BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Tình hình hoạt động ngành Công thương tỉnh Đắk Nông 9 tháng và phương hướng nhiệm vụ cho những tháng cuối năm 2023

31/10/2023

 Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo số: 310 /BC-SCT của Sở Công thương Tỉnh Đắk Nông ngày 19 tháng 9 năm 2023, tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra tương đối ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tăng 5,27 % so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên sau tỉnh Kon Tum. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 4,16 %; công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 4,28 %; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,58 %; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,14 %.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng ước đạt 613.000m³, tăng 3,1%; cà phê bột ước đạt 1.430 tấn, tăng 5,5%; chế biến cà phê nhân ước đạt 217.000 tấn, tăng 0,5%; sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ… bằng gỗ ước đạt 57.954 sản phẩm, tăng 0,1%; hạt điều nhân ước đạt 2.883 tấn tăng 19,4%; mủ cao su ước đạt 8.220 tấn tăng 13,14%, ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự ước đạt 26.667m³, tăng 3,2%; bồn inox, bồn nhựa ước đạt 30.567 sản phẩm tăng 5,8%; điện thương phẩm ước đạt 609 triệu kWh, Điện sản xuất ước đạt 1676 triệu kwh, tăng 5,3%; nước máy ước đạt 3.316 nghìn m3, tăng 6,7 %; đá xẻ ốp lát ước đạt 605.000 m3 , tăng 12,4%...

Song ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao làm một số nhà máy không đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu để sản xuất, thị trường tiêu thụ giảm làm giảm sản lượng sản xuất như: sản phẩm và khí CO2 ước đạt 2.644 tấn, giảm 27,4%; cồn tinh luyện ước đạt 5.614 tấn, giảm 7,2%; đậu phộng, đậu nành sấy ước đạt 1.450 tấn, giảm 44,8%; tinh bột sắn ước đạt 20.830 tấn, giảm 3,5%; gạch xây dựng bằng đất sét nung ước đạt 32 triệu viên, giảm 8,6%; sản phẩm Alumin ước đạt 506 nghìn tấn, giảm 2,7%... Tuy nhiên so với 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Về phát triển thương mại

Thị trường nội địa:

Trong 9 tháng năm 2023, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; lượng hàng hóa phục vụ các ngày Lễ, Tết phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo chất lượng. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá cả hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng tăng/giảm đan xen theo tình hình trong nước và thế giới, một số dịch vụ ăn uống, lương thực thực phẩm có xu hướng tăng, tuy nhiên mức chênh lệch không đáng kể.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ước đạt 27.839,8 tỷ Đồng, đạt 84 % kế hoạch năm (Kế hoạch 21.241tỷ đồng ) và tăng 21,2 % so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Năm 2023, tình hình kinh tế thê giới còn nhiều khó khăn, thách thức, các hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu cắt giảm làm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp nhiều khó khăn về thị trường, cũng như các đơn hàng mới, sản phẩm alumin giảm công suất do việc khai thác quặng bô xít gặp nhiều khó khăn ở công tác đền bù và giải phóng mặt bằng chậm tiến độ (9 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu alumin đạt 196,4 Đô la Mỹ, trong khi 9 tháng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu alumin đạt 230,5 Đô la Mỹ). Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2023 dự kiến đạt 700,4 triệu đô la Mỹ, giảm 15,1 % so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 55% kế hoạch.

Nhập khẩu: 9 tháng đầu năm 2023, do nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng: Điều nguyên liệu, tiêu đen, hạt hạnh nhân, mắc ca, dẻ cười và các loại nông sản khác tăng nên kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 253,5 triệu Đô la Mỹ, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2022 vượt kế hoạch đề ra ( kế hoạch 250 triệu đô la Mỹ).

Về tình hình phát triển hạ tầng thương mại

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân, Ðắk Nông đang huy động nhiều nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng thương mại, góp phần thay đổi diện mạo thị trường và văn hoá tiêu dùng trong nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 01 Siêu thị hạng II tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại như của hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi...cùng 245 cửa hàng xăng dầu và trên 260 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng LPG đang hoạt động, được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn cho sản xuất và tiêu dùng. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, nhận thấy tiện ích và sức hút kinh doanh từ mô hình siêu thị mang lại, nhiều cửa hàng, tạp hóa trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và đổi mới hình thức kinh doanh theo mô hình siêu thị thu nhỏ, cửa hàng tiện lợi. Trong đó, hàng hóa được bày bán theo nhóm hàng, có niêm yết giá, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận mô hình thương mại văn minh, hiện đại. Cùng với hệ thống thương mại truyền thống, thời gian qua, các kênh mua sắm trực tuyến trên địa bàn tỉnh đang được đẩy mạnh. Xu hướng mua sắm mới này đang đưa người tiêu dùng đến với nhiều lựa chọn hấp dẫn, đa dạng về cả sản phẩm và dịch vụ.

Về khuyến công và xúc tiến thương mại

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2023 đã được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện là 6.698,6 là triệu đồng. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.440 triệu đồng, kinh phí huy động từ cơ sở công nghiệp nông thôn là 3.258,6 triệu đồng, để thực hiện 04 đề án. Cụ thể, 01 đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản cho 04 cơ sở; 01 đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung cho 02 cơ sở; 01 đề án tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, năm 2023 tại tỉnh Đắk Nông; 01 đề án tổ chức Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông.

Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện là 3.645 triệu đồng để thực hiện 07 đề án, trong đó, kinh phí ngân sách địa phương đề nghị hỗ trợ là 1.800 triệu đồng, kinh phí huy động từ cơ sở công nghiệp nông thôn là 1.845 triệu đồng. Hiện tại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo đúng tiến độ được phê duyệt.

Thời gian qua, nguồn kinh phí khuyến công đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể, khi các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kệm điện, bảo vệ sinh môi trường sinh thái, giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Từ nguồn vốn khuyến công, tỉnh Đắk Nông đã rất quan tâm tới hoạt động sản xuất, chế biến của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đây là cách để tỉnh nâng cao chất lượng những sản phẩm thế mạnh như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca, trái cây…Cùng với đó, Đắk Nông cũng sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho phát triển sản xuất, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,các cơ sở sản xuất nông sản còn được tỉnh hỗ trợ tích cực các cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối cung cầu để quảng bá đưa các sản phẩm đến nhanh với thị trường. Từ đó giúp tăng cường năng lực sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn, giá thành tốt hơn cho người dân.

Đánh giá chung:

Trong 9 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp - hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng; Ủy ban nhân dân Tỉnh và các Sở ngành đã luôn quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án, nguồn nguyên liệu đều được kịp thời giải quyết để duy trì và ổn định sản xuất cho Nhà máy alu min Nhân Cơ; nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông... Cung cầu hàng hóa trong tỉnh được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch tăng cao; hoạt động xúc tiến thương mại bắt đầu đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường mối quan hệ ngoại giao, hợp tác phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt chương trình hợp Đắk Nông, Việt Nam và tỉnh Mondulkiri thuộc Campuchia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Đa phần các doanh nghiệp công nghiệp của địa phương vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, việc đầu tư, năng lực cạnh tranh thấp. Tình hình triển khai xây dựng một số phương án như các dự án điện gió, điện mặt trời, dự án điện phân nhôm còn gặp khó khăn, chậm tiến độ do còn vướng các cơ chế chính sách.

Tỉnh Đắk Nông có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp nên việc kêu gọi đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế; Hạ tầng thương mại chưa hình thành được nhiều mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logictics, chưa thu hút được các nhà đầu tư các chợ tại các khu vực vùng sâu vùng xa. Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại đã được quan tâm tăng cường, đổi mới. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện còn khá ít so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, do đó chưa thu hút được đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào chương trình.

Thời gian qua, tốc độ phát triển dân cư tại các khu vực nông thôn nhanh; do vậy, hạ tầng mới điện nông thôn chưa thể đáp ứng kịp, nhiều khu vực lưới điện chưa đảm bảo an toàn, chất lượng về điện năng, nhiều thôn buôn đã đưa vào danh mục đầu tư thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia nhưng đến nay chưa được đầu tư do chưa bố trí được vốn ảnh hưởng đến việc sử dụng điện của nhân dân cũng như phát triển kinh tế xã hội tại các vùng nông thôn.

Một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ do nằm trong vùng quy hoạch bô xít.

Nhiệm vụ còn lại cho những tháng cuối năm 2023

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Chủ động nắm bắt tình hình, tiếp cận và tích cực hỗ trợ các dự án của các doanh nghiệp dự kiến đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm 2023. 

- Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và yêu cầu thực tiễn để tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư Nhà máy alumin Nhân cơ, Nhà máy điện phân nhôm, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Chú trọng theo dõi, nắm bắt kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong doanh nghiệp.

- Tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch và tổ chức Hội nghị ngành công thương và các Hội nghị, Hội chợ cấp tỉnh, thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông.

- Tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện kết luận số 31- KL/TW ngày 07tháng 03 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp bô xít - alu min - nhôm giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

- Phối hợp với các Sở ngành, địa phương liên quan báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc Đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Rà soát tình hình hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp.

- Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị.

- Tiếp tục xem xét xử lý các nội dung liên quan đầu tư xây dựng các công trình năng lượng; an toàn hồ đập thủy điện. Phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc đầu tư lưới điện tại các khu, cụm dân cư chưa có điện; sử dụng điện tạm bợ chưa đảm bảo an toàn. Triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống phân phối trên thị trường; Đề án “ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông năm 2023; Kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước năm 2023.

- Thường xuyên nắm tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp điều tiết khi cần thiết nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công và xúc tiến thương mại năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện hoàn thành chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm điện và hiệu quả năm 2023.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Sở Công thương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hành chính; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính./.

                                                                   Đinh Thị Bích Liên

                                                  Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT