BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Hội thảo “Tình hình công nghiệp Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024”

02/01/2024

Chiều ngày 29 tháng 12 năm 2023, tại tầng 1, trụ sở 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT) - Bộ Công Thương đã tổ chức  hội thảo với chủ đề: “Tình hình công nghiệp Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024”.

Hội thảo do Tiến sỹ. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì.

Tới dự Hội thảo có chuyên gia cao cấp, PGS.TS. Phan Đăng Tuất; Tiến sỹ. Phạm Hữu Thìn; TS. Vũ Thị Lộc - Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Công Thương; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện, cùng đông đảo các viên chức quan tâm.

Mở đầu chương trình, TS. Vũ Thị Lộc - Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Công Thương, trình bày tóm tắt tham luận “ Tình hình công nghiệp Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024. Bên cạnh đó, còn có những lời nhận xét rất chi tiết, sâu sắc, tâm huyết của Chuyên gia cao cấp, PGS.TS. Phan Đăng Tuất về tình hình công nghiệp Việt Nam.

Một số bài tham luận được các diễn giả trình bày tại Hội thảo:

+ “Công nghiệp Việt Nam năm 2024 và các năm tiếp theo” do Thạc sỹ. Lê Nguyên Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu công nghiệp và năng lượng trình bày.

+ “Công nghệ xanh, công nghệ tiên phong toàn cầu và khuyến nghị chính sách”,do Thạc sỹ.  Phạm Hồng Hiệp -  Trưởng Phòng Môi trường và phát triển bền vững trình bày.

+ “ Giải pháp tăng cường khả năng linh hoạt trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam” do Tiến sỹ. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng quản lý khoa học và đào tạo trình bày.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận với nhiều nội dung nhằm có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Qua các bài tham luận, các đại biểu đánh giá được bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp Việt Nam trong năm 2023, khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng đến kết qủa sản xuất công nghiệp của cả nước. Nhưng do những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm nên sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực hơn ở những tháng cuối năm, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là trụ đỡ, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế (là ngành cấp 1 chiếm quyền số cao nhất trong toàn ngành công nghiệp, ngành này chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế tăng 1,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%; ngành khai khoáng giảm 2,8%.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,8%; khai thác quặng kim loại tăng 11,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,2%; dệt tăng 5,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực (chỉ số IIP tháng 11 so với tháng trước của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Vĩnh Long tăng 4,2%; Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh cùng tăng 3,8%...).

Bên cạnh các điểm tích cực, sản xuất công nghiệp năm 2023 còn bộc lộ một số hạn chế như:

Mặc dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần theo tháng nhưng hoạt động sản xuất trong cả năm không có sự bứt phá, tăng tốc mà tăng trưởng chậm trong cả năm 2023. Bên cạnh một số ngành có tăng trưởng tích cực thì một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cầu giảm cũng như khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm như: Sản xuất mô tô, xe máy; sản xuất bia, rượu; sản xuất trang phục. Chi phí đầu vào, chi phí vốn, chi phí tuân thủ còn cao, năng lực sản xuất công nghiệp còn chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới; nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc. Các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là các ngành hàng dệt may, da giày, điện tử... ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Nhận định tình hình sản xuất công nghiệp trong năm 2024

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với kết quả sản xuất công nghiệp năm 2023, trong năm 2024 sản xuất công nghiệp có một số thuận lợi và khó khăn sau:

Về thuận lợi: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã tích cực, chủ động có các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất như: Giảm thuế VAT 2% cho doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024; giảm lãi suất cho vay, đơn giản hơn thủ tục vay vốn; Xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bán dẫn được triển khai từ cuối năm 2023; Các nút thắt về khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ trong quý IV/2023 tạo điều kiện thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển; Đầu tư công liên tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy nhanh hơn lưu thông hàng hóa, làm giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp và góp phần thu hút đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua liên tục được thực hiện cả trong và ngoài nước, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại các địa phương như: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, các doanh nghiệp dệt may, da giày đã có nhiều đơn hàng mới góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong năm 2024.

Về khó khăn: Tiêu chuẩn sản xuất của các đơn hàng quốc tế ngày càng khắt khe hơn và yêu cầu cao hơn không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sản xuất hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững thì tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp có hạn và đã tới hạn sau vài năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế. Việc đào tạo nâng cao tay nghề lao động, đặc biệt là lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn khi doanh nghiệp không đủ tài chính và trình độ để thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương.
Giá nhiên liệu và năng lượng trong năm 2023 diễn biến phức tạp, hiện tượng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương phía bắc trong tháng 5/2023 và tháng 6/2023 cũng gây tâm lý thận trọng cho các doanh nghiệp khi đầu tư mở rộng sản xuất. Kinh tế thế giới năm 2024 dự báo còn gặp nhiều khó khăn.

Với những diễn biến như vậy các diễn giả cũng như các nhà khoa học nhận định, hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thông qua khảo sát đã dự báo số lượng đơn đặt hàng mới và khối lượng sản xuất trong quý 1/2024 sẽ tăng so với quý 4/2023. để mở đường cho sản xuất công nghiệp của việt nam phục hồi, duy trì tăng trưởng trong năm 2024.

 Kết thúc Hội thảo, Tiến sỹ.Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các đại biểu đến tham dự đã đưa ra những nhận định, phân tích, đánh giá về tình hình công nghiệp Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024./.                                    

  Đinh Thị Bích Liên

                               Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

Một số hình ảnh của Hội thảo: