Sáng ngày 24/11/2023đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương do Ông Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Hoà Phát tại Nhà máy thép Dung Quất, Quảng Ngãi để khảo sát, thu thập dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu về đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nền tảng của Việt Nam trong đó có mặt hàng thép.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo và các nhân viên của Tập đoàn Hoà Phát và chuyến thăm quan nhà xưởng sản xuất chế biến thép tại Tập đoàn Hòa Phát, Đoàn công tác của Viện đã khảo sát, tìm hiểu quá trình sản xuất chế biến thép của Việt Nam hiện nay nói chung, cũng như của nhà máy thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi nói riêng. Ngoài ra, đoàn công tác đã thu thập được nhiều thông tin, số liệu liên quan đến phát triển sản xuất, phân phối và xuất khẩu mặt hàng thép tại Quảng Ngãi.
Đại diện Tập đoàn Hoà Phát đã giới thiệu, cung cấp thông tin về công ty, một số định hướng trong thời gian tới của Tập đoàn và cho biết hiện nay Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản - Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% trong sản lượng của công ty hàng năm. Với công suất 8.5 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Vũ Quang Hùng nêu ra vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược ngành thép của Việt Nam,mặt hàng thép là một trong những mặt hàng công nghiệp nền tảng thuộc ngành công nghiệp vật liệu. Thép là vật liệu phục vụ ngành cơ khí chế tạo, chế tạo ra các sản phẩm máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải…Mặt hàng thép cung cấp đầu vào, công cụ máy móc, tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác. Ngành thép thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Một số nhà máy thép có công suất lớn, chất lượng thép cao được đầu tư đi vào hoạt động như Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn, Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh…Mặc dù ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về năng lực cũng như công nghệ sản xuất, tuy nhiên thực tế hiện nay ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần có kiến nghị và giải pháp để phát triển và tận dụng ưu thế của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, Ông Vũ Quang Hùng cho rằng hiện nay Việt Nam đang rất cần sản xuất các mặt hàng thép cho chế biến chế tạo và việc đưa ra các chính sách khuyến khích phù hợp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thép chế biến, chế tạo là cần thiết trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Thu Hiền - Trưởng ban pháp chế, tập đoàn Hòa Phát đồng quan điểm: mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm trong vòng 10 năm qua, tuy nhiên thực tế vẫn còn đang bỏ ngỏ nhiều tiêu chuẩn về chất lượng thép dẫn đến hệ quả khiến cho ngành thép Việt Nam khó cạnh tranh với thép các quốc gia khác trên thế giới. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi các quốc gia nhập khẩuyêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng thép của Việt Nam, các doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như những hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc ứng phó với những thách thức đặt ra trong xuất khẩu thép sang các thị trường nước ngoài đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao như thị trường EU, Hoa Kỳ…
Bà Hiền có trao đổi thêm về vấn đề phân biệt đối xử giữa thép Việt Nam và thép của các quốc gia khác. Đối với ngành thép là ngành quy mô lớn, đầu tư nhiều nên các nước nên có những chính sách, quy định hỗ trợ cho ngành Thép trong nước. Như ở Hoa Kỳ, hiện họ cũng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, khi Hoa Kỳ chưa chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì chi phí sản xuất cho ngành thép của Việt Nam không được lấy ra để tính toán biên độ và sẽ lấy một nước thứ ba khi đó sẽ không phù hợp với quy trình, điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
Ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học và đào tạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng sản phẩm xuất khẩu cũng có thị trường lớn, nếu dựa theo điểu chỉnh CBAM (Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon) trong lộ trình đến năm 2025, Hòa Phát có phương pháp, tiến độ điều chỉnh như thế nào để đáp ứng và phù hợp với quy định.Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát có những giải pháp nào để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU. Quá trình nghiên cứu và xây dựng chiến lược ngành théprất cần những ý kiến đóng góp về thực tiễn từ các doanh nghiệp, Hiệp hội, từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Buổi làm việc và khảo sát nhà máy sản xuất thép tại Tập đoàn Hoà Phát của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã kết thúc tốt đẹp. Những thông tin, tư liệu từ quá trình khảo sát, làm việc tại Tập đoàn Hòa Phát và những ý kiến đóng góp sẽ góp phần vào việc xây dựng, củng cố luận cứ khoa học, kiến nghị, đề xuất giải pháp trong xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách phát triển, quản lý đối với ngành thép của Việt Nam trong thời gian tới.
Hình ảnh: Đoàn công tác khảo sát tại nhà máy thép
Một số hình ảnh đoàn làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát
Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT