BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Hội thảo Phát triển bền vững thị trường trong nước Vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030

09/12/2023

Chiều ngày 06 tháng 12 năm 2023, tại Trụ sở Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý lần 2 cho nhiệm vụ đề án: “Phát triển bền vững thị trường trong nước vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030” do TS. Lâm Tuấn Hưng, Phó chánh văn phòng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương làm chủ nhiệm.

Hội thảo được chủ trì và điều hành bởi ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.

Ảnh 1: Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các viên chức quan tâm.

Đề án: “Phát triển bền vững thị trường trong nước vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030” đã được tổ chức Hội thảo lần 1 vào ngày 05 tháng 09 năm 2023, với phạm vi nghiên cứu là phát triển bền vững thị trường hàng hóa tại 14 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên , Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tại Hội thảo lần 1, nhiều ý kiến góp ý cho nhiệm vụ được đưa ra và được ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, chủ trì Hội thảo lần 1 kết luận đề nghị Ban soạn thảo đề án cần phải làm rõ hơn một số nội dung trong Đề án như xác định rõ khái niệm về phát triển thị trường, thị trường trong nước, thị trường khu vực vùng, sự kết nối bền vững phát triển vùng với thị trường trong nước; phân tích cung - cầu, sự liên kết giữa cung và cầu trong phát triển bền vững thị trường, các chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến sự phát triển bền vững của thị trường Vùng trung du miền núi phía Bắc…

Tiếp thu những ý kiến góp ý tại Hội thảo lần 1, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Lâm Tuấn Hưng - chủ nhiệm nhiệm vụ đã trình bày tóm tắt những nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung tại bản báo cáo lần 2.

Ảnh 2: TS. Lâm Tuấn Hưng, Chủ nhiệm đề án trình bày tóm tắt dự thảo lần 2.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Quyền nhận xét bản dự thảo lần 2 của đề án đã được TS. Lâm Tuấn Hưng cùng các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các chuyên gia ở Hội thảo lần 1. Ông cho biết, bản dự thảo lần 2 đã bám sát, phù hợp với nội dung nghiên cứu, đã đưa ra được bức tranh tổng quát của vùng, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, mục tiêu phát triển và giải pháp thực hiện của đề án. Tuy nhiên, với hiểu biết và nắm rõ tình hình thực tế của các vùng trung du miền núi phía Bắc, ông vẫn đề nghị nhóm nghiên cứu chỉnh sửa một số vấn đề như:

- Thực trạng của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là kinh tế nghèo, hạ tầng còn kém, giao thông đi lại khó khăn, dân trí thấp vì vậy không có doanh nghiệp đầu tư vì tỷ suất lợi nhuận thấp , đời sống thấp nên việc phát triển bền vững vô cùng khó khăn chính vì vậy cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước cho vùng này.

- Thực trạng hiện nay ở vùng Trung du miền núi phía Bắc là có Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ kinh tế vùng nói chung và kinh tế từng tỉnh nói riêng nhưng việc triển khai ở địa phương chưa đồng bộ nên chưa phát huy được hết các chính sách này.

- Cần nêu rõ được các tác động của các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã có những hiệu quả không nhỏ như nâng cao dần dân trí cho người dân, đầu tư xây dựng  hạ tầng giao thông…

- Cần lưu ý vùng Trung du miền núi phía Bắc phát triển thị trường bền vững cần chú ý đến thị trường với các nước láng giềng , đến an ninh quốc phòng.

- Tại trang 172 của dự thảo lần 2 nên ghi rõ : “các sản phẩm công nghiệp sản xuất, gia công, chế biến thô nên giá trị gia tăng không cao dẫn đến lợi nhuận thấp chứ không phải là chế biến thô nên giá thành thấp”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã có thêm nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo lần 2 của nhiệm vụ, tập trung vào một số nội dung như: phân tích rõ hơn về việc liên kết vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và biên giới; nên đánh giá thêm về mặt định lượng các yếu tố thể hiện hiện trạng phát triển bền vững thị trường trong nước vùng trung du miền núi phía Bắc từ đó nhận dạng những dấu hiệu phát triển không bền vững và nguyên nhân, đưa ra được mục tiêu và giải pháp khắc phục; làm rõ khái niệm như thế nào là phát triển bền vững và  phát triển bền vững vùng; phần mục tiêu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân của vùng đạt 25-27,5% giai đoạn 2026-2030 là hơi cao, đề nghị nhóm nghiên cứu cân nhắc.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Lâm Tuấn Hưng cảm ơn các ý kiến đóng góp của Ông  Nguyễn Khắc Quyền và các đại biểu tham dự hội thảo. Nhóm nghiên cứu sẽ hoàn tất đề án trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp này.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Quyền đánh giá cao Ban chủ nhiệm đề án thu thập số liệu đầy đủ, đã tiếp thu các ý kiến các chuyên gia, chỉnh sửa bổ sung ở Dự thảo lần 2 và đề nghị nhóm nhanh chóng hoàn thiện đề án sau Hội thảo lần 2 để nghiệm thu chính thức nhiệm vụ trong thời gian sắp tới.

                            Từ Quỳnh Châu

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT