âu (2015) đã định nghĩa về nền kinh tế tuần hoàn như sau: “Trong kinh tế tuần hoàn, giá trị của sản phẩm và nguyên liệu được duy trì càng lâu càng tốt; chất thải và sử dụng tài nguyên được giảm thiểu và các nguồn tài nguyên được giữ trong nền kinh tế khi một sản phẩm đã hết vòng đời, sẽ được sử dụng để tiếp tục tạo ra giá trị hơn nữa”.

Từ định nghĩa trên cho thấy chưa thực sự rõ về tình trạng chất thải, mức độ giảm thiểu chất thải như thế nào và chất thải tồn tại theo cách hiểu thông thường là được chôn và xử lý hay chỉ tồn tại ở dạng có thể tái sử dụng trong kinh tế tuần hoàn.

Như vậy, từ đó xuất hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn được coi là một trong những mô hình kinh doanh bền vững, mô hình kinh doanh tuần hoàn gắn với sự ra đời của kinh tế tuần hoàn và được coi là hệ quả của nền kinh tế tuần hoàn.

Mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) là hướngđến việc làm chậm, chấm dứt hoặc thu hẹp và khép kín vòng lặp nguyên liệu, duy trì các giá trị kinh tế của sản phẩm, giảm các tác động môi trường và mang các giá trị cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và các bên liên quan.

Một số đặc trưng cơ bản:

Mô hình KDTH giúp các công ty tạo ra giá trị thông qua việc sử dụng tài nguyên trong nhiều chu kỳ và giảm lãng phí và tiêu thụ tài nguyên

Mô hình KDTH giúp cho việc đổi mới về vật liệu, thành phần và tái sử dụng sản phẩm. Nguyên liệu sử dụng có nguồn gốc bền

vững, có thể tạo ra các bộ phận dùng được nhiều lần cho sản phẩm. Nhờ vậy giá trị của sản phẩm, bộ phận của sản phẩm được duy trì

KDTH sẽ giảm việc sử dụng nguyên liệu và chuyển sang sử dụng các yếu tố lao động, công nghệ để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ được tái sử dụng, tái sản xuất.

Giảm ô nhiễm, giảm tác động tới môi trường do giảm chất thải và sử dụng ít tài nguyên khai thác mới.

Yếu tố tác động đến phát triển kinh doanh tuần hoàn

Ngành sản xuất và sản phẩm

Nền kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh trong đó thuộc các lĩnh vực khác nhau (sản xuất, dịch vụ hoặc các lĩnh vực sử dụng tri thức cao). Ví dụ như ngành công nghệ sinh học là một ngành công nghiệp đổi mới và sử dụng tri thức cao cho thấy quá trình đổi mới kinh doanh là kết quả của việc nỗ lực cho khả năng cạnh tranh trên thị trường, chưa đạt được phát triển bền vững. Như vậy trong nền kinh tế tuần hoàn, vấn đề tài chính cũng là vấn đề rất quan trọng như vấn đề về môi trường.

Có sự giống và khác nhau giữa các mô hình KDTH trong các ngành khác nhau. Các mô hình kinh doanh truyền thống cũng có thể được chuyển đổi thành mô hình KDTH bằng cách kết hợp các chiến lược tuần hoàn vào các ngành khác nhau.

Ở cấp độ sản phẩm, đánh giá giá trị sản phẩm, mức độ tuần hoàn và tiềm năng kinh tế nếu áp dụng mô hình KDTH, ngoài ra còn đánh giá hệ thống sản phẩm, dịch vụ đối với tính tuần hoàn của chuỗi cung ứng thể hiện mối quan hệ giữa mô hình KDTH với sản phẩm. Do vậy, các loại hình sản phẩm khác nhau với những đặc tính riêng, vòng đời sản phẩm kéo dài khác nhau sẽ tác động đến việc lựa chọn và ứng dụng mô hình KDTH thích hợp cho các doanh nghiệp.

Chiến lược kinh doanh tuần hoàn

Các doanh nghiệp khi xây dựng mô hình KDTH cần phải có một chiến lược để hình thành nên mô hình này và quá trình triển khai mô hình đó. Cần có sự phân loại các chiến lược triển khai mô hình KDTH ở cấp quản lý để dạt được mức độ tuần hoàn cao và hiệu quả nhất. Một số nội dung khác thuộc chiến lược kinh doanh tuần hoàn gồm có hợp tác chiến lược với các đối tác trong chuỗi cung ứng, chuyển đổi từ khía cạnh quyền sở hữu sang chia sẻ, các hệ thống quản lý chất thải cũng cần được phân tích trong chiến lược khi phát triển mô hình KDTH.

Cần có những nghiên cứu để hiểu rõ hơn các chiến lược KDTH, xác định được các điều kiện thúc đẩy và những cản trở, khó khăn đến việc thực hiện thành công các chiến lược KDTH. Từ đó làm rõ vai trò của hợp tác chiến lược với các đối tác trong chuỗi cung ứng khi thực hiện các chiến lược KDTH.

Nhìn chung, việc định hình chiến lược KDTH có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng thành công mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Chiến lược KDTH của một công ty sẽ góp phần xây dựng thành công mô hình KDTH của các công ty khác trong cùng một ngành, lĩnh vực hay cùng một hệ thống.

Yếu tố công nghệ

Xây dựng mô hình KDTH có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố công nghệ, công nghệ có vai trò quan trọng và mang tính đột phá trong việc định hình các hệ thống vòng lặp khép kín. Kinh tế tuần hoàn có vai trò khuyến khích các công ty giới thiệu các công nghệ đột phá và các mô hình KDTH mới. Sự phát triển của công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy cũng như có một số hạn chế đối với việc triển khai mô hình KDTH. Công nghệ đóng góp lớn vào sự thành công của mô hình KDTH do việc tái sử dụng và tái chế chất thải rất cần đến công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Công nghệ là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với việc phát triển mô hình KDTH và do đó trở thành một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu khi xây dựng mô hình KDTH. Để phát triển nền kinh tế theo hướng tuần hoàn nói chung và phát triển mô hình KDTH nói riêng thì trình độ công nghệ phải đạt được mức độ phát triển nhất định để giải quyết được những vấn đề thách thức khi áp dụng mô hình KDTH. Các công nghệ mang tính đột phá có tác động lớn đến việc áp dụng các mô hình KDTH và mức độ tác động của nền kinh tế tuần hoàn có thể ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ mới của các doanh nghiệp. Công nghiệp 4.0 đã góp phần vào phát triển sản xuất bền vững và các doanh nghiệp có thể kết hợp các phương thức sản xuất hiện đại trong các mô hình KDTH. Để tái chế, tái sản xuất đòi hỏi công nghệ cao hơn khi sử dụng các nguyên liệu ban đầu khai thác từ tự nhiên, công nghệ là yếu tố mang tính quyết định khi áp dụng các mô hình KDTH tại các doanh nghiệp.

Yếu tố văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa của doanh nghiệp tác động đến triết lý, thói quen, thái độ của người lao động trong doanh nghiệp đối với việc triển khai các hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Các doanh nghiệp mà có người đứng đầu, ban lãnh đạo, quản lý có thái độ tích cực với KDTH thì việc triển khai hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn sẽ dễ dàng. Vai trò của người lao động trong doanh nghiệp đối với KDTH và phát triển bền vững cũng sẽ tác động đến khả năng triển khai và thành công khi áp dụng mô hình KDTH. Một doanh nghiệp mà mọi người trong doanh nghiệp đều hướng đến sự phát triển bền vững đối với cộng đồng thì việc triển khai kinh doanh theo hướng tuần hoàn sẽ thuận lợi và dễ đạt được thành công hơn.

Tính bền vững của doanh nghiệp khi áp dụng KDTH

Khi một doanh nghiệp thay đổi cách thức tổ chức kinh doanh thích ứng với mô hình KDTH để đáp ứng các yêu cầu về bền vững thì cần phải giải quyết vấn đề căng thẳng về chất thải và cần phải chuyển đổi thành nguồn có giá trị trong việc tái sản xuất. Nền kinh tế tuần hoàn và tính bền vững có mối liên hệ thông qua việc đánh giá định lượng hiệu quả bền vững khi triển khai các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Như vậy, việc áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của doanh nghiệp, sự chuyển đổi theo hướng tuần hoàn có làm cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của họ trở nên bền vững hơn hay không, cũng như cách tổ chức kinh doanh phụ thuộc vào mục tiêu bền vững của doanh nghiệp.

Quy định và chính sách đối với phát triển bền vững và những mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi về tính bền vững sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng triển khai KDTH. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh theo hướng xanh, hướng tuần hoàn sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.

Pháp luật và thể chế chính sách

Pháp luật và thể chế chính sách tác động lớn tới việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như mô hình KDTH. Pháp luật và các chính sách phải có sự hỗ trợ, khuyến khích phát triển KDTH. Hiện nay, việc phát triển theo hướng tuần hoàn sẽ gặp những khó khăn nhất định,  KDTH không có khả năng cạnh tranh với kinh doanh truyền thống do chi phí cao về công nghệ, nguyên liệu, nhân lực…

Để KDTH phát triển thì cần có khung  pháp luật, chính sách phải tạo điều kiện, hỗ trợ đối với KDTH, giúp các doanh nghiệp áp dụng mô hình này giải quyết được các khó khăn về nguồn lực, nhất là trong giai đoạn đầu khi chi phí cho mô hình KDTH khá lớn do áp dụng công nghệ mới, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, rủi ro cao trong quá trình hoạt động.

TS. Trần Thị Thu Hiền

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC