BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn trong bối cảnh hiện nay

15/11/2023

Hội nghịPhát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàndo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức, đã diễn ra vào lúc 8h30’ ngày 15 tháng 11 năm 2023, tại Phòng Thống Nhất, khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương  đã có bài tham luận nêu rõ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn. Vấn đề an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn tác động tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội của quốc gia. Ngày 21/10/2022 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tiếp đó, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 28/3/2023 về việc triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ đã đưa ra nhiệm vụ quan trọng trước tiên là nhiệm vụ truyền thông, tập huấn an toàn thực phẩm trong khâu phân phối với mục đích cập nhật các kiến thức về quy định pháp luật, cung cấp các kiến thức nâng cao công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Thực hiện việc kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong bài tham luận của Tiến sỹ, bác sỹ Cao Văn Trung - Bộ Y tế đã phân tích thực trạng quản lý về an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Theo luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/06/2010 quy định Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tiếp theo là Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định những ngành hàng do Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT quản lý. Hiện nay, có rất nhiều tồn tại và thách thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như: ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp; Tình trạng nhập lậu thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu; Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh tối thiểu, như điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm; Tỷ lệ ô nhễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất như việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng….; Ngoài ra còn vấn đề về vi phạm đạo đức kinh doanh nên nhiều sản phẩm đưa ra thị trường chưa đảm bảo; Việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, sự đa dạng các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới rất khó quản lý. Thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như việc  quán triệt triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Hướng dẫn số 82-HD/BTGTTW ngày 02/12/2022 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 17; Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17. Cần xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông. Mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài cho công tác an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm. Nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để những nơi này có thể tiếp cận thực phẩm an toàn.

Chương trình Hội nghị còn có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Chương trình diễn ra hai phiên thảo luận rất sôi nổi với chủ đề: 1. Đa dạng các mô hình phân phối thực phẩm an toàn và 2. Vai trò của Chính sách phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm trong bối cảnh mới. Tham gia phiên thảo luận có đại diện chuỗi kinh doanh thực phẩm như Saigon Coop, chuỗi Sói Biển, đại diện kênh bán hàng thực phẩm trên thương mại điện tử Postmat... Về phía các cơ quan quản lý có đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và đại diện Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương. Các đại biểu đã có những chia sẻ thực tiễn, thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, giải pháp đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm. Như vậy phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn là vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước theo hướng bền vững.

Trần Thị Thu Hiền

Một số hình ảnh tại hội thảo: