BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Một số giải pháp để ngành dệt may Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu

22/01/2024

1. Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu

- Chuỗi giá trị

Theo Kaplinsky (2000), chuỗi giá trị bao gồm các hoạt động cần thiết của một chu trình sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ kể từ giai đoạn nghiên cứu sáng chế, qua các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng, cũng như xử lý rác thải sau khi sử dụng.

Như vậy chuỗi giá trị là tập hợp các giá trị được tạo ra từ các giai đoạn của quá trình sản xuất một sản phẩm hay dịch vụ, từ khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế, cung cấp đầu vào, sản xuất, marketing và phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng. Một chuỗi giá trị của sản phẩm diễn ra qua nhiều nước trên phạm vi toàn cầu thì chuỗi giá trị đó được gọi là chuỗi giá trị toàn cầu.

Michael Porter (1980) đưa ra khái niệm chuỗi giá trị: Mô tả toàn bộ chuỗi hoạt động của một doanh nghiệp trong quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ từ việc thu thập, tiếp nhận nguyên liệu đầu vào cho đến việc phân phối sản phẩm trong thị trường và các hoạt động quan trọng khác”.

Như vậy, theo M.Porter một chuỗi giá trị bao gồm 9 công đoạn và được chia thành các hoạt động chính trong chuỗi và các hoạt động bổ trợ. Hoạt động chính đầu tiên trong chuỗi giá trị là hậu cần đầu vào, đây là hoạt động tiếp nhận và lưu kho nguyên liệu để phục vụ sản xuất cho một ngành, một lĩnh vực nào đó. Tiếp theo là hoạt động sản xuất liên quan trực tiếp đến quá trình tạo ra giá trị lớn nhất cho sản phẩm, đó là quá trình chế biến nguyên vật liệu đầu vào thành sản phẩm cuối cùng. Hoạt động hậu cần đầu ra sẽ tiếp nhận những sản phẩm cuối cùng, lưu kho và phân phối tới những đại lý, cửa hàng. Tiếp theo là hoạt động marketing, truyền thông thúc đẩy quản bá hình ảnh của sản phẩm tới người tiêu dùng. Cuối cùng là hoạt động dịch vụ hay sau bán hàng là những hoạt động liên quan tới chăm sóc khách hàng nhằm duy trì hoặc tăng cường giá trị của sản phẩm. Các hoạt động bổ trợ không trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nhưng hỗ trợ cho quá trình tạo ra sản phẩm bao gồm 4 nhóm là mua hàng, phát triển công nghệ, quản trị nhân lực và hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật của doanh nghiệp.

Từ lý thuyết về chuỗi giá trị, Gereffi (2001) đã xây dựng lý thuyết về chuỗi cung ứng, ông cho rằng có hai yếu tố liên quan đến việc tạo ra giá trị hay quyết định dạng chuỗi cung ứng của một ngành. Thứ nhất là chuỗi cung ứng do phía cung tạo ra. Đây là những chuỗi hàng hóa mà trong đó tác nhân chính là các nhà sản xuất lớn, thường là những nhà sản xuất xuyên quốc gia hợp nhất theo chiều dọc đóng vai trò trung tâm trong việc phối hợp các mạng lưới sản xuất quốc tế. Các ngành công nghiệp thâm dụng vốn và công nghệ như sản xuất xe hơi, máy bay, điện tử là đặc trưng của chuỗi cung ứng do phía cung quyết định. Thứ hai là chuỗi cung ứng do phía cầu hay người mua quyết định. Đây là đặc trưng của những ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thâm dụng lao động như ngành may mặc, giày dép, và các hàng thủ công khác. Các nhà bán lẻ lớn, các nhà buôn và các nhà sản xuất có thương hiệu là những tác nhân chính đóng vai trò cốt yếu trong việc hình thành các mạng lưới sản xuất được phân cấp tại nhiều quốc gia xuất khẩu. Đặc điểm chính của chuỗi giá trị do người mua quyết định là sự hợp nhất theo mạng lưới để thúc đẩy sự phát triển của các khu chế xuất và thực hiện thuê gia công toàn cầu của các nhà bán lẻ.

- Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu

Chuỗi giá trị ngành dệt may do người mua quyết định, việc tạo ra sản phẩm cuối cùng phải qua nhiều công đoạn và hoạt động sản xuất thường được tiến hành ở nhiều nước. Trong đó các nhà sản xuất với thương hiệu nổi tiếng, các nhà bán buôn, nhà bán lẻ lớn đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập mạng lưới sản xuất và định hình việc tiêu thụ hàng loạt thông qua các thương hiệu mạnh và sự phụ thuộc của chúng vào những chiến lược thuê gia công toàn cầu nhằm thỏa mãn nhu cầu này.

Theo kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị dệt may toàn cầu của Gereffi và Memodovic (2003) có thể phân chia chuỗi giá trị dệt may làm năm phân khúc chính:

 

Nguồn: Gereffi và Memodovic (2003)

Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu được hiểu là các công đoạn của quá trình sản xuất sản phẩm hàng may mặc trong chuỗi giá trị từ khâu khai thác, sản xuất nguyên liệu, thiết kế, gia công, sản xuất thành phẩm rồi phân phối tới các nhà bán buôn, bán lẻ… có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên khi tham gia chuỗi giá trị dệt may toàn cầu là phải tìm được chỗ đứng trên thị trường, giành được thị phần, giữ được thị phần và mở rộng thị phần.

Mô hình Tham chiếu Giá trị (Value Reference Model - VRM) được triển khai toàn cầu để gia tăng ích lợi cho các chủ thể tham gia. Áp dụng mô hình tham chiếu giá trị trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu và dựa vào các đặc điểm riêng của ngành dệt may, ta có thể chia quá trình tham gia chuỗi giá trị dệt may toàn cầu làm 4 bước:

Bước 1: Nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm

Nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản phẩm mới, công nghệ sản xuất tiên tiến trong ngành dệt may có vai trò rất quan trọng, áp dụng trên quy mô lớn để sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may xuất khẩu hoặc hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra nhiều giá trị hơn và giảm chi phí, đạt tiêu chuẩn chất lượng trong khu vực và trên thế giới. Thông thường, giá trị của công đoạn thiết kế trong chuỗi giá trị toàn cầu chiếm 3%. Phần giá trị gia tăng có được từ khâu thiết kế tuy không cao nhưng giá trị mang lại từ thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp may mặc thu được rất nhiều lợi nhuận.

Bước 2: Sản xuất nguyên liệu, phụ liệu may mặc

Giá trị của phần nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn và quyết định đến chất lượng sản phẩm. Thành phần chính tạo nên sản phẩm may mặc là các loại vải. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, phát triển thượng nguồn như  bông, xơ, sản xuất vải và các loại phụ liệu khác. Khâu này sẽ giúp doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận chiếm 15% giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bước 3: Sản xuất sản phẩm

Với sự phát triển hiện nay trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may, các doanh nghiệp buộc phải chuyển dịch từ phương thức gia công (CMT) sang các phương thức sản xuất trực tiếp cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất), OBM (tự thiết kế, sản xuất). Thực tế đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dệt may phải có năng lực cạnh tranh lớn, đòi hỏi có khả năng cung cấp trọn gói, chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh và thời hạn giao hàng theo nhu cầu của người mua trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy cần thực hiện việc dịch chuyển dần từ gia công với tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao sang hình thức xuất khẩu theo FOB và ODM để đáp ứng yêu cầu người mua và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dệt may đầu tư vào khâu thiết kế mẫu, mẫu mã để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Phương pháp OBM yêu cầu các doanh nghiệp phải chú trọng vào khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Phương thức FOB, ODM đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chủ động với nguồn nguyên phụ liệu. Do đó sự chuyển dịch từ phương thức CMT sang FOB và ODM, OBM cần xác định những chiến lược phù hợp, cần có mối liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước và nước ngoài. Trong dài hạn, các doanh nghiệp dệt may phải chuyển sang sản xuất các nguyên phụ liệu để chủ động hoàn toàn nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho phương thức sản xuất trực tiếp.

Nếu chỉ may gia công thì tỉ suất lợi nhuận thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 5% đến 7% trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu; sản xuất hàng may mặc theo phương thức OBM mang lại giá trị gia tăng cao nhất và hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp dệt may.

Bước 4: Phân phối

Khâu phân phối thường do các hãng bán lẻ chi phối. Mạng lưới phân phối chủ yếu được thực hiện thông qua các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, dây chuyền thương mại quy mô lớn. Sản phẩm dệt may được phân phối bởi 2 hình thức chủ yếu: phương thức bán buôn và phương thức bán lẻ, bán qua đại lý. Giá trị của khâu này ước tính lên tới 70% lợi nhuận (tính trên 1 sản phẩm may mặc từ khâu đầu đến khâu cuối cùng) trong chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên khâu phân phối gặp rủi ro khá cao.

2. Chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam

Việt Nam là một trong những mắt xích trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, 3 khâu sản xuất trong ngành dệt may Việt Nam:

- Khâu sản xuất sợi

Đầu vào như bông và polyester chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc. Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA) ước tính nguồn cung bông trong nước chỉ đáp ứng 1% nhu cầu nội địa, nguồn Polyester phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khi các nhà máy trong nước ít sản xuất do giá trị mang lại không cao. Đầu ra là các sản phẩm sợi sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may trong nước và xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, EU…

- Khâu dệt nhuộm

Từ trước đến nay khâu dệt, nhuộm là một trong những điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam. Quy mô nhỏ, chưa có đầu tư thích đáng vào công nghệ, bên cạnh đó những quy định chặt chẽ về môi trường, các tiêu chuẩn xanh khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để đáp ứng được các quy định chặt chẽ đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đầu tư vào sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất khâu dệt, nhuộm và khó cạnh tranh với các nước khác. Đây là một điểm nghẽn khi yêu cầu trong các Hiệp định thương mại tự do về quy tắc xuất xứ là các nguyên liệu đầu vào phải xuất phát từ nội địa hoặc từ các nước thành viên thì mới được hưởng các ưu đãi về thuế. Đây vừa là cơ hội cũng như thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam để có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

- Khâu may mặc

Khâu may mặc là khâu chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị dệt may Việt Nam với lợi thế chi phí về nhân công và nhiều lao động đã được qua đào tạo tay nghề phù hợp. Nguồn vải chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam liên tục tăng, năm 2022 Việt Nam chiếm 7,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc trên thế giới đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Bangladesh.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản có vai trò quyết định đến tăng trưởng của các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may tương đối ổn định, xuất khẩu sang các thị trường lớn vẫn tăng trường qua các năm, mặc dù nhập khẩu dệt may của các thị trường này đều tăng chậm. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị trường mới sang các nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông, Châu Phi và vẫn duy trì các thị trường trước đây như Mỹ, Nhật, EU…

Ngành dệt may Việt Nam luôn là một ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập trong cơ cấu phát triển của ngành dệt may, do vậy vị thế các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu còn thấp. Dịch chuyển lên các khâu ở thượng nguồn của chuỗi giá trị dệt may toàn cầu là xu thế cần thiết của ngành dệt may Việt Nam, từ đó sẽ chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

3. Giải pháp cho ngành dệt may Việt Nam để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu

3.1. Nâng cao năng lực sản xuất

Hiện nay, có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dệt may khá lớn từ các thị trường xuất khẩu chính, các doanh nghiệp cần tìm kiếm và mở rộng kênh phân phối, tìm đến các thị trường ngách. Ngoài ra cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tăng số lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tại các thị trường nước ngoài. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm 20% so với năm 2022. Trong đó các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản đều sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.

Người tiêu dùng hiện nay càng nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững như việc sử dụng các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, bảo vệ môi trường, chất liệu thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe ngày càng được quan tâm. Như vậy cần phải cải tiến quy trình sản xuất, phương thức quản lý, sản xuất sản phẩm xuất khẩu cần chú ý đến nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên thế giới, đảm bảo chất lượng và với mức giá phù hợp.

Ngành dệt may Việt Nam để bắt kịp với thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần cải thiện năng lực sản xuất vải. Đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu vải và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu. Các sản phẩm may mặc có chi phí vải chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, lợi thế cạnh tranh chủ yếu tập trung vào giá nhân công. Tuy nhiên, chi phí nhân công tại Việt Nam hiện nay cao hơn các nước lân cận trong khi năng suất lại không cao hơn. Do vậy các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn khi phải nhập khẩu vải, thực hiện gia công đơn giản, chi phí phân phối tăng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần phải chuyển đổi dần phương thức sản xuất từ gia công sang phương thức sản xuất cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất), OBM (tự thiết kế, sản xuất). Các sản phẩm tự chủ về nguồn nguyên liệu đầu vào và tự sản xuất, thiết kế.

3.2. Tăng cường xúc tiến thương mại

Để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, trước tiên Việt Nam cần tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về nguồn vốn, phát triển bền vững, tuân thủ các cam kết về môi trường, lao động. Các doanh nghiệp cần thiết kế, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thị trường các nước để sản xuất ra các sản phẩm mà thị trường đang cần, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Cần phải nghiên cứu đầy đủ thông tin về thị trường để đưa ra những quyết định đúng, phù hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng dệt may.

Các Hiệp hội, ngành hàng cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội để mở rộng thị phần trong và ngoài nước. Ngoài ra cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng của thị trường.

Cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững, cung cấp thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phân phối có hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy định của các thị trường xuất khẩu.

3.3. Thu hút vốn đầu tư

Để ngành dệt may phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, cần thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành dệt may. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành dệt may. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài thông qua các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm, sản xuất nguyên liệu bông xơ và sợi nhân tạo, sản xuất nguyên phụ liệu.

Ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng cần được công khai thông tin về hoạt động kinh doanh trong thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai, ngoài ra thông tin về thị trường dệt may xuất khẩu là những yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư.

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may, lợi nhuận đạt mức cao sẽ tăng tỉ lệ quỹ đầu tư phát triển, giúp tăng nguồn vốn chủ sở hữu.

Hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hình thức này sẽ phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp dệt may, thu hút được vốn, trách nhiệm quản lý kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Cần tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vào công nghệ cho ngành dệt may. Khắc phục việc thông tin về công nghệ chưa kịp thời, chưa có các chiến lược phát triển công nghệ cho toàn ngành dệt may. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho các doanh nghiêp dệt may, nguồn vốn này có vai trò rất lớn đối với các doanh nghiệp dệt may phát triển trong giai đoạn đầu.

Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần phải tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn như chính sách thu hút đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, nguồn lao động có chuyên môn.

3.4. Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao

Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người, trình độ lao động, quản lý. Việt Nam luôn có lợi thế so sánh về nguồn lao động trong công nghiệp dệt may, chi phí lao động của Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Tuy có nguồn lao động dồi dào với chi phí nhân công rẻ nhưng Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ nhân công có tay nghề, được đào tạo chuyên sâu do đó dẫn đến năng suất lao động thấp. Ngoài ra, thực tế là đa số đội ngũ nhân viên quản lý trong các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đều từ các ngành nghề khác chuyển sang, tuy có kinh nghiệm quản lý nhưng lại thiếu kiến thức chuyên ngành, từ đó làm giảm hiệu quả kinh doanh. Hiện nay, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, ngành dệt may cần chú trọng phát triển và quản trị nguồn nhân lực.

Để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của ngành dệt may, cần phải thực hiện như sau: (1) Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dệt may và các trường chuyên ngành dệt may trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp cùng với các trường cùng tham gia đào tạo, doanh nghiệp cần đầu tư cho công tác đào tạo, chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp mình, không phụ thuộc hoàn toàn vào nhân lực có sẵn; (2) Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo chuyên ngành dệt may như các trường đại học chuyên ngành về công nghệ dệt may và thời trang, các khoa đào tạo chuyên ngành. Cần có sự cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng và theo sát với thực tiễn. Một số nội dung đào tạo bao gồm: đào tạo nghề, đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, công nghệ, các kỹ năng mềm trong lĩnh vực quản trị, phát triển sản phẩm, thiết kế và nghiên cứu thị trường; (3) Để phát triển và quản trị nguồn nhân lực hiệu quả, các doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa những người lao động, đội ngũ nhân viên, trên cơ sở xây dựng được quan hệ lao động tốt đẹp sẽ tạo sự ổn định, kích thích sự sáng tạo và cống hiến của người lao động.

Để đáp ứng sự dịch chuyển phương thức sản xuất kinh doanh từ hình thức gia công sang hình thức sản xuất FOB, ODM…sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu dệt may. ODM là phương thức sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo giá trị cao và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên để thực hiện tốt phương thức sản xuất ODM, ngành dệt may Việt nam cần phát triển đồng bộ ba khâu đó là phát triển sản phẩm, marketing và liên kết chuỗi, trong đó khâu marketing là quan trọng nhất trong việc định hướng sản phẩm cho thị trường. Như vậy, cần đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về marketing, thiết kế sản phẩm để đáp ứng phương thức sản xuất ODM.

TS. Trần Thị Thu Hiền

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT