BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Hội thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045

23/11/2023

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức hội thảo: “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”tại Trụ sở 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng Hà Nội vào sáng ngày 17 tháng 11 năm 2023 với mục tiêu xây dựng, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, có tác động mạnh hoặc làm nền tảng đối với nhiều ngành khác nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng và Chính Phủ đã đề ra.

Chủ trì và điều hành Hội thảo do TS. Vũ Quang Hùng- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.Góp ý và phản biện cho nhiệm vụ gồm TS. Phạm Ngọc Hải- chuyên gia cao cấp Viện.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các viên chức quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Vũ Quang Hùng nhấn mạnh công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, là một trong những ngành sản xuất vật chất có vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp là một bộ phận hợp thành cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp,dịch vụ. Sự phát triển của công nghiệp là một  yếu tố có tính chất quyết định để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế. Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải có tính động và linh hoạt cần thiết, định kỳ phải đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Ths. Thái Quốc Hải - chủ nhiệm nhiệm vụ đã trình bày tóm tắt nội dung của bản báo cáo nhiệm vụ. Nội dung của báo cáo gồm 4 phần: Phần 1: Luận cứ khoa học về phát triển ngành công nghiệp ưu tiên. Phần 2: Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam giai đoạn 2011-2021.Phần 3: Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp ưu tiên của Việt Nam thời kỳ đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.Phần 4: Nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Sau khi nghe Ths. Thái Quốc Hải trình bày, Hội thảo đã nghe các chuyên gia đóng góp ý kiến. TS. Phạm Ngọc Hải phát biểu báo cáo nhìn chung đã có nhiều dữ liệu thu thập nhưng cần chú ý một số điểm sau: Phần mục tiêu cần đưa ra các mục tiêu cụ thể hơn, cập nhập thêm số liệu năm 2022. Phần thực trạng cần bổ sung Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ; Về giải phấp nên đưa thêm các giải pháp về tài chính, vốn là vấn đề then chốt để phát triển.

Tiếp theo là Ths. Nguyễn Mạnh Linh- Đại diện Phòng nghiên cứu Công nghiệp và Năng lượng góp ý: Phần nội dung cần tập trung vào ngành công nghiệp ưu tiên, cần lựa chọn tiêu chí, thay đổi cho phù hợp. Phần dự báo chưa có sự liên kết,chưa tạo ra được tính logic giữa các phần. Phần thực trạng chưa thống nhất, chưa đưa ra được ưu đãi về đầu tư, tín dụng đối với ngành nào. Phần quan điểm, mục tiêu: bổ sung thêm bối cảnh mới liên quan phát triển ngành công nghiệp ưu tiên. Phần nhiệm vụ giải pháp: cần đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng ngành công nghiệp.

Ông Ngô Đức Thanh- Đại diện Phòng Môi trường và phát triển bền vững góp ý: Phần thực trạng cần gia cố đầy đủ hơn. Phần kết quả đạt được nên đánh giá và phân tích sâu hơn đối với từng ngành. Phần định hướng chiến lược cần cụ thể hóa từng ngành.

Một số đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã có những ý kiến góp ý cho nhiệm vụ như: Phần mục tiêu cần chỉnh sửa tập trungvào đúng đổi tượng nghiên cứu. Phần nhiệm vụ, giải pháp nên viết tách ra. Chú ý phần quan điểm cần phải phù hợp với từng chiến lược có liên quan. Phần định hướng: cần xem lại rõ ràng lĩnh vực nào cần ưu tiên. Phần giải pháp: cần rà soát kỹ, điều chỉnh phù hợp nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ.

Ths. Thái Quốc Hải  thay mặt Ban chủ nhiệm nhiệm vụ xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu một cách hoàn chỉnh.

Phát biểu bế mạc Hội Thảo, TS. Vũ Quang Hùng- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo sẽ giúp cho Ban chủ nhiệm nhiệm vụ trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện nhiệm vụ“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045” và sẽ đưa ra nghiệm thu chính thức nhiệm vụ thời gian sắp tới.

Một số hình ảnh của Hội thảo:

                                                                      Nguyễn Ngọc Lan

                                        Phòng Thông tin và xúc tiến Thương Mại - VIOIT