Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2023 tại phòng 207, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, số 1 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường hàng hoá môi trường thúc đẩy “xanh hoá” sản xuất công nghiệp”.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đại diện cho Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, các Sở Công Thương, Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên Môi trường một số địa phương khu vực phía Bắc, các nhà khoa học, các chuyên gia và hơn 60 doanh nghiệp, cùng các viên chức thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Viện Chính sách kinh tế môi trường, cán bộ Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, các chuyên gia thuộc chương trình phát triển Liên hợp quốc. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự hiện diện của các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, và các cơ quan báo chí truyền thông đến tham dự và đưa tin về sự kiện này.
TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 xác định các mục tiêu cụ thể như giảm cường độ phát thải nhà kính trên một đơn vị GDP, “xanh hóa” nền kinh tế, “xanh hóa” lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, “xanh hóa”quá trình chuyển đổi. “Xanh hóa” các nền kinh tế hay “xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp cần xác định các sản phẩm cốt lõi phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn, công nghệ, thiết bị phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phục vụ sản xuất, tiêu dùng công nghệ thiết bị xử lý tái chế rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tái chế hình thành các sản phẩm thân thiện với môi trường đáp ứng hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định công nghiệp môi trường là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường, nói cách khác ngành công nghiệp môi trường là ngành cung cấp hàng hóa, dịch vụ môi trường bên cạnh chính sách phát triển công nghiệp môi trường. Lộ trình mở cửa thị trường hàng hóa môi trường phù hợp với cam kết quốc tế cũng đã được quy định. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị ,sản phẩm ngành công nghiệp môi trường tuy nhiên các công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường đã đầu tư đáp ứng có hiệu quả nhu cầu bảo vệ môi trường với qui mô lớn thường được nhập khẩu với giá thành cao. Chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển năng lượng tái tạo còn chồng chéo, hạn chế. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hàng hóa môi trường trong nước còn chưa rõ ràng, thiếu đầu mối hỗ trợ tiếp cận thị trường. Để phát triển công nghiệp môi trường với nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu “xanh hóa” trong các hoạt động kinh tế xã hội nói chung và “xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp nói riêng cần phải:
Thứ nhất, nhận diện và xác định vai trò hàng hóa môi trường trong tiến trình xanh hóa sản xuất công nghiệp.
Thứ hai, xác định những vấn đề cần hoàn thiện của thị trường hàng hóa môi trường và nhu cầu sử dụng hàng hóa môi trường nhằm xanh hóa trong sản xuất công nghiệp.
Thứ ba, giải pháp phát triển thị trường hàng hóa môi trường nhằm thúc đẩy “xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp.
Từ yêu cầu thực tiễn nói trên, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương và Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường hàng hoá môi trường thúc đẩy “xanh hoá” sản xuất công nghiệp” với mục đích thông qua các tham luận được trình bày tại Hội thảo và tiếp thu ý kiến góp ý chuyên môn của các đại biểu tham dự Hội thảo, từ các Chuyên gia học giả, Nhà khoa học tham dự Hội thảo. Ban tổ chức chương trình sẽ nhận diện thêm được các tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động cung cấp, cung ứng hàng hóa môi trường nhằm xanh hoá sản xuất công nghiệp làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo và đề xuất phát triển thị trường hàng hóa môi trường.
Chương trình Hội thảo diễn ra gồm 2 phần. Phần thứ nhất, các chuyên gia đã trình bày các bài tham luận xoay quanh một số vấn đề như: Một số giải pháp thúc đẩy xanh hóa, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất Công nghiệp; Phát triển hàng hóa môi trường thúc đẩy xanh hoá sản xuất công nghiệp; Giải pháp quản lý và sử dụng các tấm quang năng hết hạn sử dụng tại các nhà máy điện mặt trời, và trình chiếu một số phim ngắn với nội dung: Quản lý Nhà nước phát triển ngành Công nghiệp môi trường và Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp.
Phần tiếp theo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, phân tích và đề xuất, kiến nghị những vấn đề nóng cùng những giải pháp quan trọng về Phát triển thị trường hàng hoá môi trường thúc đẩy “xanh hoá” sản xuất công nghiệp.
Trong phần thứ nhất, các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe phần trình bày tham luận đến từ chuyên gia và các nhà quản lý sau:
- PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường với tham luận: “Một số giải pháp thúc đẩy xanh hóa, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất Công nghiệp”.
TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Phát biểu khai mạc Hội thảo
- Chuyên gia Ngô Đức Thanh - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương với tham luận: “Phát triển hàng hóa môi trường thúc đẩy xanh hoá sản xuất công nghiệp”.
Chuyên gia Ngô Đức Thanh – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương trình bày tham luận tại Hội thảo
- Chuyên gia ThS. Đinh Văn Tôn - Cục An toàn môi trường, Bộ Công Thương với tham luận: “Giải pháp quản lý và sử dụng các tấm quang năng hết hạn sử dụng tại các nhà máy điện mặt trời”.
Chuyên gia ThS. Đinh Văn Tôn – Cục An toàn môi trường, Bộ Công Thương trình bày tham luận tại Hội thảo
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đầy trách nhiệm, tâm huyết với nhiều nội dung có giá trị cao giúp nhận điện được bức tranh rõ nét và thực tế hơn về tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đứng trên góc độ doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp môi trường được xếp vào danh mục theo Quyết định 980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sau nửa ngày làm việc tích cực, Hội thảo “Phát triển thị trường hàng hoá môi trường thúc đẩy “xanh hoá” sản xuất công nghiệp” đã hoàn thành toàn bộ nội dung và diễn ra thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban tổ chức, đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam trân trọng cảm ơn các Cục, Vụ, Viện thuộc các Bộ, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã quan tâm tham dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo; cảm ơn các phóng viên, nhà báo, cơ quan truyền thông đã tích cực đưa tin, truyền thông cho sự kiện; cảm ơn các đối tác đã đồng hành, hỗ trợ tổ chức thành công Hội thảo./.
Từ Quỳnh Châu
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT