Ngày 11/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 39/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:
Mục tiêu phát triển đến năm 2030
Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng; Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%; Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%; Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỷ đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050
Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
- Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng. Phát triển các chuỗi đô thị gắn với các vùng, hành lang kinh tế động lực của tỉnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy dịch vụ và du lịch.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia. Liên kết với các tỉnh: Long An, Tiền Giang xây dựng Dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng
* Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế.
- Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, hiện đại; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn quy mô lớn, chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với an toàn thực phẩm.
- Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị ở Đồng Tháp (gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt).
- Từng bước phát triển chăn nuôi hướng tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với chế biến thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu. Kết hợp chăn nuôi với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển thủy sản, nhất là cá tra trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; áp dụng công nghệ cải tiến, hiện đại, nuôi hữu cơ, nuôi tuần hoàn, gắn với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, bền vững.
- Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, giữ vững tỷ lệ che phủ, khai thác hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên rừng. Chú trọng công tác phát triển rừng, các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.
* Ngành công nghiệp - xây dựng
- Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, đồng thời với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển cơ khí, cơ khí chính xác, dược phẩm và các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống.
- Tập trung đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, trung tâm chế biến nông, thủy sản gắn với phát triển hệ thống logistics, dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ. Đẩy nhanh xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các khu, cụm công nghiệp tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
- Tăng cường phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, đủ trình độ chuyên môn và công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Ngành dịch vụ
- Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ du lịch, y tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.
- Phát triển hệ thống thương mại văn minh hiện đại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển các trung tâm đầu mối, hỗ trợ liên kết dịch vụ thương mại cấp vùng và tiểu vùng, hình thành các trung tâm logistics gắn với các khu, cụm công nghiệp. Chú trọng liên kết vùng để phát triển thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng giao thương trên phạm vi toàn quốc và các quốc gia trong vùng ASEAN.
- Tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia.
- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
* Bốn vùng kinh tế - xã hội
- Vùng kinh tế - xã hội trung tâm gồm: Thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc; phía Tây huyện Tam Nông; phía Nam huyện Cao Lãnh; phía Bắc các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành (dọc sông Tiền) là vùng động lực phát triển của tỉnh. Tập trung phát triển kinh tế đô thị, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch. Trong đó thành phố Cao Lãnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh kết nối với thành phố Sa Đéc trở thành hai cực tăng trưởng của vùng trung tâm.
- Vùng kinh tế biên giới (vùng phía Bắc) gồm: Thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, phần lớn huyện Tân Hồng. Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia; trở thành vùng kinh tế động lực, điểm khởi đầu của ba hành lang kinh tế (hành lang kinh tế ven sông Hậu, hành lang kinh tế ven sông Tiền và hành lang kinh tế Đồng Tháp Mười). Thành phố Hồng Ngự đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng phía Bắc.
- Vùng kinh tế ven sông Hậu (vùng phía Tây Nam) gồm: Phía Nam các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với thị trấn Lấp Vò là cực tăng trưởng phía Tây Nam của tỉnh.
- Vùng phía Đông Bắc gồm: Huyện Tháp Mười, khu vực phía Đông các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình; khu vực phía Bắc huyện Cao Lãnh. Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao tập trung, quy mô lớn gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến nông, thủy sản với thị trấn Mỹ An là cực tăng trưởng vùng Đông Bắc của tỉnh.
* Ba hành lang kinh tế
- Hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam (bố trí theo tuyến quốc lộ 30 kết nối quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ N1) là hành lang phát triển chủ lực của tỉnh. Tập trung phát triển đô thị, công nghiệp chế biến, trung tâm dịch vụ hậu cần.
- Hành lang kinh tế Nam Sông Tiền (bố trí theo tuyến quốc lộ 80, quốc lộ 80B, đường tỉnh 848 và đường Nam Sông Tiền, kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Tây và quốc lộ 1) phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
- Hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam (bố trí theo tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây) là tuyến kết nối kinh tế - xã hội các tỉnh thuộc Tứ giác Long Xuyên với vùng Đồng Tháp Mười và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổ chức các hoạt động kinh tế công nghệ chế biến, dịch vụ nông nghiệp và du lịch sinh thái.
* Các khu vực cần bảo tồn, hạn chế phát triển
- Các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, hạn chế phát triển bao gồm: Công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, khu bảo tồn đất ngập nước, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, khu sân chim và rừng tràm Gáo Giồng, Cồn Tiên, cồn An Hòa, cồn Đông Giang, cồn Bình Thạnh, cồn Tô Châu, cù lao Long Khánh. Hạn chế tối đa và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng công trình, khai thác tài nguyên ảnh hưởng đến cảnh quan, di tích, kiến trúc.
- Hạn chế tối đa, quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng. Không xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung tại các khu bảo tồn. Kiểm soát mật độ xây dựng, loại công trình xây dựng, cấp công trình xây dựng; chú trọng sử dụng các phương pháp chống sạt lở đất. Khuyến khích trồng rừng, cây xanh, các biện pháp bảo vệ đất và lớp phủ thực vật khác.
Giải pháp, nguồn lực thực hiện
1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
- Tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh.
2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có chất lượng, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
- Chú trọng hơn nữa đào tạo các ngành nghề mới, tiềm năng, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học và sự tích hợp giữa chúng.
- Tập trung nguồn lực xây dựng mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.
3. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là liên quan đến bảo vệ môi trường biển, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học giữa các khu vực giáp ranh; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
- Chủ động ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh, trong đó, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản các nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Huy động người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.
4. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
- Nghiên cứu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển khu vực động lực và sự liên kết giữa khu vực động lực với các khu vực phụ trợ.
- Ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm, ngư nghiệp; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công.
5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
- Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển đô thị và nông thôn để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền.
- Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh.
6. Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện.
- Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo đồng bộ.
- Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch trong kế hoạch 05 năm và hàng năm. Các cấp, các ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định./.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT