BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Hội thảo “Kinh nghiệm các nước về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp và bài học rút ra cho Việt Nam trong phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm”

18/09/2024

Sáng ngày 17 tháng 09 năm 2024, tại hội trường tầng 1, trụ sở của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: Kinh nghiệm các nước về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp  và bài học rút ra cho Việt Nam trong phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm.  Hội thảo thuộc nhiệm vụ: “Phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng Sông Hồng” do TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Thông tin và Xúc tiến thương mại làm chủ nhiệm.

Hội thảo do TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì. Tham dự buổi hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Phòng, Ban trong Viện và các đại biểu quan tâm đến dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Huy Khôi đã nêu rõ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của vùng đồng bằng Sông Hồng. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh sự cần thiết phát triển các cụm liên kết ngành, hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải có nghiên cứu về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm, trong đó nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là hết sức cần thiết để phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm tại Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng. Hội thảo nhằm mục đích nhận được thêm các ý kiến đóng góp từ phía các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trần Thị Thu Hiền đã trình bày nội dung Kinh nghiệm các nước về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp và bài học rút ra cho Việt Nam trong phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm. Trong đó đưa ra khái niệm, đặc điểm, vai trò cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm; Các yếu tố ảnh hưởng đến cụm liên kết ngành công nghiệp; nêu rõ sự phân loại và phương pháp xác định cụm liên kết ngành công nghiệp. Từ đó phân tích kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia… về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp. Tổng hợp kinh nghiệm các nước và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm.

Các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự đã có những ý kiến đóng góp thiết thực về kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp, đặc biệt là trong phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm. Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự đúc kết kinh nghiệm riêng của từng quốc gia để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và cho vùng đồng bằng Sông Hồng.

Chủ đề Hội thảo đưa ra có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm tại vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng, TS. Lê Huy Khôi đã trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện  nhiệm vụ./.

Ngô Mai Hương

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT