BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới

26/03/2024

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước.

1. Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển đất nước, Đảng ta sớm có chủ trương đúng đắn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là từ Đại hội XI trở lại đây.

Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”. Quan điểm này đánh dấu bước phát triển trong nhận thức của Đảng về vai trò của nhân tố con người trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đảng ta coi phát triển nguồn nhân chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua quan điểm: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”. Trên cơ sở đó, Đại hội XII đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”.

Kế thừa tinh thần các đại hội trước, Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động trung bình cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2021 (tương đương tăng 2,4% so với năm 2021). Lực lượng lao động bao gồm 50,6 triệu người có việc làm và 1,1 triệu người thất nghiệp. Nữ giới (46,8%) chiếm tỷ trọng thấp hơn nam giới (53,2%). Mặc dù có sự tăng lên về tỷ trọng lực lượng lao động ở khu vực thành thị trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn 62,8% lực lượng lao động nước ta tập trung ở khu vực nông thôn.

Năm 2022, có khoảng hơn 2/3 dân số từ 15 tuổi trở lên (chiếm 68,6%) tham gia lực lượng  lao động,  tăng  0,8  điểm  phần  trăm  so  với  năm  2021.  Tỷ  lệ  tham  gia  lực lượng lao động chênh lệch không đồng đều giữa các vùng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị là 4,2 điểm phần trăm.

Cơ cấu lao động theo ngành thời gian qua được đánh giá thông qua số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 48,7% năm 2010 xuống 27,6% năm 2022, tương ứng 14,1 triệu lao động.

Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thể hiện rõ khi tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng lên từ 29,6% năm 2010 lên 39,1% năm 2022. Lượng lao động ngành này chủ yếu là lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải kho bãi, thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản…

Còn đối với lực lượng lao động ngành Công nghiệp từ năm 2011 đến 2020 là 28,1%; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng dao động nhẹ và ổn định khoảng 32,25% tổng nhu cầu lao động trong giai đoạn 2019 - 2022 và đạt mức 33,3% năm 2022.

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật: Tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo ở nước ta vẫn còn thấp. Trong tổng số 51,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có khoảng 13,7  triệu  người  đã  được  đào  tạo,  chiếm  khoảng  26,4%  tổng  lực  lượng  lao động. So sánh số liệu theo 6 vùng kinh tế - xã hội thì tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (37,1%) và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,5%). Hiện cả nước còn hơn 38,0 triệu lao động (chiếm khoảng 73,6% lực  lượng  lao  động)  chưa  được  đào  tạo  để  đạt  một  trình  độ  chuyên  môn  kỹ  thuật (CMKT) nhất định.  Như vậy, nguồn nhân lực của nước ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp.

Bảng 1: Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo và tỷ lệ chuyên môn kỹ thuật năm 2022

 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

Tỷ lệ chuyên môn kỹ thuật

Sơ cấp

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học trở lên

CẢ NƯỚC

26,4

9,8

4,4

4,2

12,3

Vùng kinh tế - xã hội

 

 

 

 

 

Trung du và miền núi phía Bắc

26,4

12,1

6,5

5,2

10,5

Đồng bằng sông Hồng

37,1

13,7

5,7

5,4

17,6

Trong đó: Hà Nội

50,3

16,1

6,4

6,1

30,3

Bắc Trung Bộ và DH miền Trung

26,7

10,6

4,5

4,4

11,4

Tây Nguyên

17,6

6,6

3,9

2,7

8,2

Đông Nam Bộ

28,2

9,2

3,4

4,3

14,1

Trong đó: Thành phố Hồ Chí Minh

35,9

7,2

3,0

5,7

21,3

Đồng bằng sông Cửu Long

14,5

4,3

2,5

2,1

7,0

Nguồn: Tổng hợp số liệu của Tổng cục Thống kê 2023, Đơn vị tính: %

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ từ đại học trở lên thấp nhất (7,0%). Ở hai thành phố lớn nhất cả nước, Hà Nội có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh (tương ứng 50,3% và 35,9%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở khu vực thành thị là 41,2%, cao hơn gấp 2 lần ở nông thôn và tỷ lệ lao động qua đào tạo của nam cao hơn nữ.

- Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo: Cả  nước  chỉ  có  13,7  triệu  người  có  việc  làm  đã  được  đào  tạo  (tương  ứng  với 26,3%,), trong đó lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ trọng cao nhất là 11,7%, nhóm trung cấp và cao đẳng chiếm 7,4%. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào  tạo thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,5%) và cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,9%). Tỷ lệ này ở hai trung tâm kinh tế  -  xã hội lớn nhất của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cao  hơn  nhiều  so  với  mức  chung  của  cả  nước  (tương  ứng  là  50,0%  và  35,8%). Tỷ trọng lao động đang làm việc có trình độ đại học trở lên khác nhau đáng kể giữa các vùng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tập trung nhiều lao động đang làm việc có trình độ đại học trở lên, số lao động có trình độ này ở hai thành phố này chiếm  35,6%  tổng  số  lao  động  có  trình  độ  đại  học  của  cả  nước  (trong  đó,  Hà  Nội chiếm 19,7% và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 15,9%).

Bảng 2: Số lượng, cơ cấu và thu nhập theo nghề nghiệp của lao động có việc làm năm 2022

 

Số người có việc làm

(Nghìn người)

Tỷ trọng (%)

Thu nhập từ

việc làm

bình quân/tháng

Tổng số

Nam

Nữ

TỔNG SỐ

50.604,7

100,0

100,0

100,0

7.521

1. Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị

477,0

0,9

1,3

0,5

12.432

2. Nhà chuyên môn bậc cao

3.636,0

7,2

5,9

8,7

10.078

3. Nhà chuyên môn bậc trung

1.657,8

3,3

2,7

3,9

8.406

4. Nhân viên trợ lý văn phòng

1.227,3

2,4

2,2

2,7

7.897

5. Nhân viên dịch vụ và bán hàng

9.746,6

19,3

13,7

25,5

6.458

6. Lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

6.144,5

12,1

14,2

9,8

6.054

7. Lao động thủ công và các nghề nghiệp có liên quan khác

7.374,2

14,6

20,2

8,2

7.227

8. Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị

7.567,2

15,0

15,4

14,4

7.772

9. Lao động giản đơn

12.525,1

24,8

23,6

26,1

5.705

Nguồn: Tổng hợp số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023

Hầu hết các nhóm nghề đều có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn 5,0 triệu đồng. Trong đó, Nhóm "Nhà lãnh đạo" và "Chuyên môn kỹ thuật bậc cao" có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao nhất, tương ứng là 12,4 triệu đồng và 10,1 triệu đồng, tuy nhiên, số lượng nhóm lao động này không nhiều, mức thu nhập chưa thực sự hấp dẫn.

Hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 64,5%; năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, ước đạt 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ kỹ năng đạt 24,5%, tăng so với năm 2015 (19,9%).

Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động đã có những cải thiện nhất định, song nhìn chung chất lượng còn thấp. Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp trong công việc còn yếu, khuynh hướng nắm vững lý thuyết, nhưng kém về năng lực thực hành còn phổ biến dẫn đến nhiều doanh nghiệp không tuyển được đúng vị trí việc làm.

Mức lương tối thiểu giữa khu vực công và khu vực tư nhân có sự khác biệt khá lớn ở Việt Nam. Người lao động có kỹ năng đang có xu hướng chuyển sang khu vực tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương cao hơn và môi trường làm việc cạnh tranh hơn.

Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng mới ra trường thường thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, đào tạo chưa gắn liền trực tiếp với ngành nghề cụ thể, kiến thức còn mang tính hàn lâm. 

Thế hệ gen z (năm sinh từ 1997 đến 2012) được tiếp cận với khoa học công nghệ sớm và nhiều hơn nên họ nhanh nhạy, khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường hay sau khi ra trường, họ tự tạo ra con đường cho riêng mình thu được những kết quả khả quan, nhưng con số này thực sự không nhiều.

Những con số trên đã chứng minh nguồn nhân lực qua đào tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện những chỉ tiêu, nội dung về phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn nhân lực này dưới tác động của những cơ chế, chính sách, đã, đang và sẽ được đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh đang bị ngủ quên, hoặc chưa được sử dụng đúng lúc, đúng nơi một cách hiệu quả, hợp lý nhất.

3. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của một số nước

- Nhật Bản: Nhật Bản là quốc gia đông dân thứ 11 trên thế giới, có mật độ dân số và đô thị hóa cao nhất toàn cầu, đồng thời là một cường quốc kinh tế, dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành công nghiệp, như: ô tô, robot, điện tử... Trước sự cạnh tranh gay gắt của các thị trường mới nổi, Nhật Bản xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là quốc sách để giữ vững vị trí và tầm ảnh hưởng của mình. Để làm được điều đó, Nhật Bản tập trung vào giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hệ thống đào tạo tại chỗ và thực hiện các chính sách vĩ mô, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống giáo dục rất khoa học, đầy đủ các loại hình, gồm: trường đại học tổng hợp, cao đẳng, cao đẳng công nghệ, trường đào tạo chuyên ngành có nhiệm vụ trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đồng thời, để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, nước này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhằm khuyến khích hình thức đào tạo tại chỗ; hình thành hệ thống giáo dục, đào tạo nghề trong các doanh nghiệp... Những chính sách về giáo dục, đào tạo của Nhật Bản giúp cho người lao động có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng các kỹ thuật, công nghê ̣tiên tiến, hiện đại một cách nhanh chóng, hiệu quả - điều đặc biệt cần thiết trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Liên quan đến các chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc tiếp thu các thành tựu, kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển. Điều này thống nhất với chính sách nhập khẩu khoa học, công nghệ của Nhật Bản, đồng thời giúp họ có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện nhiều chính sách khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chẳng hạn, việc cử người đi học tập ở nước ngoài được Nhật Bản chú trọng, khuyến khích, với nhiều nguồn kinh phí khác nhau của cả nhà nước, người đi học, của chủ sử dụng lao động, cũng như đối tác nước ngoài khác.

- Hàn Quốc: Hàn Quốc là quốc gia không có nhiều thuận lợi về nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nên chính phủ nước này đã sớm nhận thức việc phát triển nguồn nhân lực theo chiều sâu là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhìn khái quát về hệ thống giáo dục của Hàn Quốc có thể thấy, đây là một nền giáo dục hoàn thiện và đầy đủ, được xây dựng theo mô hình kiểu Mỹ và phương Tây. Điểm đặc biệt của Hàn Quốc là xây dựng một “hệ thống giáo dục mở”, mà ở đó, người học - “khách hàng” đóng vai trò trung tâm. Hệ thống giáo dục mở tạo ra sự công bằng về cơ hội giáo dục cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc và mọi nơi. Điều đó, cho phép thực hiện chiến lược giáo dục suốt đời, khuyến khích tối đa tiềm năng của cá nhân trong sự nghiệp làm giàu tri thức của mình, từ đó đóng góp tốt nhất cho quốc gia.

Bên cạnh coi trọng giáo dục, đào tạo, Chính phủ Hàn Quốc cũng rất chú ý đến việc sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, Hàn Quốc luôn cố gắng duy trì chi ngân sách cho hoạt động giáo dục ở mức 5%-10% GDP, có năm đạt tới 19% và trở thành một trong bốn quốc gia dẫn đầu thế giới về chi ngân sách đầu tư cho giáo dục (OECD, 2018). Ngoài ra, Hàn Quốc cũng rất chú ý đến phát triển phúc lợi và tăng cường tính bình đẳng thông qua hàng loạt đạo luật đã được ban hành. Chính phủ thường xuyên mở rộng, xây dựng thêm các trung tâm xúc tiến việc làm, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, tăng bồi thường bảo hiểm lao động cho tất cả các đối tượng, bao gồm cả công nhân thời vụ và làm việc theo ca, để giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề thất nghiệp.

- Singapore: Singapore là một quốc gia nhỏ, song có nền kinh tế rất phát triển. “Chìa khóa vàng” giúp nước này phát triển chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển bộ phận nòng cốt, trung tâm của lực lượng lao động xã hội bằng các biện pháp cụ thể, như: sử dụng chính sách giáo dục và đào tạo. Hàng năm, Singapore đầu tư cho giáo dục và đào tạo vào khoảng 20% ngân sách. Để khắc phục những hạn chế của hệ thống giáo dục cũ, chính phủ đã đề xuất "tư duy các trường học quốc gia" theo hướng khuyến khích học sinh của Singapore sáng tạo và tăng cường kỹ năng tư duy phê phán. Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của Singapore đã tạo ra một hệ thống đào tạo có sự phối hợp của doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, các nhóm lao động và cơ sở đào tạo khác nhau. Singapore còn thực hiện hàng loạt chính sách về tiền lương, tiền thưởng, quy định giờ làm việc, đãi ngộ lao động có chất lượng cao. Cơ chế tiền lương ở Singapore rất minh bạch, có sự tham gia của 3 bên: Tòa trọng tài lao động, Ủy ban năng suất quốc gia và Hội đồng quốc gia về tiền lương (Trương Khắc Trà, 2021).

Quốc gia này hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài có kỹ năng thấp, trong khi tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhằm thu hút lao động chất lượng cao. Singapore rất chú trọng tuyển dụng nhân tài nước ngoài thông qua các kênh giáo dục và kinh doanh dựa trên tư tưởng tận dụng “lưu thông chất xám”, khắc chế “chảy máu chất xám”. Với cách làm này, Chính phủ Singapore luôn có nguồn lao động chất lượng cao được bổ sung hằng năm.

- Trung Quốc: Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay. Để đạt vị thế này, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, để phát triển nguồn lực con người một cách tốt hơn, Trung Quốc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Vốn đầu tư cho nguồn nhân lực chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ đóng góp của nhân tài vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc chiếm khoảng 35% (Nguyễn Thu Thủy và Tăng Thị Thu Thủy, 2020). Chủ thể tham gia quá trình này không chỉ từ phía nhà nước, mà còn được mở rộng, đa dạng hóa qua các kênh đầu tư khác nhau, như: đầu tư nước ngoài, đầu tư của doanh nghiệp và công dân. Đồng thời, Trung Quốc còn tiến hành chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đầu tư vào những khu vực còn nghèo ở phía Tây, các vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn rộng lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nguyên tắc “ủng hộ sinh viên đi du học nước ngoài, cho phép và khuyến khích họ tự do trở về nước”. Đồng thời thực hiện chiến lược “Liên kết người Hoa trên toàn cầu”, khuyến khích tri thức Hoa kiều về nước làm việc với chế độ đãi ngộ cao về: lương, thưởng, cấp nhà ở, bảo hiểm y tế, trợ cấp người thân... Ngày càng có nhiều Hoa kiều đảm nhận chức vụ cao trong những lĩnh vực chủ chốt của quốc gia này, như: tài chính, ngân hàng, các học viện, cơ quan nghiên cứu khoa học...

* Bài học kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các nước

Có thể thấy, các quốc gia kể trên có những cách làm riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với thực tế đất nước, nhưng đều có những đặc điểm tương đồng nhất định, cụ thể như:

Vai trò định hướng của nhà nước: Nhà nước có một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước không chỉ thực hiện chức năng chính là định hướng cho sự phát triển nguồn nhân lực, mà còn thực hiện cả chức năng tham gia vào công cuộc xây dựng nguồn nhân lực bằng các biện pháp tài chính - kinh tế - xã hội cụ thể.

Coi trọng giáo dục và đào tạo: Giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các quốc gia đều tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục đầy đủ, hoàn thiện, phù hợp với đặc điểm, tình hình đất nước, vừa phù hợp với một xã hội công nghiệp hiện đại.

Sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, khoa học, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được bổ sung đầy đủ: Chính phủ các nước và doanh nghiệp đều hết sức chú ý đến vấn đề sử dụng hợp lý, khoa học nguồn nhân lực nội sinh, cũng như bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này một mặt làm cho lực lượng lao đông yên tâm làm việc, cống hiến, tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của mình, mặt khác luôn thu hút được lượng chất xám từ bên ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

4. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới

Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực. Có thể nhận thấy, mặc dù chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện, nhưng để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức do: Trình độ nguồn nhân lực còn thấp; Cơ cấu lao động chưa hợp lý cả về trình độ và về phân bố theo khu vực; Mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; Lao động phổ thông vẫn chiếm tỉ lệ cao, đặt ra vấn đề cấp thiết phải đào tạo nghề cho lực lượng này. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia, một số giải pháp trọng tâm được tổng hợp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam trong thời gian tới:

Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. 

Thứ hai, đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. 

Thứ tư, xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù.

Thứ năm, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao.

Thứ sáu, sắp xếp tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng, miền và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Việt Namtiềm năng cho sự phát triển nguồn nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, để sở hữu được nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi cần phải thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực có năng lực làm chủ các công nghệ và nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của công nghệ, phát huy yếu tố nội lực quan trọng để phát triển đất nước, đảm bảo đi tắt, đón đầu, chống nguy cơ tụt hậu, rút ngắn được khoảng cách về sự phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vậy nên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần trở thành khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới./.

Lê Anh Tú, Lương Thanh Hải

Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT