Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "Khảo sát, đánh giá và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số khu công nghiệp; đề xuất chính sách thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp" Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương ban hành công văn số 686/CLCT-MTBV ngày 05/9/2023 gửi Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng phối hợp, hỗ trợ triển khai nhiệm vụ trên. Thời gian thực hiện từ ngày 15/9/2023 đến ngày 21/9/2023.
Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã ban hành Thông báo số 2086/TB-BQL ngày 13/9/2023 gửi các đơn vị liên quan và đầu mối làm việc với đoàn công tác. Cụ thể, tham gia buổi làm việc gồm có: (1) Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đại diện bà Đoàn Thị Ngọc Thủy - Trưởng phòng và ông Ngô Văn Minh chuyên viên phòng Quản lý Môi trường, Khoa học - Công nghệ và Ươm tạo; (2) công ty phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp; công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng và (3) đại diện các doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh như: công ty CP Secoin Đà Nẵng, công ty CP đầu tư sản xuất năng lượng xanh, công ty CP cơ điện lạnh Searee, công ty TNHH Lâm sản Việt Lang, công ty TNHH giấy Thành Công II, công ty TNHH bao bì Tân Long, công ty CP Hifill, công ty CP in và dịch vụ Đà Nẵng.
1. Nội dung làm việc
(1) Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng
- Hiện trạng chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN áp dụng KTTH tại địa phương;
- Lồng ghép KTTH trong phương hướng và phương án hệ thống KCN;
- Các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy thành lập mới, chuyển đổi KCN áp dụng KTTH.
(2) Công ty phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp và công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng
- Thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm liên kết và nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh;
- Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;
- Thu gom, lưu trữ tái sử dụng nước mưa, nước thải;
- Hoạt động cộng sinh công nghiệp.
(3) Doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh
- Sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường;
- Tối ưu hoá sử dụng thiết bị, sản phẩm;
- Tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu;
- Kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm gồm: tái sử dụng, tu sửa, tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích sử dụng;
- Tái chế chất thải và hoạt động thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.
2. Kết quả
Đại diện Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng: thông tin năm 2016 đã băt đầu tham gia dự án KCN sinh thái và chương trình sản xuất sạch hơn. Hiện Ban đang tiếp tục tham gia giai đoạn 2 của dự án tiến hành tập huấn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 mô hình cộng sinh công nghiệp.
Đại diện công ty phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp và công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng: việc xây dựng quy hoạch trước đây không có tiêu chí, mô hình KTTH chỉ phù hợp áp dụng cho các KCN mới và cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích và lộ trình cụ thể, đặc biệt là tiếp cận tài chính từ Quỹ bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh: đối với doanh nghiệp đã tham gia chương trình sản xuất sạch hơn đều mang lại hiệu quả thiết thực và đang tiếp tục được duy trì. Liên quan đến áp dụng kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp đã nêu các khó khăn vướng mắc gồm có: (1) thủ tục hành chính về lắp đặt điện mặt trời; (2) giấy phép môi trường; (3) thủ tục và cơ chế vay Quỹ bảo vệ môi trường.
3. Đề xuất, kiến nghị
- Để thúc đẩy áp dụng KTTH trong KCN cần xem xét tháo gỡ các quy định của pháp luật về xây dựng, điện lực, bảo vệ môi trường và PCCC.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế vay vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường.
- Ban hành bộ tiêu chí theo hướng đơn giản, phù hợp kèm theo chính sách hỗ trợ, ưu tiên và ưu đãi đặc thù.
- Đoàn công tác sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí trong các đợt khảo sát tiếp theo./.
Chủ nhiệm nhiệm vụ: Ths. Phạm Hồng Hiệp
Phòng Môi trường và phát triển bền vững - VIOIT