Ngày 2/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên 1.284,88 km² tại tọa độ 15°55’ đến 16°14’ vĩ độ Bắc, 107°18’ đến 108°20’ kinh độ Đông và vùng biển gồm quần đảo Hoàng Sa được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030:
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Về kinh tế, mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5-3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5-10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%.GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD.Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp 50-55% trong tăng trưởng kinh tế., Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng 17,5-18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 12,5-13%/năm; cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP; kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP, trong đó cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông chiếm khoảng 10-15%.Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm.Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11-12%/năm.
7 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá phát triển
7 nhiệm vụ trọng tâm:
(1) Tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.
(2) Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.
(3) Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.
(4) Tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao.
(5) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
(6) Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại.
(7) Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
4 khâu đột phá phát triển
(1) Xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.
(2) Phát huy vai trò của các thành phần kinh tế gồm: kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
(3) Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tận dụng và phát huy cơ hội của xu thế phát triển khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển các luồng đầu tư, làn sóng đầu tư theo hướng có lợi cho Việt Nam và thành phố; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị.
(4) Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố văn hóa, con người làm nền tảng cho phát triển bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2050
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng
1) Du lịch
- Tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
- Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống.
- Định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
2) Thương mại
- Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt bình quân 10-12%/năm.
- Ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử và đẩy mạnh thanh toán trực tuyến; phấn đấu tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại đạt tối thiểu 65%.
- Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại liên quan đến du thuyền.
3) Vận tải, logistics
- Phát triển các ngành logistics - vận tải, kho bãi tăng trưởng trên 11%/năm. Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế. Hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng.
- Xã hội hóa các dịch vụ vận tải, vận tải đường thủy và các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
4) Thông tin - truyền thông
- Hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, thuộc nhóm 03 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nội dung báo chí, phát thanh, truyền hình, hình thành các nền tảng số trên môi trường mạng, khuyến khích sử dụng chung nền tảng số đa dịch vụ. Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện. Phát triển dịch vụ bưu chính số, nền tảng vận chuyển hàng hóa số, phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại di dộng (M-commerce).
- Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm, tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.
- Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo tinh thần kết hợp tự cường sáng tạo và hợp tác quốc tế có chọn lọc. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đề xuất thí điểm Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cấp khu vực tại thành phố. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số có khả năng dẫn dắt, làm chủ công nghệ, tham gia vào nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
- Sử dụng các nền tảng công nghệ số tương tác để người dân tham gia giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia, Hệ thống an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.
5) Tài chính - ngân hàng
Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Tăng trưởng bình quân của ngành đạt 8,5%/năm. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chất lượng. Phát triển các phương tiện, hình thức thanh toán mới, hiện đại, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển bền vững các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa, đảm bảo an ninh, an toàn.
6) Công nghiệp
Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, cụ thể:
- Phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano v.v… trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.
- Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác như: Kinh tế biển,Nông, lâm nghiệp, thủy sản, Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Văn hóa, thể thao,Giáo dục và đào tạo, Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Lao động, việc làm, an sinh xã hội và Quốc phòng, an ninh.
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội
Các hoạt động kinh tế - xã hội được liên kết trong mối liên hệ hữu cơ trong tổng thể cấu trúc quy hoạch thành phố Đà Nẵng trên cơ sở vùng sinh thái và 03 vùng đặc trưng, kết nối với nhau qua 02 vành đai kinh tế phía Bắc, phía Nam và 04 cụm việc làm, gồm: (1) Cụm Cảng biển và Logistics; (2) Cụm Công nghiệp công nghệ cao; (3) Cụm Đổi mới sáng tạo; (4) Cụm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phương án phát triển các khu chức năng: Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và các cụm công nghiệp.
Phương án phát triển mạng lưới cấp điện
- Nguồn cấp điện cho thành phố từ hệ thống truyền tải điện quốc gia thông qua lưới điện truyền tải 500kV, 220kV và lưới điện phân phối 110kV.
- Nguồn năng lượng tái tạo: Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà, sinh khối, nguồn từ xử lý chất thải rắn, điện gió ngoài khơi… Đối với tiềm năng về năng lượng mặt trời mặt đất, năng lượng mặt trời mặt nước và điện khí sẽ nghiên cứu để phát triển theo nhu cầu phụ tải và điều kiện thực tế phù hợp.
- Phát triển lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng.
- Xây dựng các đường dây truyền tải điện có dự phòng phát triển lâu dài, sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung trên hàng cột; hiện đại hoá và từng bước ngầm hoá lưới điện khu vực nội thành; từng bước nâng cấp, chuyển đổi các trạm biến áp phục vụ dân sinh theo hướng hiện đại, đảm bảo mỹ quan.
- Lưới điện 500 kV: Đến năm 2030, xây dựng đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi, chiều dài toàn tuyến 2x500 km, đoạn đi qua thành phố Đà Nẵng dài khoảng 30,4 km. Xây dựng đường dây 500 kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi mạch 2, chiều dài toàn tuyến 2x100 km, đoạn qua thành phố Đà Nẵng khoảng 6,8 km. Nâng công suất TBA 500 kV Đà Nẵng từ 2x450 MVA lên thành 2x900 MVA.
- Lưới điện 220 kV: Đến năm 2030, xây dựng mới 04 trạm và cải tạo 02 trạm biến áp 220 kV, tổng công suất 1.500 MVA. Đến năm 2050, định hướng cải tạo nâng công suất 03 trạm biến áp 220 kV, tổng công suất 750 MVA.
- Lưới điện 110 kV: Đến năm 2030, xây dựng mới 10 trạm và nâng cấp cải tạo 12 trạm biến áp 110 kV; đến năm 2050, định hướng xây dựng mới 09 trạm và nâng cấp cải tạo 11 trạm.
- Lưới điện trung áp phục vụ liên huyện: khi quy hoạch các khu dân cư mới cần bố trí quỹ đất để bố trí các trạm biến áp 22/0,4 kV ở khu vực trung tâm phụ tải, đảm bảo bán kính cấp điện không quá 400m ở khu vực nội thành và không quá 600 m ở khu vực nông thôn.
- Phương án cấp điện cho hệ thống LRT và MRT từ mạng lưới các trạm biến áp phân phối của từng khu vực mà các tuyến tàu điện, đường sắt đi qua, tùy theo nhu cầu cụ thể của từng đoạn tuyến và trạm điều hành/dừng trong hệ thống sẽ lắp đặt các trạm biến áp có công suất lắp đặt phù hợp.
- Khuyến khích đầu tư phát triển trạm sạc ô tô điện theo hướng xã hội hóa.
Phương án phát triển hạ tầng thương mại
- Đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 02 chợ bán buôn (Chợ đầu mối Hòa Phước, Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang) và Khu logistics, dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối và ngành bán buôn tại Hòa Phước. Quy hoạch sử dụng đất tại chợ đầu mối Hòa Cường sau khi được đầu tư thay thế đảm bảo khai thác sử dụng hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng lại chợ Cồn; nâng cấp, cải tạo, mở rộng hoặc xây mới chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Bắc Mỹ An và một số chợ khác trên địa bàn theo hướng duy trì chợ truyền thống văn minh, hiện đại.
- Đầu tư xây dựng Tổ hợp Thể thao, giải trí, thương mại Hòa Xuân (Sporthub), các trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận, huyện, khu phi thuế quan, khu thương mại tự do và Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế hạng A (sau năm 2025). Vị trí nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan nằm trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay như: tuyến Hoàng Văn Thái - Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành - Cảng Liên Chiểu; Hoàng Văn Thái - Nhà ga; Hoàng Văn Thái - Vành đai Tây 2 - Lê Đại Hành - Ga hàng không; tuyến phía Nam của vị trí 3 (28,3 ha) kết nối với trung tâm logistics trong Phân khu Đô thị Sườn đồi; tuyến LRT trên đường Hoàng Văn Thái.
- Hình thành các cụm trung tâm logistics tập trung, trong đó có 01 trung tâm logistics cấp vùng và các cụm trung tâm logistics phụ trợ, cụ thể: (1) Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu (trung tâm logistics cấp vùng, hạng I); (2) Trung tâm logistics đường sắt; (3) Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng; (4) Trung tâm logistics Hòa Nhơn kết hợp cảng cạn; (5) Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đồng thời, phát triển các trung tâm logistics và các kho bãi khác tại các khu, cụm công nghiệp và trên các đường tránh của tuyến đường cao tốc (Trung tâm logistics Hòa Phước, Trung tâm logistics Hòa Phú, Trung tâm logistics Hòa Hiệp Bắc, v.v..).
- Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt: Phát triển hệ thống kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG quy mô cấp quốc gia theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển 2 kho xăng dầu quy mô cấp tỉnh (dưới 5.000 m³) tại khu vực quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà và các trạm chiết nạp khí đốt quy mô nhỏ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, xem xét theo nhu cầu thực tế, phát triển các kho xăng dầu, khí đốt với quy mô phù hợp và phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan. Đầu tư xây dựng tuyến đường ống Liên Chiểu - Hòa Liên (Hòa Vang) và các hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp tới các khu công nghiệp để cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp, đường ống dẫn khí từ kho LNG đến các nhà máy điện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hộ tiêu thụ...
Các giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: (1)Về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư, (2) Về phát triển nguồn nhân lực, (3) Về bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, (4) Về cơ chế, chính sách liên kết phát triển, (5) Về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn và (6) Về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch./.
Đỗ Thị Bích Thủy
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT