BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Nghệ An triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030

26/06/2024

Trong giai đoạn vừa qua, ngành Công Thương Nghệ An luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt công nghiệp, thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế.

Về công nghiệp: Theo Sở Công Thương Nghệ An, giá trị gia tăng công nghiệp năm 2021 đạt 16.522 tỷ đồng, năm 2022 đạt 17.403 tỷ đồng; năm 2023 ước đạt 19.926 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 12,73% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 đạt 16,5-17,5%).

Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) tăng từ 69.304 tỷ đồng năm 2020 lên 82.000 tỷ đồng năm 2022, lên 89.100 tỷ đồng năm 2023. Ngay trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,58% so với 4 tháng đầu năm 2023. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; tỷ trọng cơ cấu công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng từ 27,34% năm 2020 lên 30,39% năm 2022; năm 2023 chiếm 33-34% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 chiếm 38-39%).

Các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với khai thác tiềm năng lợi thế tiếp tục được tập trung thu hút đầu tư phát triển, nhiều dự án sản xuất công nghiệp có thương hiệu mạnh, quy mô, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng... được triển khai và nhanh chóng phát huy hiệu quả. Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, các khu công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, đã thu hút được một số dự lớn: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP, Khu công nghiệp WHA, hệ thống cảng biển... Đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 39 cụm công nghiệp; lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục được quan tâm chỉ đạo phát triển.

Quản lý nhà nước về hoạt động điện lực được đẩy mạnh, công tác xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống điện được thực hiện qua các thời kỳ, từ đó định hướng kế hoạch để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ tốt phát triển các dự án trọng điểm trên địa bàn. Về phát triển nguồn điện, đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 dự án thủy điện đã phát điện với tổng công suất 930,9MW, đạt sản lượng điện khoảng 3,2 tỷ kWh/năm; công tác quản lý vận hành, an toàn hồ đập được tập trung chỉ đạo thực hiện.

Về thương mại: Hoạt động thương mại phát triển nhanh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; thị trường xuất khẩu được phát triển, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu hàng hóa đến 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 816,16 triệu USD, tăng 24,89% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước đạt 594,4 triệu USD, tăng 41,74% so với cùng kỳ năm 2023; hoạt động nhập khẩu đã góp phần bảo đảm cho nhu cầu máy móc, thiết bị, vật tư cho đầu tư, sản xuất.

4 tháng đầu năm 2024, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 37.359 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm, tăng 26,69% so với cùng kỳ. Các phương thức kinh doanh thương mại, dịch vụ hiện đại ngày càng phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng. Thương mại điện tử của Nghệ An đứng vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành.

Năm 2024 là năm tăng tốc bứt phá, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành là triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 336/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành ngày 03/5/2024.

Mục tiêu của kế hoạch: Tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành Công Thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 16,5% - 17%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 17,5% - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong GRDP đến năm 2030 chiếm khoảng 42,0 - 42,5%. Đóng góp của công nghiệp chiếm khoảng 28 - 29%, trong đó riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP tỉnh. Tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.  Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm.Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 tăng khoảng 22,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,0 tỷ USD và năm 2030 đạt 9,0 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng từ 11 - 12%.

Các nhiệm vụ trọng tâm

1. Tái cơ cấu ngành công nghiệp:

1.1.Tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chuyển dịch mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chiều rộng sang kết hợp chiều rộng và chiều sâu theo hướng ưu tiên chuyển dịch các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang phát triển các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh; chuyển dịch từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ của ngành công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp chiếm khoảng 28 - 29% GRDP tỉnh.

1.2. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với xu thế phát triển, tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách và tạo công ăn việc làm.

* Tập trung phát triển ngành công nghiệp điện tử, viễn thông:

- Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, viễn thông tạo bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử dùng trong sản xuất và dân dụng; thiết bị và linh kiện thông tin; viễn thông; máy tính; sản xuất phần mềm; nội dung thông tin số, nghiên cứu công nghệ thông tin, các thiết bị số,...

- Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện điện tử (nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh kiện kính, pin máy tính xách tay, điện thoại di động; linh kiện điện - điện tử, ngành công nghiệp ô tô,..), sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin tại các KCN thuộc Khu kinh tế Đông Nam (KCN đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An; KCN Hoàng Mai I, II; KCN Thọ Lộc - Giai đoạn 1) và một số CCN thuộc khu vực đồng bằng.

* Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ô tô:

- Chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hoá sản phẩm của ngành công nghiệp cơ khí, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong tỉnh và trong nước, ưu tiên phát triển các lĩnh vực: Sản xuất và lắp ráp ô tô, xe tải, phụ tùng xe ô tô các loại, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, thiết bị xây dựng, thiết bị phụ trợ sản xuất xi măng và phụ tùng máy móc khai thác,... Hình thành và phát huy hiệu quả các KCN, CCN tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hoá cao với việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn đối tác chiến lược có tiềm năng về công nghệ, tài chính và thương hiệu mạnh đầu tư vào các dự án sản xuất và lắp ráp xe tải các loại, xe buýt để đáp ứng nhu cầu rất lớn vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh trong khu vực. Hình thành các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe máy, xe điện, xe máy điện, các loại linh kiện, phụ tùng để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ,...

- Đầu tư hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo, cải tiến mẫu mã, tính năng hoạt động đối với các loại động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ, động cơ xăng công suất vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp.

- Tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí công nghệ cao: Các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao; Các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao (đai ốc, bu-lông. ốc vít có độ chính xác cao) dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, điện tử y tế, rô-bốt công nghiệp tại các KCN trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

* Phát triển ngành công nghiệp chế biến theo hướng gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao:

- Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung vào những sản phẩm chủ lực như ván MDF, HDF, gỗ ghép thanh, tre ghép, sữa chế biến, thực phẩm, chế biến nước trái cây, chế biến rau quả,... Mở rộng quy mô phát triển để khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường xuất khẩu gắn liền với việc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

- Hình thành một số tổ hợp sản xuất chế biến nông sản công nghệ cao trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và quản lý hiện đại, kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với công nghiệp chế biến hiện đại khu vực các huyện dọc đường mòn Hồ Chí Minh; chế biến lâm sản gắn với Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An.

- Nghiên cứu sản xuất và cung cấp các sản phẩm công nghiệp Halal đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường để khai thác tiềm năng thị trường các quốc gia Hồi giáo.

* Cơ cấu lại ngành công nghiệp dệt may, da giầy:

- Phát triển ngành dệt may, da giày vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế, dựa trên tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hoá, sản xuất “xanh”. Tập trung vào nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: Sợi, mũ giầy, dệt vải (không có công đoạn nhuộm), thiết bị ngành may, nguyên phụ liệu khác (kim, chỉ may, cúc áo, khóa kéo,....); các sản phẩm may mặc theo hình thức FOB, ODM,...

- Phân bố các doanh nghiệp dệt may, da giầy ở các KCN, CCN thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, hạ tầng dịch vụ logistics,... để đảm bảo cho ngành phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại; hệ thống quản lý chất lượng, lao động, môi trường theo các chuẩn mực quốc tế.

* Phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới, các loại vật liệu mới:

Khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng vật liệu xây dựng thông minh, vật liệu xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đủ khả năng xuất khẩu; thu hút đầu tư vào các nhóm sản phẩm chủ lực như gạch ốp lát tấm lớn, gạch không nung, ngói màu, thiết bị vệ sinh cao cấp, đá ốp lát, tấm thạch cao, các sản phẩm sử dụng công nghệ mới như: Kính xây dựng, kính cường lực, vật liệu composit, tấm ốp các loại, cửa uPVC và cửa nhôm, sơn cao cấp có khả năng kháng diệt khuẩn; vật liệu ốp lát ngoại thất có bề mặt chống thấm cao, chống bám dính, có khả năng tự làm sạch, ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc, các loại kính tiết kiệm năng lượng.

* Đối với ngành công nghiệp sản xuất hóa chất, dược phẩm:

- Quy hoạch vùng trồng tập trung các cây dược liệu để cung cấp nguyên liệu đảm bảo thu hút đầu tư các nhà máy chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng để khai thác tiềm năng về trồng và chế biến nguồn nguyên liệu dược ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An và đáp ứng nhu cầu rất lớn về thuốc chữa bệnh. Thu hút các cơ sở công nghiệp dược để tạo đòn bẩy hình thành chuỗi sản phẩm dược trong tỉnh, mang lại giá trị cao trong cơ cấu kinh tế nông thôn miền núi.

- Phát triển các loại hóa chất phục vụ đầu vào cho các ngành công nghiệp với công nghệ tiên tiến. Mở rộng sản xuất các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu các ngành công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thủy sản và nhu cầu dân dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận.

* Đối với ngành công nghiệp khai khoáng:

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại; chỉ ưu tiên nhà đầu tư mới khai thác, chế biến sâu với quy mô công nghiệp đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như đá vôi trắng, đá xẻ ốp lát.

* Đối với ngành công nghiệp môi trường:

Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia ngành công nghiệp môi trường nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư đảm bảo khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường nhằm ngăn ngừa, xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

*Đối với công nghiệp hỗ trợ:

Khuyến khích các doanh trong nước phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp, tập đoàn FDI và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt đối với những nhóm ngành: Điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí, lắp ráp; dệt may, da giầy; hóa chất, dược phẩm; công nghiệp công nghệ cao.

* Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn:

Tăng cường các hoạt động khuyến công, tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm đặc trưng sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

1.3. Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp hợp lý gắn với kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù của từng vùng, địa phương.

- Phát triển công nghiệp với khu vực trọng tâm là Khu kinh tế Đông Nam mở rộng gắn với quy hoạch khu vực Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, thu hút đầu tư phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao: Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất vật liệu mới; công nghiệp hỗ trợ.

- Vùng đồng bằng và khu vực bán sơn địa gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với lực lượng lao động dồi dào, quy hoạch phát triển hệ thống các CCN phù hợp để thu hút phát triển các ngành: Sản xuất linh phụ kiện điện tử; sản xuất hàng may mặc, da giầy, hàng gia dụng và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy; công nghiệp hoá chất và hỗ trợ ngành hóa chất, các chế phẩm sinh học; chế biến thực phẩm, đồ uống; vật liệu xây dựng dân dụng sử dụng công nghệ mới; các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như thiết bị văn phòng, cơ điện lạnh;...

- Các huyện miền Tây dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và vùng phụ cận với lợi thế đất đai rộng lớn, tài nguyên rừng và nguyên liệu tại chỗ dồi dào: Quy hoạch các CCN để thu hút phát triển một số ngành công nghiệp: Chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu cây, con để hình thành chuỗi giá trị nông sản khép kín (sữa, nước trái cây, chế biến gỗ, cao su, chế biến súc sản); các sản phẩm đầu vào ngành nông nghiệp (vật tư, phân bón, thức ăn gia súc); sản xuất máy nông nghiệp; ngành may mặc, da giầy và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giầy; sản xuất các loại vật liệu xây dựng thông thường;...

- Khu vực miền núi gắn với hành lang kinh tế QL7A và QL48A đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề gắn với du lịch tập trung vào các lĩnh vực: Chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm; chế biến dược phẩm gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ;... để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo tiêu thụ nguyên liệu ổn định cho người dân.

2. Tái cơ cấu ngành năng lượng

2.1. Đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn điện. Đảm bảo cân đối cung cầu điện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành điện.

2.2. Đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải phân phối điện an toàn, tin cậy và hiệu quả. Nâng cao chất lượng cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

2.3. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới như pin nhiên liệu hydro, khí hóa lỏng LNG, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

2.4.Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu

3.1. Tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao, chú trọng mở rộng xuất khẩu đối với các sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 4,0 tỷ USD (theo mục tiêu Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt) và đến năm 2030 đạt 7,0 tỷ USD, trong đó:

- Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: Tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến lên 95% vào năm 2030, giảm tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô. Các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm: Linh kiện điện tử; thiết bị điện các loại; dệt may, da giầy; nông sản chế biến; gỗ và sản phẩm gỗ; vật liệu xây dựng; bao bì các loại;...

- Nhóm hàng mới dự kiến: Phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, tạo sự đột phá như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái; các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu, hàng hóa môi trường và các bon thấp (sản phẩm sữa các loại, nước hoa quả, sản phẩm chè, thực phẩm đóng hộp);...

3.2. Rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu phấn đấu hoàn thành mục tiêu về giá trị xuất khẩu đến năm 2030.

3.3. Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Phấn đấu tăng tỷ trọng xuất khẩu thị trường Châu Âu lên 20%, thị trường Hoa Kỳ lên 25% vào năm 2030. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài. Vận dụng các Hiệp định FTAs thế hệ mới và hoạt động đối ngoại của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, khai thác tối đa các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh để gia tăng giá trị xuất khẩu.

3.4. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được; trong đó chú trọng nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản các công nghệ tiên tiến gắn với việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật công nghệ.

3.5. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logistic phục vụ xuất nhập khẩu.

3.6. Hình thành được hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

4. Tái cơ cấu thị trường trong nước, trong tỉnh

4.1. Phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước và nâng cao nội lực của nền kinh tế trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử,...

4.2. Tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế; triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.

4.3. Phát triển các trung tâm tiêu dùng theo vùng và địa bàn, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, cửa khẩu. Trong đó:

- Phát triển hệ thống chợ:

Phát triển hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh hiện đại, chú trọng yếu tố truyền thống và yếu tố tự nhiên trong quy hoạch phát triển chợ dân sinh. Xây dựng hệ thống và cơ chế quản lý chợ đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tạo điều kiện để nhiều thành phần tham gia công tác quản lý chợ như:

Nhà nước, hợp tác xã, doanh nghiệp để có điều kiện đầu tư phát triển chợ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu giao thương phục vụ sản xuất, tiêu dùng ở địa phương. Chỉ phát triển thêm chợ ở những địa bàn chưa có chợ nhưng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân cao, bố trí gần các khu vực tập trung dân cư ở địa bàn nông thôn, miền núi, không quy hoạch mới tại khu vực đô thị. Nâng cấp, cải tạo mở rộng, xây mới và ổn định mạng lưới chợ theo quy hoạch, từng bước xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát, chợ không có nhu cầu sử dụng hoặc hoạt động không hiệu quả, di dời các chợ có vị trí, địa điểm không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống chợ biên giới đáp ứng nhu cầu sử dụng, cụ thể:

- Khu vực đô thị bao gồm thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai:

+ Từng bước xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát, bổ sung và phát triển chợ hạng 1, hạng 2 trên cơ sở nâng cấp từ chợ hạng 3 hoặc chợ xây mới hoàn toàn, giữ vai trò hạt nhân, đáp ứng nhu cầu hình thành các khu thương mại dịch vụ tổng hợp trên địa bàn.

+ Tập trung nâng cấp phát triển các loại hình thương mại hiện đại kết hợp với chợ trên cơ sở xây mới và nâng cấp các chợ cũ.

- Khu vực các huyện đồng bằng và ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên:

+ Nâng cấp, cải tạo mở rộng, xây mới và ổn định mạng lưới chợ theo quy hoạch nhằm tăng cường công năng của chợ, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động mua bán tại chợ, nhất là các chợ hạng 3.

+ Các chợ hiện đại sẽ được phát triển ở khu vực trung tâm huyện, khu dân cư đông đúc trên cơ sở xây mới hoặc nâng cấp cải tạo các chợ cũ.

+ Xây dựng 01 chợ nông sản tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên từng bước phát triển thành chợ đầu mối nông sản.

+ Xây dựng 01 chợ đầu mối nông sản tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu.

- Khu vực các huyện miền núi (Tây Bắc: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ; Tây Nam: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương): Nâng cấp, cải tạo 06 chợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025.

-Việc phát triển mạng lưới siêu thị về số lượng và quy mô không chỉ xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của cư dân tỉnh Nghệ An ở từng khu vực, mà còn phải tính đến cả nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong nước, quốc tế và khách vãng lai; đa dạng về loại hình, quy mô và phương thức kinh doanh. Đồng thời, việc phát triển mạng lưới siêu thị phải đảm bảo sự cân đối, cấu trúc hài hoà với các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại khác như chợ, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hoá, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi ở các khu dân cư. Phân bố mạng lưới siêu thị đảm bảo bán kính và không gian phục vụ của từng quy mô siêu thị để vừa thu hút được khách hàng, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các đối tượng khách hàng, tránh cạnh tranh quá mức ở từng khu vực làm giảm hiệu quả kinh doanh của các siêu thị; đồng thời phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Nghệ An.

- Phát triển trung tâm thương mại: Trung tâm thương mại là loại hình tổ chức thương mại hiện đại chủ yếu tại các khu vực đô thị phát triển. Phân bố mạng lưới trung tâm thương mại phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể đô thị của tỉnh; đảm bảo sự phát triển đồng bộ của kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển trung tâm thương mại tại khu vực thành phố Vinh, các thị xã, khu vực cửa khẩu được xem là các trụ cột thương mại chính của tỉnh.

- Phát triển trung tâm thương mại đa dạng loại hình dịch vụ, trong đó quan tâm các hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh, đặc biệt cần có các khu trưng bày, giới thiệu và bán buôn, bán lẻ các sản phẩm nổi bật của tỉnh.

- Ưu tiên phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích trên cả tỉnh phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và phải gắn với công tác quản lý đô thị và trật tự đô thị, đảm bảo hệ thống các cửa hàng bán lẻ tổng hợp phát triển có hệ thống, đảm bảo quy hoạch.

4.4. Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; ưu tiên phát triển hệ thống các sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối với sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của cả nước. Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến giai đoạn 2026 - 2030.

4.5. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường. Chú trọng công tác xây dựng và phát triển lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thị trường; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất; thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

5. Hội nhập kinh tế quốc tế

5.1. Triển khai thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông sản - thủy sản, điện tử, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường,... nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

5.2. Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ. Nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Gắn kết hội nhập với thực thi định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững.

5.3. Đẩy mạnh hội nhập toàn diện và bền vững thông qua tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn,... Tích cực góp phần củng cố và nâng cao vai trò kinh tế trong cộng đồng khu vực và quốc tế, không phụ thuộc vào một số thị trường, đối tác nhất định.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, Kế hoạch đưa ra 5 giải pháp chính: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương; (2)  Huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương; (3)  Cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; (4) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững và (5) Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành, tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT