Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội tháng 8 của tỉnh Quảng Ninh vẫn có những kết quả tích cực, thể hiện qua các số liệu cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài như sau:
Về sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 năm 2023 tăng 8,67%, trong đó, ngành khai khoáng tăng 7,1%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,3%, điện sản xuất tăng 13,1%, điện thương phẩm tăng 6%, cung cấp nước sạch tăng 4,7% so với tháng 8 năm 2022.
Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng 7,43% với 15/21 ngành có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngành khai khoáng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh bằng 95,12%; Riêng ngành than tăng 7,1%, mặc dù là nguồn tài nguyên có hạn, nhưng trước nhu cầu tiêu thụ than trong nước tiếp tục tăng cao, nhất là trong những tháng cao điểm tiêu thụ điện, hầu hết các mỏ hầm lò và lộ thiên đang sản xuất tăng thêm khoảng 500.000 tấn than/tháng so với kế hoạch đề ra. Nhờ đó, sản lượng than cấp cho các hộ sản xuất điện đang được đảm bảo và vượt so với kế hoạch. Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,13%... Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế tỉnh đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương với mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp là 12,99%.
Về thương mại dịch vụ:
Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh loại hình thương mại dịch vụ truyền thống, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát triển ngày càng mạnh mẽ. Doanh số thương mại điện tử nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Trong tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với tháng 8 năm 2022; trong đó: thương mại bán lẻ tăng 16,8%; lưu trú ăn uống tăng 37%; du lịch lữ hành tăng 114,9%; doanh thu dịch vụ khác tăng 13,1%. Tính chung, 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1%; trong đó, thương mại bán lẻ tăng 14,4%; doanh thu từ các dịch vụ khác tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại điện tử do (FTA) với Việt Nam, qua đó, giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Nhìn chung, trong 8 tháng năm 2023, tình hình giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, không có biến động bất thường, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản được kiểm soát, trong địa bàn nội địa tình trạng mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả hàng không rõ ngồn gốc xuất xứ không phát sinh, hình thành điểm nóng.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa
Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, 8 tháng năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc với những tín hiệu khả quan, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tăng cao. Lũy kế 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 1,993 tỷ USD, tăng 13,8%; ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,068 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Có được kết quả trên là do từ đầu năm tới nay, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, để từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả khởi sắc trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hoạt động mạnh mẽ trở lại, đóng góp chung cho phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh vẫn còn hạn chế, tồn tại, như việc phát triển một số ngành kinh tế biển và phát triển một số khu kinh tế, khu công nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; tốc độ phát triển mới các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao còn chậm, chưa có đột phá. Nhiều công trình giao thông động lực, chiến lược đều chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn của tỉnh thấp nhất trong những năm gần đây. Sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn.
Về thu hút vồn đầu tư nước ngoài
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Quảng Ninh những tháng đầu năm nay là kết quả thu hút vốn đầu tư. Đáng chú ý, phần nhiều dự án FDI đầu tư ở Quảng Ninh là các "dự án thế hệ mới" - công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, sử dụng ít tài nguyên theo đúng mục tiêu mà tỉnh đề ra… Theo dự ước đến hết tháng 8 năm 2023, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 846,63 triệu USD , đạt 70,6% kế hoạch năm 2023.
Điển hình là dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai (Thị Xã Quảng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm, qua đó góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn xây dựng 2 nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại Khu công nghiệp Sông Khoai, Thị Xã Quảng Yên. Hai dự án này dự kiến giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương, đồng thời nâng số dự án của Tập đoàn tại Quảng Ninh lên 3 dự án với tổng số vốn trên 300 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam). Điều đáng nói hai dự án trên được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ là 14 ngày làm việc so với quy định.
Cũng tại khu công nghiệp Sông Khoai, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và Công ty TNHH Castem Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất (45 năm) để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, với trị giá gần 19 triệu USD. Đây là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai. Cùng với đó, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6ha. Tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Thị xã Quảng Yên- tỉnh Quảng Ninh), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam đã khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD). Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021 nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) - cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD). Dự án này đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn tại Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar. Khi đi vào hoạt động chính thức dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Để có được kết quả đó, trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Quảng Ninh không chạy theo số lượng, mà chọn chất lượng. Quan điểm của tỉnh là tiếp tục thực hiện các phương thức xúc tiến đầu tư truyền thống, nhưng để tăng hiệu quả thì phải nâng tầm quy mô các sự kiện và thể hiện được sự trọng thị của tỉnh. Bởi vậy, thay vì chờ nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực, tập trung tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, công trình cấp điện, nước đến vị trí các dự án; đến chân hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo lợi thế trong thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN theo quy hoạch. Trong đó, tổ chức các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc, rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án trong KCN, KKT, trong đó đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, GPMB, đơn giá thuê đất, thủ tục đất đai, cấp mỏ đất, nhu cầu sử dụng điện, kết nối hạ tầng dự án,... để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN. Các địa phương, sở, ngành thường xuyên quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp đã được thành lập như: Cụm công nghiệp Tràng An, Cụm công nghiệp Phương Nam, Cụm công nghiệp Đông Mai, Cụm công nghiệp Vân Đồn... khẩn trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm đi vào hoạt động. Công tác hỗ trợ thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc được giải quyết nhanh chóng thông qua Tổ Investor Care - hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và các tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án... Tỉnh cũng đã sớm ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án Thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh. Cụ thể, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Đồng thời xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu và uy tín như Tập đoàn Lite-On Technology tới từ Đài Loan (Trung Quốc), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đoàn Doanh nghiệp Điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn Adani và Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam.
Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về GPMB, đất đai, đầu tư, xây dựng. Hơn nữa, quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn nhiều, đáp ứng được nhu cầu xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, giá thuê cũng cạnh tranh so với một số địa phương lân cận như Hải Dương, Hải Phòng. Hiện tại, Quảng Ninh có khoảng 548,61ha đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê; đến năm 2025, dự kiến có 3.658ha và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.904ha.
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,2 tỷ vốn FDI. Với những gì đã thực hiện trong 8 tháng đầu năm cũng như những tiềm năng, lợi thế mà tỉnh đang có, chắc chắn mục tiêu cả năm là hoàn toàn có thể đạt được.
Một số nhiệm vụ và giải pháp cho những tháng cuối năm 2023
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm phấn đấu tăng trên 11%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm đạt 54.000 tỷ đồng, thu hút FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh gắn với chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”.
Trong đó lưu ý một số nội dung: Hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trong thời gian sớm nhất, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 15/9/2023. Tập trung đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy chủ đầu tư các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.
Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; phát huy tối đa vai trò, tài sản, nguồn lực của ngành than, điện trên địa bàn đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, nhất là FDI chất lượng cao, thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc (bao gồm thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước); kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau đầu tư.
Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính.
Khẩn trương hoàn thiện các đồ án Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch phân khu; đẩy nhanh công tác đền bù, GPMB, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư các dự án trong năm 2023, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trong công tác GPMB và tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án. Đồng thời tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, tìm các giải pháp giữ chân người lao động hiện đang làm việc tại tỉnh…
Tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn... để thu hút khách du lịch, phát triển thương mại, dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nắm bắt nhu cầu của khách hàng hiện nay và chiều hướng phát triển trong thời gian tới.
Tăng cường sự tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Tỉnh cũng cần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao tuyên truyền phổ biến pháp luật thương mại điện tử và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, như tiếp cận vốn, logistics, hạ tầng, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu
Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, giá, an toàn thực phẩm…
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn qua các hình thức: chủ động tiếp xúc, đồng hành cùng doanh nghiệp, trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp và các bên liên quan để lắng nghe, tiếp thu ý kiến và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu, chính quyển địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới, tạo điều kiện cho hàng hóa XNK thông quan nhanh chóng, thuận lợi, thông suốt.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đồng hành cùng doanh nghiệp; tập trung: Thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tập trung rà soát đề xuất các phương án hủy bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện của doanh nghiệp
Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI, PCI, các chỉ số PAR INDEX, SIPAS năm 2023./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT