"Đối thoại VIOIT" là một diễn đàn không chính thức hàng tháng, nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam, dưới sự áp dụng nghiêm ngặt "Quy tắc Chatham House", do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương Việt Nam (VIOIT) khởi xướng vào tháng 10 năm 2021. VIOIT tìm cách mở rộng mạng lưới quốc tế và trong nước với các chuyên gia bên ngoài để hiểu rõ hơn những quan điểm sâu rộng hơn về các vấn đề khác nhau của ngành công nghiệp và thương mại mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Buổi Đối thoại VIOIT Dialogue số 23 “Việt Nam cần làm thế nào để thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII)” đã được diễn ra vào 14h00 chiều ngày 22 tháng 08 năm 2023 qua hai hình thức: trực tiếp tại trụ sở Viện số 17 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và hình thức online qua zoom. Buổi đối thoại do Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương chủ trì và ông Ayumi Konishi - Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố cấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) đồng chủ trì điều hành tham luận.
Tới dự chương trình còn có ông Jeffrey Ball, Giảng viên, Trường Luật Stanford; Trung tâm Chính sách Năng lượng và Tài chính Steyer - Taylor, Đại học Stanford diễn giả chính; ông Trần Trung Đức - Chuyên viên Vụ Kinh tế Công nghiệp, Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hoàng Đăng Khoa - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; TS. Đặng Việt Hùng - Phó trưởng khoa Kỹ thuật điện. – Đại học Điện Lực; ông Nguyễn Thế Văn - Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; ông Trịnh Quốc Hưng - Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; bà Phùng Giang - ISC Paris Bussiness School; cùng lãnh đạo các phòng ban, các cán bộ nghiên cứu quan tâm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế đã yêu thích, gắn bó với Chương trình VIOIT Dialogue của Viện trong thời gian qua.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương phát biểu tại buổi Đối thoại
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội đã gửi lời nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các diễn giả đã đến với phiên Đối thoại VIOIT lần thứ 23. Quy hoạch phát triển điện lực VIII (PDP8), hay “Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2023 theo Quyết định số 500/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng PDP8 không hề dễ dàng - phải mất gần 3 năm với độ trễ hơn 2 năm so với mục tiêu ban đầu và với 12 dự thảo có nhiều thảo luận ở các cấp độ khác nhau tại nhiều diễn đàn. PDP8 cân nhắc cẩn thận nhu cầu của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời hiện thực hóa cam kết toàn cầu nhằm đạt được “không phát thải ròng” vào năm 2050.
PDP8 đề cập cụ thể đến sự hợp tác của Việt Nam với các đối tác quốc tế, bao gồm thông qua Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). PDP8 cũng giả định sự tồn tại của các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng quan tâm đến việc đầu tư vào các tài sản trong ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Đâu sẽ là chìa khóa để Việt Nam nhận được hỗ trợ quốc tế hiệu quả trong việc thực hiện PDP8?
Buổi Đối thoại đã nhận được nhiều bài tham luận, bao gồm: “Phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO2 khi thực hiện Quy hoạch điện VIII (PDP8)” (TS. Trần Thị Thu Hiền - Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại) ; “Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện lực nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII” (Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường); “Mục tiêu, phương án phát triển điện trong Quy hoạch điện VIII, những khó khăn và thách thức” (Phòng Nghiên cứu Công nghiệp và Năng lượng); “Những hạn chế, bất cập trong thực trạng phát triển công nghiệp gây ảnh hưởng đến hiệu quả quy hoạch năng lượng” (Phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại); “Tổng quan các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam và đóng góp của các ngành này đối với nền kinh tế” (Trung tâm Tham vấn WTO và FTAs). Trong thời lượng chương trình, ông Nguyễn Đức Tùng- đại diện cho Phòng Nghiên cứu Công nghiệp và Năng lượng trình bày bài tham luận “Mục tiêu, phương án phát triển điện trong Quy hoạch Điện VIII, những khó khăn và thách thức”.
Xoay quanh các chủ đề thảo luận trên, buổi Đối thoại đã nhận đươc rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài Viện, với nội dung xoay quanh: (i) điểm mạnh và điểm yếu của PDP8; (ii) các ưu tiên và trở ngại cần giải quyết để đảm bảo thực hiện hiệu quả PDP8 đặc biệt trong giai đoạn 2023-2030; (iii) hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm hỗ trợ song phương và đa phương cũng như khu vực tư nhân; và (iv) tầm nhìn phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam đến năm 2050.
Qua đó, ban tổ chức chương trình đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tham luận, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp đến các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi đối thoại:
Tin bài và ảnh: Ngô Mai Hương, Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT