BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Tình hình sản xuất công nghiệp, đầu tư phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 8 tháng năm 2023

12/09/2023

Theo Báo cáo số 466/BC-CTK ngày 26 tháng 8 năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình sản xuất công nghiệp và đầu tư phát triển doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 8 và 8 tháng năm 2023 như sau:

1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 5,29% so với tháng trước và tăng 0,09% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 0,76%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,01%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,41%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,51%. Theo ngành kinh tế cấp II, trong tháng có 14/25 ngành có chỉ số sản xuất trong tháng giảm, trong đó giảm sâu nhất là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, giảm 44,20%, do trong tháng tình hình thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án; người dân hạn chế việc khởi công xây mới/sửa chữa nhà ở và các công trình tác động tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành.

Chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng năm 2023 so với cùng kỳ (%)


Tính chung 8 tháng đầu năm, ước tính IIP toàn ngành công nghiệp của Vĩnh Phúc giảm 2,17% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp duy trì hoạt động sản xuất ổn định và có có IIP tăng so với cùng kỳ năm trước: Ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 10,53%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, trừ máy móc, thiết bị tăng 15,24%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,96%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,59%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 39,94%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 30,04%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có IIP giảm so với cùng kỳ do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất giảm: Ngành dệt giảm 17,69%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,74%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 16,28%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 22,94%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 28,12%; sản xuất xe có động cơ giảm 34,25%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 12,30%.

Sản lượng sản xuất một số sản phẩm: Tháng 8/2023, ngoài doanh thu linh kiện điện tử tăng so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm chủ yếu còn lại đều giảm; trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gạch ốp lát với mức giảm 44,20%. Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng thức ăn gia súc, giày thể thao, gạch ốp lát, xe ô tô các loại, xe máy các loại giảm so với cùng kỳ, riêng doanh thu linh kiện điện tử tăng.

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 8 và 8 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Sản phẩm

Đơn vị tính

Sản lượng

Tốc độ tăng (+)/giảm (-) so với cùng kỳ (%)

Tháng 8/2023

8 tháng năm 2023

Tháng 8/2023

8 tháng năm 2023

1.Thức ăn gia súc

Tấn

22.000

176.982

-7,55

-9,20

2. Giày thể thao

Nghìn đôi

871

7.563

-30,17

-17,74

3. Gạch ốp lát

Nghìn m2

5.960,8

57.161,3

-44,20

-28,12

4. Xe ô tô các loại

Chiếc

2.897

24.708

-0,70

-34,52

5. Xe máy các loại

Chiếc

123.521

1.031.296

-7,49

-10,37

6. Doanh thu các dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử

Tỷ đồng

20.085,1

141.164,5

+8,12

+8,96

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng 8/2023tăng 1,99% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ. Chia theo loại hình doanh nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,31%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 2,13% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,85% so với cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạotháng 8/2023ước giảm 0,04% so với tháng trước và tăng 0,46% so với cùng kỳ. So với tháng trước, 10 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tiêu thụ tăng, một số ngành có mức tăng khá là: Ngành dệt tăng 4,52%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,69%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,75%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 5,70%. 08 ngành còn lại có chỉ số tiêu thụ giảm, giảm mạnh nhất là ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu với mức giảm lần lượt là 16,37% và 29,83%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Tháng 8/2023, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,33% so với tháng trước và tăng 16,46% so với cùng kỳ. So với tháng trước, có 06 ngành có chỉ số tồn kho giảm, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm đáng kể là: ngành sản xuất xe có động cơ giảm 45,20%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 18,99%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 18,14%.

2. Đầu tư và phát triển doanh nghiệp

2.1. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước

Tháng 8/2023, dự kiến tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 939,21 tỷ đồng, tăng 7,36% so với tháng trước, tăng 27,99% so với tháng cùng kỳ năm trước, bằng 8,69% kế hoạch giao. Tăng đều ở cả 3 khu vực: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 549,1 tỷ đồng, tăng 8,61%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 280,88 tỷ đồng, tăng 4,28%, vốn ngân sách cấp xã đạt 109,23 tỷ đồng, tăng 9,36% so với tháng trước. Như vậy, hai tháng đầu quý III tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện đạt 16,79% vốn kế hoạch giao, cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự quyết tâm của các Sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình, đặc biệt là từ quý III/2023 nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo đà tích cực rõ nét cho 6 tháng cuối năm 2023.

Tính chung 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.868,12 tỷ đồng, tăng 19,57%, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch vượt trội hơn so với cùng kỳ năm là 45,06% kế hoạch giao (cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt 41,72% kế hoạch).

Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cao nhất là các công trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) với 194,67 tỷ đồng, hoàn thành 49,16% kế hoạch giao. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.379,9 tỷ đồng, tăng 9,17%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 1.939 tỷ đồng, tăng 21,97%, vốn ngân sách cấp xã đạt 549,21 tỷ đồng, tăng 82,15% so với cùng kỳ năm trước.

2.2. Thu hút đầu tư trực tiếp

Tính từ 16/7-15/8/2023 tỉnh đã thu hút  mới và điều chỉnh tăng vốn cho 03 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 566,35 tỷ đồng và 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 27,51 triệu USD. Cùng với việc tập trung đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp từ trong và ngoài nước cũng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/8/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 18 dự án DDI (09 dự án cấp mới, 09 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 12,21 nghìn tỷ đồng, tăng 24,64%, tăng mạnh ở các dự án điều chỉnh tăng vốn đăng ký với 8,47 nghìn tỷ đồng tăng thêm, tăng 461,79% so với cùng kỳ năm trước. Tập trung chủ yếu ở ngành dịch vụ với 6,53 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, chiếm 53,74%; ngành công nghiệp là 5,68 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,26% tổng vốn đăng ký.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 51 dự án (20 dự án cấp mới, 31 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 468,27 triệu USD, tăng 67,06% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu tư FDI với 49/51 dự án. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn luôn là 2 nhà đầu tư chiến lược, tin cậy và gắn bó lâu dài với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, cụ thể: Nhật Bản đầu tư 101,68 triệu USD (cho 06 dự án) chiếm 21,71%; Hàn Quốc đầu tư 90,19 triệu USD (cho 23 dự án) chiếm 19,26% tổng vốn FDI đăng ký.

Từ Quỳnh Châu

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT