Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Quyết định số 300/QĐ-BCT ngày 17 tháng 2 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Viện CLCT) thành lập đoàn công tác triển khai nhiệm vụ được giao.
1. Mục đích
Hoàn thiện chính sách góp phần thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp (KCN).
2. Yêu cầu
- Đánh giá thực trạng, tiềm năng áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong các KCN;
- Xây dựng tiêu chí và đề xuất mô hình KTTH KCN theo tiêu chí lựa chọn để áp dụng thí điểm;
- Đề xuất chính sách áp dụng KTTH trong KCN.
3. Thời gian thực hiện
Gồm 3 đợt khảo sát, trong đó đợt 1 bắt đầu từ ngày 20/8 đến 31/8/2023.
4. Đối tượng, phạm vi
Ban quản lý KCN, khu kinh tế; nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và doanh nghiệp trong KCN. Phạm vi khảo sát đợt 1: Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ và Đồng Nai.
5. Nội dung
5.1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
- Hiện trạng chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN áp dụng KTTH tại địa phương;
- Lồng ghép KTTH trong phương hướng và phương án hệ thống KCN;
- Các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy thành lập mới, chuyển đổi KCN áp dụng KTTH.
5.2. Nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN
- Thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm liên kết và nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh;
- Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;
- Thu gom, lưu trữ tái sử dụng nước mưa, nước thải;
- Hoạt động cộng sinh công nghiệp.
5.3. Doanh nghiệp trong KCN
- Sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường;
- Tối ưu hoá sử dụng thiết bị, sản phẩm;
- Tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu;
- Kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm gồm: tái sử dụng, tu sửa, tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích sử dụng;
- Tái chế chất thải và hoạt động thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.


Đoàn công tác làm việc tại một số đơn vị và doanh nghiệp
6. Phương pháp thực hiện
Viện CLCT gửi công văn nội dung khảo sát và chương trình làm việc tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và tiến hành khảo sát phỏng vấn, trao đổi trực tiếp và ghi thông tin phỏng vấn.
7. Kết quả khảo sát
- Thành phố Hồ Chí Minh: đoàn làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh; công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước và 05 doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước.
- Thành phố Cần Thơ: đoàn làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ; công ty cổ phần xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ và 06 doanh nghiệp trong KCN Trà Nóc 1 và 2.
- Tỉnh Đồng Nai: đoàn làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai; công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và 06 doanh nghiệp trong KCN Amata.
8. Nhận xét chung
Ban quản lý KCN, khu kinh tế: Lãnh đạo Ban quản lý KCN, khu kinh tế và bộ phận chuyên môn đều cho rằng việc áp dụng KTTH là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống đang tồn tại, tránh lệ thuộc quá mức vào nguồn nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất, thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu thụ bền vững. Tuy nhiên, mặc dù khái niệm “KTTH” đã được đề cập tại Điều 142 Luật BVMT 2020 và Điều 138 Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng trên thực tế chưa có KCN chủ động triển khai áp dụng do thiếu tiêu chí, chính sách sách hỗ trợ, ưu tiên và ưu đãi.
Nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN: đa số nhà đầu tư cho rằng việc chuyển đổi mô hình KCN hiện hữu áp dụng KTTH là không khả thi, chỉ hiệu quả đối với các KCN thành lập mới.
Doanh nghiệp trong KCN: mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thời kỳ hậu Covid-19 như cắt giảm lao động, hoạt động chỉ đạt 50-70% công suất. Tuy nhiên, trước đó nhiều doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hướng tới KTTH như tiết kiệm năng lượng, tái chế, tái sử dụng chất thải và áp dụng sản xuất sạch hơn.
9. Đề xuất, kiến nghị
- Để thúc đẩy áp dụng KTTH trong KCN cần xem xét, áp dụng cơ chế thí điểm tạm thời nhằm tháo gỡ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, điện lực, bảo vệ môi trường và PCCC.
- Xây dựng lộ trình thực hiện để các bên liên quan có kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực tham gia.
- Đối với hoạt động tái chế chất thải: xây dựng quy chuẩn thu hồi năng lượng từ thiêu đốt chất thải, quy chuẩn tái sử dụng nước thải sau xử lý.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí có tính khả thi kèm theo chính sách hỗ trợ, ưu tiên và ưu đãi đặc thù trong các đợt khảo sát tiếp theo./.
Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Phạm Hồng Hiệp
Phòng Môi trường và phát triển bền vững - VIOIT