Việc hình thành các cụm liên kết công nghiệp (CLKCN), trong đó tập trung các doanh nghiệp có quan hệ với nhau về mặt kinh tế, kỹ thuật trong một khu vực lãnh thổ nhất định là xu hướng khách quan của quá trình phát triển công nghiệp. trong mỗi cụm liên kết ngành công nghiệp có các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, các nhà cung ứng nguyên liệu, máy móc dụng cụ, phụ tùng, các doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Cụm liên kết ngành công nghiệp cũng bao gồm các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo, hỗ trợ kinh doanh, kiểm định, xác nhận xuất xứ hàng hóa, logistics…Phát triển các CLKCN tạo môi trường đầu tư linh hoạt với chuỗi giá trị tối ưu, qua đó thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp mới, tiếp nối những mắt xích còn thiếu trong chuỗi giá trị.
Đề án “phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm vùng trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030” là một trong năm nhiệm vụ Bộ Công Thương giao cho Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thực hiện và cũng là 05 trong tổng số 06 nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện.
Khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nêu rõ sau cuộc Hội thảo lần 1 của đề án vào ngày 18 tháng 09 năm 2023, nhóm nghiên cứu đã triển khai nhiệm vụ, tổ chức các đoàn đi nghiên cứu thực tế thu thập dữ liệu tại các địa phương, thu thập ý kiến phản hồi từ Sở Công Thương của 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã tiếp thu, chỉnh sửa và Hội thảo lần 2 được tổ chức để xem xét lại, lấy ý kiến bổ sung, chỉnh sửa những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót để hoàn thiện đề án.
Tiếp thu những ý kiến góp ý tại Hội thảo lần 1, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Mạnh Linh - Phó Trưởng phòng - Phòng Nghiên cứu công nghiệp và năng lượng, Chủ nhiệm đề án đã trình bày Báo cáo tóm tắt lần 2.
Phát biểu góp ý cho đề án, ông Nguyễn Khắc Quyền nhận xét: “Đề án đã phác họa được bức tranh tổng quát của các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, hiện trang còn rất nghèo khó, địa hình phân tán, hoạt động rải rác không có sự liên kết, mạnh tỉnh nào tỉnh đó phát triển, không tránh khỏi tình trạng ăn xổi ở thì, được mùa thì rớt giá. Từ đó, nhận thấy ngay mức sống người dân còn rất thấp”. Ông còn góp ý những ý kiến sau:
Về mục tiêu cụ thể, Đề án đã đặt ra phấn đấu đến năm 2030, hình thành ít nhất 2 CLKCN là CLKCN chế biến nông, lâm sản, thực phẩm tại khu vực tỉnh Sơn la, Phú Thọ và CLKCN chế biến gỗ tại khu vực tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Ông đề nghị nhóm nghiên cứu chú ý thêm về hiện trạng nguồn nguyên liệu, cần ghi rõ định hướng phát triển nguồn nguyên liệu tránh tình trạng xây dựng nhà máy chế biến mà nguyên liệu lại không đủ cung cấp.
Ông cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu tham khảo thêm ngoài phát triển theo mục tiêu trên còn cần phải chú ý đến các sản phẩm hiện nay đã có ở các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc như: chè, cam…mặc dù còn nằm rải rác, manh mún nhưng nhóm nghiên cứu nên chú ý và có giải pháp xây dựng thêm các chuỗi liên kết từ qui mô nhỏ cấp tỉnh , rồi phát triển dần liên kết thành qui mô vùng. Cũng có thể có hướng xây dựng nguồn nguyên liệu ở một số tỉnh và xây dựng nhà máy chế biến ở một tỉnh có điều kiện giao thông thuận tiện. Ví dụ: xây dựng vùng trồng cam ở Hà Giang, Tuyên Quang, xây dựng nhà máy chế biến ở Hà Giang do có đường cao tốc Hà Nội - Hà Giang.
Ngoài ra, tại Bảng 12 trang 80 của dự thảo Báo cáo, phần đánh giá điểm mạnh có ghi vị trí của các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc là có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế, đề nghị cần làm rõ nếu so sánh vị trí của vùng với Hà Nội thì là vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn nhưng nếu xét vị trí so với Trung Quốc thì trở thành các tỉnh tiền tuyến của cả nước , giao thông thuận lợi cho việc xuất khẩu. Như vây, nên ghi rõ là vị trí của vùng thuận lợi cho phát triển kinh tế biên giới.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng thuận nhận xét Đề án được làm công phu, chi tiết, phân tích dựa trên thương số vị trí (location-quotient - LQ), thương số vị trí về lao động (LQLĐ), thương số vị trí về giá trị tăng thêm ( LQVA) là phương pháp rất khoa học. Bên cạnh đó, các đại biểu có thêm nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo lần 2 của nhiệm vụ, tập trung vào một số nội dung như: nên có số liệu rõ hơn về sản lượng hiện tại của các sản phẩm nông, lâm sản, thực phẩm của vùng, hiện trạng rõ thì mới định hướng được tương lai, cũng như nên ghi rõ về định tính, định lượng của mục tiêu phát triển, từ đó nêu bật lên tầm quan trọng và cấp thiết phát triển CLKCN của Vùng.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Mạnh Linh cảm ơn các ý kiến đóng góp của Ông Nguyễn Khắc Quyền và các đại biểu tham dự hội thảo. Nhóm nghiên cứu sẽ hoàn tất đề án trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Quyền đánh giá cao Ban chủ nhiệm đề án thu thập số liệu đầy đủ, phương pháp nghiên cứu khoa học, rõ ràng, đã tiếp thu các ý kiến các chuyên gia, chỉnh sửa bổ sung ở Dự thảo lần 2 và đề nghị nhóm nhanh chóng hoàn thiện đề án sau Hội thảo lần 2 để nghiệm thu chính thức nhiệm vụ trong thời gian sắp tới./.
Từ Quỳnh Châu
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT