BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Hội thảo nhiệm vụ “Phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp”

22/12/2023

Sáng ngày 20/12/2023, tại Hội trường tầng 1, trụ sở của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo nhiệm vụ “Phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp” do ThS. Đặng Anh Đào - Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại làm chủ nhiệm.

Hội thảo được chủ trì và điều hành bởi chuyên gia cao cấp, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.

Khách mời tham dự hội thảo có: Tiến sỹ.Vương Quang Lượng - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Tiến Sỹ. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Ngoài ra đến tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo, đại diện các Phòng, Ban và các viên chức trong Viện quan tâm.

Ngành cơ khí nông nghiệp đóng vai trò là ngành công nghiệp xương sống, là nền tảng, động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển trong đó có ngành công nghiệp chế biến nông sản, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để ngành công nghiệp chế biến nông sản không những tiết giảm chi phí đầu tư, giảm sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân... mà còn từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững. Vì vậy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Ths. Phan Thế Quyết đã trình bày báo cáo tóm tắt các nội dụng chính của nhiệm vụ như sau:

Phần thứ nhất: Khái quát về ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và một số nội dung về cơ giới hóa trong nông nghiệp

Phần thứ hai: Thực trạng phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và một số nội dung về cơ giới hóa trong nông nghiệp qua đó đã đánh giá được kết quả và những tồn tại hạn chế cùng nguyên nhân

Phần thứ ba: Bối cảnh, quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

Sau khi nghe đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội dung báo cáo, các nhà khoa học đều đưa ra các ý kiến nhận xét, đây là một nhiệm vụ cần thiết, mang ý nghĩa thực tiễn cao nhưng là lĩnh vực khó, nhiệm vụ khoa học này được nghiên cứu một cách nghiêm túc, công phu, chứa đựng nhiều thông tin đa chiều, tham khảo từ các nguồn khác nhau có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay và những năm tiếp theo để phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Kết cấu tổng thể của nhiệm vụ khá hợp lý, gồm ba phần (còn có lời mở đầu, kết luận và các phụ lục) chứa đựng các nội dung nghiên cứu đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy cao.

Bên cạnh những thành công của nhiệm vụ “Phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp” thì nhóm tác giả cần rà soát và chỉnh sửa các lỗi kĩ thuật, lỗi đánh máy. Trong phần mở đầu: Cần nhấn mạnh đến vai trò của ngành cơ khí nông nghiệp đối với chế biến nông sản thời gian qua để đưa ra một số hạn chế và tồn tại. Ở chương 1, cần sắp xếp lại trình tự các mục cho logic, hợp lý. Tại chương 2, nhóm nghiên cứu đã nêu khá đầy đủ các chính sách phát triển cơ khí nông nghiệp tuy nhiên cần đánh giá tình hình thực hiện các chính sách này ra sao. Cần bám sát hơn các văn bản để làm rõ phần mục tiêu tổng quát, phần định hướng phát triển cần sắp xếp theo trình tự.

Tại Hội thảo, một số đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ  tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện. Ths Phan Thế Quyết, thay mặt nhóm nghiên cứu  xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các đại biểu.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, chuyên gia cao cấp, PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp quý báu trong Hội thảo sẽ giúp cho Nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ một cách tốt nhất./.

Đinh Thị Bích Liên

                                                  Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT