Tọa đàm khoa học “Phương án giảm thải 900 triệu tấn khí CO2 đến năm 2035” đã diễn ra vào lúc 9h00’ ngày 22 tháng 4 năm 2024, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Số 17 Yết Kiêu, P. Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Khách mời tham gia tọa đàm gồm có các nhà khoa học và các doanh nghiệp như: Viện trưởng Viện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội số; Giám đốc Trung tâm Tọa độ không gian số; Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số; Chuyên gia năng lượng Viện Mekong CESDI; Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển dự án THD Việt Nam; Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chấn Hưng, trực thuộc UBTWMTTQ Việt Nam; Giám đốc Công ty tư vấn quốc tế BTN; Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nhịp cầu Việt; Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư phát triển xanh THDV.
Về phía Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương có TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng - Chủ trì tọa đàm ; TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện Trưởng; Các chuyên gia cao cấp PGS.TS. Đinh Văn Thành; PGS.TS.Nguyễn Văn Lịch; PGS.TS. Phan Đăng Tuất; Thành viên Hội đồng khoa học Viện và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện và các viên chức trong Viện.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, chủ trì tọa đàm cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những cam kết quan trọng để cắt giảm đáng kể lượng phát thải carbon, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 trong những năm sắp tới. “Phát thải ròng bằng 0” thường xuyên được nhắc đến như một biện pháp quan trọng để chống biến đổi khí hậu và sự tàn phá mà nó gây ra.
Theo Liên hợp quốc, “phát thải ròng bằng 0” có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".
Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong thời gian tới. Các nước đã và đang công bố kế hoạch dài hạn để cắt giảm phát thải carbon trong nền kinh tế và tìm các phương án thực để giảm thải.
Mở đầu tọa đàm, TS. Mai Huy Tân - nghiên cứu lĩnh vực môi trường, cung cấp giải pháp tư vấn liên quan đến xử lý rác thải và năng lượng tái tạo đã giới thiệu với các nhà khoa học mô hình kinh tế tuần hoàn mới, công nghệ mới và phương án giảm thải khí CO2 cho Việt Nam. Mô hình và phương án của TS. Mai Huy Tân rất công phu, khoa học và hữu ích. Các khách mời chăm chú lắng nghe và có những trao đổi cởi mở.
Ngay sau đó, PGS. TS. Phan Đăng Tuất và PGS. TS. Nguyễn Văn Lịch, chuyên gia cao cấp, đã có những câu hỏi trao đổi thẳng thắn và bày tỏ hy vọng công nghệ mới GET của Đức mà TS. Mai Huy Tân đưa ra sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc giảm thải khí CO2
Tiếp theo, một số đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm về những khó khăn và thách thức khi áp dụng công nghệ này và con đường dẫn đến Net Zero của Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, thay mặt Ban tổ chức, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các đại biểu đến tham dự và đã đưa ra những phân tích, đánh giá về những con đường dẫn đến Net Zero của Việt Nam. Những ý kiến đóng góp trong Tọa đàm sẽ là những tư liệu quý báu giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách kế hoạch dài hạn để cắt giảm phát thải carbon trong nền kinh tế./.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT