BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Trung Quốc 45 năm cải cách, mở cửa: Thành tựu, vấn đề và triển vọng

02/11/2023

1. Thành tựu

Kỳ quan trong trời đất, kỳ tích ở trên đời”, Sự thần kỳ của Trung Quốc”, “Thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc”, “Mối đe dọa từ Trung Quốc”... là những sự đánh giá khác nhau đối với một hiện tượng: sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao nhất thế giới trong hơn một thập niên của một đất nước chiếm 1/5 dân số thế giới, có cộng đồng hàng chục triệu người Hoa sinh sống khắp các Châu lục, đã thu hồi Hồng Kông, Ma cao và rất thành công trong việc thực hiện phương châm “một nước hai chế độ”.

Nhờ cuộc cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng hồi cuối thập niên 1970, mở ra tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ 02 thế giới, chỉ sau Mỹ, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Kể từ đó, họ vẫn nắm giữ vị trí này.

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2011 càng củng cố vị thế của nước này. Báo cáo phân tích 186 quốc gia của McKinsey, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn nhất của 33 nước và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của 65 quốc gia.

Trong vòng 30 năm, Trung Quốc có thể tăng 69 bậc trong xếp hạng thế giới về GDP bình quân đầu người.

Tính bình quân, tuổi thọ của người Trung Quốc đã tăng thêm 6 năm. Ngoài ra, người dân nước này đã được tiếp cận đầy đủ với điện, và chỉ còn chưa đầy 2% dân số Trung Quốc sống dưới chuẩn nghèo của thế giới - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017.

Sự chuyển biến của toàn nền kinh tế Trung Quốc nói chung diễn ra cùng với kế hoạch của Bắc Kinh về đưa nền kinh tế từ mô hình sản xuất dẫn đầu sang một nền kinh tế với các ngành dịch vụ và sáng tạo nắm vai trò chủ đạo.

Những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải tổ nền kinh tế nước này đã đưa Trung Quốc dịch chuyển khỏi địa vị công xưởng của thế giới - "Giờ đây có rất nhiều thứ đang được sáng tạo ra ở Trung Quốc, thay vì nước này chỉ là một công xưởng sản xuất như trước kia", bà Kathryn Shih, Chủ tịch UBS khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin.

Thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức độ chưa từng có. Chỉ trong 40 năm, từ một nước nghèo, Trung Quốc đã trở thành bộ phận quan trọng trong cỗ máy công nghiệp toàn cầu. Nước này đóng góp 1/6 GDP và là công xưởng của cả thế giới. Là quốc gia có toàn bộ ngành công nghiệp trong phân loại ngành nghề của Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc có năng lực sản xuất, cung ứng lớn, có chuỗi công nghiệp chế tạo hoàn chỉnh nhất với quy mô lớn trên thế giới. Năng lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Trung Quốc đã được nâng cao. Trung Quốc có trình độ vượt trội trong những ngành công nghệ sáng tạo, các lĩnh vực kinh tế mới nổi và khả năng nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ theo hướng thị trường hóa.

1.1. Khu kinh tế đặc biệt

Theo thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển ((United Nations Conference on Trade and Development - UNCTAD), đến năm 2019 trên thế giới có 5.383 khu kinh tế đặc biệt (SEZs) tại 147 nước tại 3/4 nền kinh tế đang phát triển và hầu hết các nền kinh tế chuyển đổi. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã sở hữu hơn một nửa SEZs trên thế giới. Các quốc gia khác có số lượng SEZs cao bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ và Philippines.

Từ khi cải cách mở cửa 1978 đến nay, Trung Quốc không ngừng thành lập rất nhiều các “khu kinh tế đặc biệt” với mục tiêu thúc đẩy mở cửa và phát triển. Có thể tóm tắt thành 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1 -  Đặc khu kinh tế:

Giai đoạn 2 - Khu mở cửa kinh tế duyên hải

Giai đoạn 3 - Khu công nghệ cao

Giai đoạn 4 - Khu mới cấp quốc gia

Giai đoạn 5 - Khu thương mại tự do

Số lượng SEZs trên toàn thế giới, 2019

 

 

Tổng số SEZ

Trong số đó đang được phát triển

Các SEZ bổ sung được lên kế hoạch

 

Thế giới

5.383

474

507

1

Các nền kinh tế phát triển

374

5

 

 

Châu Âu

105

5

..

 

Bắc Mỹ

262

..

..

2

Các nền kinh tế đang phát triển

4772

451

502

 

Châu Á

4046

371

419

 

Đông Á

2645

13

..

 

Trung Quốc

2543

13

..

 

Đông Nam Á

737

167

235

 

Nam Á

456

167

184

 

Ấn Độ

373

142

61

 

Tây Á

208

24

..

 

Châu Phi

237

51

53

 

Châu Mỹ Latinh và Caribe

486

28

24

3

Các nền kinh tế chuyển đổi

237

18

5

4

Các nước kém phát triển nhất LDCs

173

54

140

5

Các nước đang phát triển không giáp biển LLDCs

146

22

37

6

Các quốc đảo nhỏ đang phát triển SIDS

33

8

10

Nguồn:   UNCTAD: https://unctad.org/system/files/official-document/WIR2019_CH4.pdf

(Các khu vực được tính trên cơ sở thành lập của chúng theo luật. Họ loại trừ 8.368 khu vực doanh nghiệp đơn lẻ (điểm miễn phí) được tìm thấy ở 18 nền kinh tế. Các SEZ ở các nền kinh tế phát triển khác (Úc, Israel, Nhật Bản và New Zealand) và ở Châu Đại Dương được tính vào tổng số của nhóm kinh tế tương ứng và tổng số toàn cầu).

Trong suốt 45 năm kể từ sau cải cách mở cửa đến nay, với 5 giai đoạn phát triển đặc khu kinh tế, đặc biệt chú ý đến 2 giai đoạn kinh tế (giai đoạn đầu tiên và giai đoạn hiện nay). Rất nhiều học giả Trung Quốc coi, nếu đặc khu kinh tế là con đường “mồi chài, bắt cá” thì khu thương mại tự do sẽ là con đường “mở cửa, hút cá”.

Giai đoạn gần đây nhất, Trung Quốc không còn chỉ thu hút bằng chính sách mà là bằng một môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn với việc đơn giản hóa thủ tục, đổi mới thể chế, xóa bỏ các rào cản chính sách, giảm bớt sự can thiệp của chính phủ, tự do hóa tiếp cận và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tự nhân. Một điều đặc biệt nữa trong 2 giai đoạn này: nếu trong các đặc khu đưa ra các Danh mục khuyến khích đầu tư thì trong khu thương mại tự do sẽ đưa ra Danh mục cấm/hạn chế đầu tư (Negative List) - Tương đương với “Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài” của Việt Nam. Và đặc khu kinh tế chú trọng vào mục tiêu xuất khẩu thì khu thương mại tự do lại tập trung vào thương mại, logicstics, các ngành công nghệ cao mới.

1.2. Kinh tế tư nhân

Vai trò của khu vực ngoài quốc doanh với nền kinh tế Trung Quốc đã được thể chế hóa từ dưới thời tổng bí thư Giang Trạch Dân (1989-2002). 

Với thuyết "ba đại diện" của ông Giang, các doanh nhân, tức những nhà tư bản là những người đóng vai trò then chốt giúp kinh tế Trung Quốc thật sự cất cánh trong vòng 20 năm qua, vươn lên trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.

Kinh tế tư nhân dần vượt qua khu vực quốc doanh, vốn là một lực lượng khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc, về đóng góp cho quốc gia. 

Theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), khu vực tư nhân đóng góp hơn 50% tổng doanh thu thuế, 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm ở thành thị và 90% các doanh nghiệp mở mới ở Trung Quốc. Công thức "50/60/70/80/90" này thường được coi là tóm tắt hùng hồn nhất về tầm quan trọng cũng như tính trung tâm của kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc là 266 tỷ USD. Trong 7 năm tiếp đó, xuất khẩu của nước này tăng mạnh trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008 khiến thương mại toàn cầu sụt giảm đáng kể. Chu kỳ này lặp lại với tốc độ tăng trưởng liên tục cho đến năm 2015 (khi xảy một đợt suy giảm thương mại toàn cầu khác), tiếp đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại cho đến năm 2020 (khi đại dịch Covid-19 bùng phát).

Tuy nhiên, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng vọt 30% và vào cuối năm 2022 đạt ước tính 3,6 nghìn tỷ USD. Con số này lớn hơn toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia như Anh, Ấn Độ hoặc Pháp.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ với kim ngạch năm 2022 đạt hơn 581 tỷ USD, tăng 970% so với năm 2001. Theo sau là Liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch năm 2022 là hơn 562 tỷ USD, tăng 1.382% so với 21 năm trước. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc với kim ngạch năm 2022 đạt gần 147 tỷ USD, tăng hơn 8.000% so với năm 2001.

1.3. Chuyển nền kinh tế từ Nâu sang Xanh

Khái niệm "văn minh sinh thái" đã được đưa vào báo cáo chính trị Đại hội Đảng Cộng sản lần 17 do nguyên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đọc trong lễ khai mạc Đại hội ngày 15/10/2007. Theo đó "Xây dựng văn minh sinh thái tức là phải xây dựng các thói quen tiêu dùng, các phương thức tăng trưởng kinh tế, các nhà máy công nghiệp có hình thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái". Giáo sư Hàn Khánh Tường - phó chủ nhiệm ngành triết học, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc - cho rằng nội hàm của khái niệm "văn minh sinh thái" là: không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội theo mô hình môi trường thân thiện và tiết kiệm năng lượng, tăng cường bảo vệ phát triển và duy trì lâu dài nguồn năng lượng.

Sự kiện khái niệm "văn minh sinh thái" lần đầu tiên được đưa vào báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản lần 17 của Trung Quốc cũng đã thu hút sự chú ý của báo chí nước ngoài.

Thật ra từ thập niên 1990,Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đề cập đến khái niệm "văn minh sinh thái", nhưng vì lý do khách quan mà khái niệm này đã không được thực hiện một cách đồng bộ trong thực tiễn. Từ những năm đó, ông Ôn Gia Bảo khi còn là phó thủ tướng đã khẳng định "thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của văn minh sinh thái".

Trung Quốc đang chứng kiến công suất lắp đặt điện mặt trời và doanh số xe điện tăng trưởng bùng nổ. Với tốc độ triển khai năng lượng sạch nhanh chóng như hiện nay, nền kinh tế này có thể bước vào giai đoạn giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu thô và khí đốt trong dài hạn vào năm tới.

Bloomberg NEF nhận định Trung Quốc sẽ đạt mức đỉnh phát thải khí nhà kính trong năm nay, thay vì năm 2030 như mục tiêu đặt ra của nước này. Điện sạch sẽ đóng góp phần lớn cho sự suy giảm phát thải khí nhà kinh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Trung Quốc là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục vị thế này cho đến năm 2030,” Jenny Chase, nhà phân tích năng lượng mặt trời hàng đầu của BloombergNEF, nói.

Các kế hoạch 5 năm gần đây của Trung Quốc đều tập trung vào tái cấu trúc ngành công nghiệp và duy trì tốc độ tăng trưởng từ trung bình đến cao. Truyền thông nước này cho biết Trung Quốc có thể giảm mục tiêu GDP trong kế hoạch sắp tới, do đang chuyển hướng sang tăng trưởng chất lượng cao.

Diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang dốc hết sức lực cho năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), các dự án năng lượng mặt trời do Trung Quốc công bố hoặc đang triển khai có công suất khoảng 379 GW và năng lượng gió là 371 GW, gấp đôi công suất hiện tại của đất nước.

Nếu Trung Quốc hoàn thành các dự án này, họ sẽ có 1.200 GW công suất điện mặt trời và gió vào năm 2025, tức trước mục tiêu đặt ra 5 năm, theo GEM. Riêng 228 GW điện mặt trời mà nước này đã đầu tư cũng nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã đầu tư 495 tỷ USD vào năng lượng tái tạo năm 2022, chiếm 55% đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này.

Tài chính xanh đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phát thải thấp của nước này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống thị trường tài chính xanh đa tầng, với lượng cho vay và trái phiếu trong lĩnh vực này thuộc tốp hàng đầu thế giới.

Theo ước tính mới nhất từ Viện CICC Global Institute, vốn đầu tư xanh tại Trung Quốc đã đạt gần 2.600 tỷ NDT trong năm 2022, tăng 20% so với năm 2021, trong khi đà tăng vốn đầu tư xanh trong tương lai sẽ cao hơn so với nguồn vốn trong các ngành truyền thống như bất động sản và cơ sở hạ tầng.

1.3. Khoa học công nghệ Trung Quốc: Từ bắt chước đến thống trị thế giới

Những năm 1964, quá trình phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây bắt đầu, các thỏa thuận tập trung vào "quan hệ đối tác chiến lược "đi cùng việc triển khai các công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc. Điều này cho thấy việc chuyển giao công nghệ giữa Trung Quốc những thập kỷ trước đã mang lại kết quả. 

Xây dựng các đặc khu kinh tế đã đóng góp rất nhiều trong việc biến Trung Quốc thành "công xưởng của thế giới", nó cũng cho phép nước này luân chuyển các sinh viên có trình độ cao, tạo ra một cộng đồng khoa học trong nước rất quan trọng. 

Theo một báo cáo của Viện Chính sách Khoa học Úc (ASPI), Trung Quốc dẫn đầu cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu và dẫn trước Hoa Kỳ về 37 trong số 44 công nghệ được gọi là quan trọng như lĩnh vực truyền thông tần số vô tuyến (5G, 6G), hydro, pin ô tô điện, vật liệu nano, lớp phủ tiên tiến, siêu tụ điện, siêu thanh... Các chuyên gia đánh giá, trong tương lai gần, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng độc quyền 8 công nghệ nêu trên.

Ở những lĩnh vực mới nổi, sự tăng trưởng của Trung Quốc đã có sự thay đổi ngoạn mục. Phổ biến nhất liên quan đến công nghệ phương tiện xanh. Năm 2022, quốc gia này đã chiếm 60% thị trường ô tô điện thế giới. 

Theo WIPO, Trung Quốc còn thuộc top 11 trong "chỉ số đổi mới toàn cầu" bao gồm môi trường chính trị, quá trình đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, thị trường tài chính. Các công trình nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc liên tục tăng từ số lượng đến chất lượng.

Theo danh sách phân loại các tổ chức nghiên cứu trên quy mô toàn cầu do tạp chí Nature công bố, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã vượt qua Đại học Harvard (Mỹ), Hiệp hội Max Planck và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). 

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc AS có hơn 60.000 nhà nghiên cứu, lớn gấp đôi so với CNRS, vốn từ lâu đã được coi là tổ chức nghiên cứu lớn nhất trên thế giới. 

Ở cấp độ cá nhân, tức là cấp độ nhà nghiên cứu, Trung Quốc đã dựa vào việc tuyển dụng những người giỏi nhất trên thế giới trước khi dần dần "sản sinh" một thế hệ mới tỏa sáng trên trường quốc tế.

Danh sách mới nhất trong năm nay cho thấy, có 304 nhà nghiên cứu Trung Quốc trong lọt Top 10.000, 1.982 trong Top 50.000 và 4.178 thuộc Top 100.000 nhà khoa học có sức ảnh hưởng toàn cầu. Trong khi ở Pháp, số lượng các nhà khoa học này chỉ gần bằng một nửa quốc gia tỷ dân, lần lượt là: 177, 1.214 và 2.856 nhà khoa học. 

Điều này cho thấy, khoa học - công nghệ của Trung Quốc hiện đang nổi bật về mặt chất lượng như một cường quốc khoa học đi trước hầu hết các nước phương Tây lớn.

Ở cấp độ giáo dục đại học và các tổ chức nghiên cứu, bảng xếp hạng quốc tế cũng cho thấy một bước đột phá từ Trung Quốc. Điển hình như có 16 tổ chức Trung Quốc nằm trong top 25 có sức ảnh hưởng khoa học trên thế giới, theo bảng xếp hạng Leiden. 

Tất cả thông tin trên cho thấy rằng, Trung Quốc xuất hiện như một quốc gia có khả năng nghiên cứu và đổi mới riêng, cạnh tranh với những siêu cường khoa học trên thế giới, thậm chí vượt qua họ.

2. Những điểm đáng lưu tâm

2.1. Chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ

Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc hiện vẫn đang là nguồn cung số 1 của Mỹ cho mảng đồ gia dụng, giường, đèn ngủ, đồ chơi, đồ thể thao.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc lớn đến mức nhiều công ty Mỹ đã dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường này nhưng rồi lại trở về, hoặc ít nhất chuyển một phần hoạt động trở lại vì chẳng tìm thấy lựa chọn tốt hơn.

Các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc thường lại phải hợp tác với một nhà cung ứng đến từ Trung Quốc trên thị trường mới, hoặc phải nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ cường quốc châu Á.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phải cay đắng thừa nhận không thể tìm được chuỗi cung ứng thay thế nào khác ngoài Trung Quốc.

"Chỉ có thể là Trung Quốc" - Lời ngậm ngùi cay đắng của các hãng thời trang Mỹ khi không thể tìm được chuỗi cung ứng nào khác thay thế, thừa nhận mọi thứ ở đất nước tỷ dân đều quá tốt.

Trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Mỹ, các công ty công nghệ lớn nhất của Washington vẫn phụ thuộc rất nhiều thị trường tỷ dân.

Trên thực tế, dù đã 5 năm "tách rời", nhưng sự phụ thuộc này hầu như không thay đổi.

2.2. Vị thế độc quyền với rất nhiều loại khoáng sản.

Nước này cung cấp gần 90% lượng nguyên tố đất hiếm đã qua xử lý trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nước sản xuất lithium nhiều nhất.

Trung Quốc chiếm miếng bánh lớn trên thị trường khai khoáng toàn cầu không chỉ vì sở hữu trữ lượng lớn mà còn bởi quá trình khai thác và xử lý là rất đắt đỏ, phức tạp và có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường.

Ông chủ của Raytheon, nhà sản xuất tên lửa hàng đầu thế giới, mới đây cũng phải thú nhận trên Financial Times rằng chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc gần như là “điều không thể”. “Chúng ta có thể giảm bớt rủi ro chứ không thể tách rời hoàn toàn”, ông nói.

2.3. Hệ thống Logistics phát triển

Trung Quốc có 76 bến cảng có thể hỗ trợ các tàu lớn chở hơn 14.000 container 20ft mỗi tàu nhưng các nước Nam và Đông Nam Á chỉ có 31 cảng như vậy. Theo nhà cung cấp dữ liệu MDS Transmodal, các tàu container lớn chiếm khoảng 2/3 năng lực vận chuyển hàng hóa trên các tuyến hàng hải giữa Đông Á và châu Âu.

Mike Garratt, giám đốc MDS Transmodal, cho rằng nếu không đầu tư đáng kể, các cảng ở các thị trường mới nổi châu Á khác chắc chắn phải vật lộn để xử lý khối lượng container tương đương như ở Trung Quốc

“Sức mạnh sản xuất và và vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc là không thể so sánh được”, Glenn Koepke, tổng giám đốc của Công ty giám sát chuỗi cung ứng FourKites, khẳng định.

Theo MDS Transmodal, cảng Thượng Hải, lớn nhất của Trung Quốc, có 51 dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng tuần đến Bắc Mỹ, nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ trung tâm trung chuyển nào ở Nam Á hoặc Đông Nam Á. TPHCM, nơi cảng kết nối tốt nhất Đông Nam Á với Bắc Mỹ chỉ có 19 dịch vụ một tuần.

Khoảng cách công suất giữa các cảng của Trung Quốc và các đối thủ sản xuất ở châu Á cho thấy chính sách đầu tư hạ tầng cảng mạnh mẽ trước đây đã giúp Trung Quốc thống trị hoạt động sản xuất của thế giới như thế nào. Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan, có trụ sở tại Thâm Quyến, từ năm 2016 đến năm 2021, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 40 tỉ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng cảng biển.

Khoản đầu tư đó tương đương với công suất xử lý 275 triệu container 20 ft ở các cảng của Trung Quốc vào năm ngoái. Con số này tương đương 80% công suất xử lý container hàng năm của tất cả các nước Nam Á và Đông Nam Á gộp lại.

Nhân lực dồi dào, hệ thống đường cao tốc và đường sắt thuận tiện, cũng như thị trường tiêu thụ rộng lớn khiến các công ty đa quốc gia khó rời bỏ quốc gia này.

Dịch viêm phổi bùng phát đang cho thấy cái giá phải trả cho sự phụ thuộc này lớn đến mức nào. Mỗi tuần các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, thương mại toàn cầu sẽ mất 26 tỷ USD, Ana Boata - Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô tại Euler Hermes cho biết trên NYT. Nikkei Asian Review cũng trích một nghiên cứu khác chỉ ra sản xuất tại Trung Quốc cứ giảm 10 tỷ USD, sản xuất tại phần còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD.

Báo cáo rủi ro thường niên được Eurasia Group công bố đầu tuần (tháng 1/2021) đánh giá Trung Quốc nổi lên là quốc gia dẫn dắt trong cuộc đua phát triển năng lượng và công nghệ sạch, bao gồm pin, năng lượng mặt trời và gió. Bắc Kinh đã "ghi điểm ngoại giao nhân dân" và tìm cách vượt Mỹ ở lĩnh vực phát triển xanh bằng cam kết mục tiêu trung lập carbon vào năm 2060.

Năm 2020 là nămTrung Quốc đặt ra mục tiêu: hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện và Kế hoạch năm năm lần thứ 13, tuy nhiên, Trung Quốc đã không tuyên bố và đặt ra nhiều tham vọng lớn.

3. Thách thức và những vấn đề đặt ra

Ngân hàng Thế giới cảnh báo tình trạng suy giảm của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu và thiết bị vào Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của rất nhiều nước, từ Úc tới Uruguay, tiêu thụ với khối lượng khổng lồ các mặt hàng quặng sắt, nông sản thực phẩm, năng lượng, nguyên liệu. Trung Quốc cũng nhập khẩu rất nhiều máy móc, thiết bị từ Đức và Nhật Bản, linh kiện để lắp ráp từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Trung Quốc phải mất 30 năm để trở thành "siêu cường sản xuất" do còn phụ thuộc các công nghệ bên ngoài. "Các năng lực cơ bản vẫn còn yếu, những công nghệ cốt lõi lại nằm trong tay người ngoài, nguy cơ bị đánh vào yết hầu và tuột xích đã tăng đáng kể", Miêu Vu, cựu bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết trong bài phát biểu tại hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (CPPCC) ngày 7/3/2021. Cựu bộ trưởng Miêu cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều của các ngành công nghiệp Trung Quốc vào những sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như chất bán dẫn đã tạo ra điểm yếu cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu này. Ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc đã đạt những thành tựu to lớn những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng “lớn nhưng không mạnh” và “toàn diện nhưng chưa đủ tốt” vẫn chưa được cải thiện. Cựu bộ trưởng Trung Quốc cũng liệt kê thêm những rào cản với sự phát triển của lĩnh vực sản xuất như áp lực thuế, thiếu người tài, công nghệ cao và cần tăng cường hỗ trợ tài chính lập tức.

Khoảng cách giàu nghèo và sức ép đối với môi trường ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong 1,4 tỷ người Hoa Lục, khoảng 100 triệu người có mức sống của Tây Âu, 400 triệu người no đủ, 900 triệu người nghèo khổ, trong đó có khoảng 80 triệu người nghèo đói thực sự .

Nền y tế Trung Quốc chỉ được đầu tư 5,5% GDP, xếp thứ 125/195 nước. (Cu ba xếp hạng 12/195, với 11%).

Dù là quán quân về năng lượng xanh, Trung Quốc vẫn "nghiện" than đá, theo Le Monde. Tháng 4/2023, tổ chức chuyên vận động về môi trường GreenPeace (Canada) cho biết quý I/2023, quốc gia này đã phê duyệt nhiều nhà máy nhiệt điện than mới (công suất 20,45 GW) gần bằng với cả năm 2021.

Theo báo cáo ngày 16/1/2021 của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc đã cắt giảm 27% mật độ bụi mịn PM2.5 và giảm tới 55% lượng dioxide lưu huỳnh trong không khí. CREA đánh giá đây là sự tiến độ vượt bậc của Trung Quốc trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, mức độ khí thải ozone lại tăng tới 11% trong cùng thời gian trên, bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống ô nhiễm. Theo nhận định của CREA, ozone cùng với NO2 có thể trở thành "rào cản" đối với Trung Quốc trong cuộc chiến này. Ozone và NO2 là hai loại khí khó kiểm soát bằng bộ lọc đó, do vậy, hai khí này là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn người chết sớm ở Trung Quốc mỗi năm.

Bốn thập kỷ qua, Trung Quốc kích thích kinh tế bằng cách đầu tư các nhà máy, nhà cao tầng và đường sá. Mô hình này tạo giai đoạn tăng trưởng thần kỳ, giúp họ thoát nghèo và biến nước này thành siêu cường về xuất khẩu toàn cầu.

Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc là nhờ nguồn đầu tư rất lớn vào hạ tầng và các nền tảng cứng, với số vốn lên tới 44% GDP hằng năm trong giai đoạn 2008-2021. Con số này trung bình toàn cầu là 25% và khoảng 20% ở Mỹ, theo WB.

Tổng nợ, bao gồm nợ của chính quyền các cấp và doanh nghiệp quốc doanh ở Trung Quốc đã đạt gần 300% GDP năm 2022, vượt qua mức của Mỹ là xấp xỉ 200%, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS). Phần lớn nợ là ở địa phương. 

Bị hạn chế không được vay mượn trực tiếp để tài trợ các dự án, các địa phương dùng nguồn vốn ngoài bảng cân đối (thủ thuật kế toán), dẫn tới các khoản nợ lên tới hơn 9.000 tỉ USD, theo IMF.

Ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo cấp cao nhận ra mô hình tăng trưởng quá khứ đã tới ngưỡng. Trong thông điệp với các lãnh đạo mới hồi năm ngoái - 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng đã qua thời dựa vào vay mượn để xây dựng nhằm mở rộng kinh tế. "Một số người nghĩ tăng trưởng nghĩa là đầu tư vào dự án và mở rộng đầu tư - ông Tập cảnh báo - Nhưng không thể đi con đường cũ bằng đôi giày mới được".

Thập kỷ mất mát của Nhật Bản được đặc trưng bởi giai đoạn giảm phát kéo dài, nền kinh tế trì trệ, thị trường bất động sản suy giảm và căng thẳng tài chính khi các hộ gia đình, doanh nghiệp và nhà nước cố gắng không thành công trong việc giảm nợ nần chồng chất. Với những gì đang xảy ra, nhìn lại bối cảnh của Nhật Bản thì khả năng Trung Quốc rơi vào tình cảnh tương tự là rất cao: Đầu tư quá mức và bong bóng bất động sản; Mất cân bằng tài chính; Già hóa dân số và tiềm năng tăng năng suất; Không gian thúc đẩy tăng trưởng.

Những gì đã xảy ra với Nhật Bản cũng như các nước khác ở mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc cùng với những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt cho thấy, những thách thức đang rất lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.Theo tờ New York Times, giới phân tích nhận định rằng cuộc khủng hoảng bất động sản đang đặt ra thách thức sâu sắc đối với Trung Quốc.

4. Bài học cho Việt Nam

Việt Nam có biên giới dài, rộng với một đất nước lớn gấp nhiều lần cả về diện tích (28,6 lần), dân số (15,2 lần), quy mô kinh tế tính theo sức mua tương đương (PPP) - 45 lần, GDP bình quân đầu người (2,3 lần), quy mô xuất khẩu (17,9 lần)... Không chỉ là nước láng giềng - nguồn nhập khẩu lớn nhất, Trung Quốc còn là quốc gia hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có những mối quan hệ sâu sắc nhất về lịch sử, văn hóa và chính trị với Việt Nam.

Những bài học về :

1. Xây dựng và phát triển các khu kinh tế đặc biệt ;

2. Thu hút FDI;

3. Khoa học công nghệ;

4. Phát triển nguồn nhân lực;

5. Phát triển chuỗi cung ứng; Logistics, Đường sắt, Cảng biển;

6. Văn minh sinh thái, Kinh tế xanh;

7. Phát triển thị trường bất động sản…;

là những kinh nghiệm rất bổ ích cho Việt Nam./.

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT