BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Nghiệm thu nhiệm vụ “Tổ chức chuỗi Hội thảo tham vấn chính sách về thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030”

18/12/2023

Chiều ngày 15 tháng 12 năm 2023, tại Hội trường tầng 2, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra buổi nghiệm thu nhiệm vụ “Tổ chức chuỗi Hội thảo tham vấn chính sách về thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030” do Ths. Nguyễn Văn Hiến - Trung tâm tham vấn WTO và FTAs - làm chủ nhiệm.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ được thành lập theo Quyết định số 1068/QĐ-CLCT ngày 11/12/2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Theo đó, buổi nghiệm thu diễn ra với sự chủ trì của TS.Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ gồm: TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo - Ủy viên phản biện 1; PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên - Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương - Ủy viên phản biện 2; PGS.TS Đinh Văn Thành - Chuyên gia cao cấp của Viện - Ủy viên; PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long - Ủy viên; TS.Đỗ Quang - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu công nghiệp và thương mại - Ủy viên; TS. Đặng Công Hiến - Ủy viên thư ký. Tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện của các phòng, ban chức năng trong Viện, các chuyên gia nhà nghiên cứu và các viên chức quan tâm.

Thay mặt nhóm thực hiện Nhiệm vụ, ThS. Nguyễn Văn Hiến đã trình bày Báo cáo tóm tắt chỉnh sửa bổ sung, báo cáo gồm 2 phần:

Phần 1: Báo cáo kết quả chuỗi hội thảo:

Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tổ chức thành công 02 hội thảo với chủ đề: (1) Hội thảo “Định hướng và giải pháp chuyển dịch sang mô hình sản xuất carbon thấp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU”; (2) Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP và EVFTA” bám sát với đề cương đã được phê duyệt.

Hội thảo sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính sau:

  • Đánh giá tổng quan các quy định liên quan cam kết về môi trường trong hiệp định CPTPP, EVFTA: Những hàm ý, cơ hội, thách thức của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn;
  • Thực trạng phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn;
  • Kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam;
  • Phân tích một số ví dụ điển hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn (case studies);
  • Đề xuất giải pháp phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Chuỗi Hội thảo được tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan, các nhà quản lý đến từ nhiều Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, trường Đại học, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập… (Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên, Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách  Tài nguyên, Môi trường, Viện Kinh tế môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân….). Các cuộc hội thảo được thiết kế theo hình thức liên kết giữa việc trình bày, thảo luận các nội dung về lý luận, đánh giá phân tích hiện trạng, thực tế và các nghiên cứu điển hình để từ đó xác định những khoảng trống giữa lý luận, cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp luật và thực tiễn triển khai để rút ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp. Các cuộc hội thảo này có sự tương tác giữa 03 nhóm đối tượng quan trọng là “nhà khoa học”, “nhà quản lý” và nhà doanh nghiệp. Do vậy các vấn đề được đưa ra thảo luận đều có sự phân tích, đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau đảm bảo tính toàn diện, khách quan, khoa học và thực tiễn.

Phần 2: Báo cáo đề xuất chính sách

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và từ chính những doanh nghiệp đã tham gia thực tế vào các mô hình kinh tế này, Hội thảo đã có những kết luận rất quan trọng, cụ thể:

Phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một nhu cầu tất yếu trong bối cảnh rủi ro về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt là ở Việt Nam. Một mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH hiệu quả sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Việc xây dựng, triển khai mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH cũng sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng các cam kết về bảo vệ môi trường và thương mại bền vững trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là hiệp định EVFTA và CPTPP. Chính vì vậy phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH được coi là một trụ cột chính sách quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển những mô hình là vấn mới và cần có những yêu cầu kỹ thuật, tài chính rất lớn. Đây là thách thức không nhỏ đối với nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam đều là nhỏ và siêu nhỏ.

Đây là những vấn đề không chỉ của ngành Công Thương. Để phát triển hiệu quả mô hình này cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của nhiều ngành, đặc biệt là các ngành Công Thương, Tài chính, Kế hoạch, đầu tư,….

Bên cạnh đó việc xây dựng, phát triển những mô hình này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng, triển khai thị trường carbon, các công cụ định giá carbon nhằm tạo ra một công cụ chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm phát thải và áp dụng chế tài phù hợp để giảm thiểu việc sử dụng những công nghệ, nhiên, nguyên liệu gây phát thải lớn. Việc xây dựng một thị trường carbon lành mạnh với hệ thống mua bán, trao đổi phát thải hiệu quả là một thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tiên trong khi các thị trường quan trọng đã áp dụng hệ thống này từ rất lâu và đang tạo áp lực ngày càng lớn cho Việt Nam.

Việc phân tích, đánh giá một số mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH thực tế hiện nay cho thấy, đã có rất nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đặc biệt là các mô hình có quy mô nhỏ cấp hộ gia đình, công ty. Tuy nhiên, những mô hình có quy mô lớn như khu công nghiệp, tỉnh, thành phố hoặc những mô hình một ngành, lĩnh vực (ví dụ như mô hình xử lý, tận dụng bùn đỏ từ khai thác bô-xit ở Tây Nguyên) cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý ngành. Những mô hình này đòi hỏi có thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu hơn, và có thể cần phải được xây dựng thành những đề án khoa học cấp bộ, ngành, thậm chí cấp quốc gia trong đó có sự phối hợp của những nhà khoa học và nhà quản lý.

Để có thể vượt qua những thách thức này, một trong những yếu tố rất quan trọng là phải xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong nhiều ngành, lĩnh vực mà hiện nay vốn đang rất thiếu và yếu. Do vậy, Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư xứng đáng vào việc đào tạo và phát triển nhân lực tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra.

Về thể chế, chính sách, hiện đã có nhiều văn bản pháp lý, chính sách về phát triển KTTH, tuy nhiên, vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo yêu cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc trong các đề án, hoạt động kinh tế. Mặt khác, nhà nước và doanh nghiệp cần xây dựng và vận hành thí điểm các mô hình KTTH (cả quy mô nhỏ và lớn) để từ đó rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra phạm vi các ngành, lĩnh vực hay quy mô toàn nền kinh tế.

Để có thể xây dựng, phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH hiệu quả, cần có những đề án nghiên cứu sâu, rộng hơn để có thể đưa ra những luận cứ khoa học chính xác và từ đó đề xuất, kiến nghị lên Bộ Công Thương, Ban kinh tế Trung ương, Thủ tướng Chính phủ,… xây dựng và ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ đã thực hiện thành công 02 Hội thảo. Hội thảo đã quy tụ được nhiều đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, hội thảo cũng đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất có giá trị là cơ sở để xây dựng các chính sác, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, thương mại hiệu quả.

Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng góp ý, đề nghị Ban chủ nhiệm củng cố, hoàn thiện Báo cáo kết quả hội thảo và Báo cáo đề xuất chính sách theo hướng bám sát hơn vào thuyết minh đề cương và có kết cấu logic hơn để có được những sản phẩm chất lượng cao hơn.

Kết thúc buổi nghiệm thu, Phó Viện trưởng Vũ Quang Hùng trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết và sâu sắc của các chuyên gia, các nhà khoa học trong Hội đồng. Các thành viên Hội đồng nhất trí 100% đồng ý nghiệm thu chính thức có chỉnh sửa. Đề nghị nhóm thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các thành viên Hội đồng, chỉnh sửa lại các sản phẩm của Nhiệm vụ đảm bảo chất lượng tốt nhất, hoàn thiện và nộp sản phẩm nhiệm vụ cho Viện trong thời gian tới./.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Nghiệm thu:

Ngô Mai Hương

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT