4. Một số kiến nghị đối với Nhà nước, bộ/ngành
4.1. Kiến nghị đối với Nhà nước
Thứ nhất, tận dụng việc thực hiện các FTA thế hệ mới trên cơ sở tăng cường công tác ngoại giao, thúc đẩy việc đàm phán để được các nước thành viên trong các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết và công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là điểm rất quan trọng để Việt Nam được đối xử công bằng hơn và vượt qua được những rủi ro liên quan đến các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế (kiện tụng trong các biện pháp phòng vệ thương mại, trợ cấp…) và không phải chịu quy chế giám sát đặc biệt về thực thể kinh tế độc lập không phụ thuộc vào nhà nước mà các nước đang bị coi là có nền kinh tế phi thị trường phải chịu.
Thứ hai, trong ngắn hạn, Chính phủ cần có những chủ trương, những giải pháp và công cụ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu có được sự sẵn sàng cao để có thể ngay lập tức khai thác những lợi ích xuất phát từ sự chênh lệch trong trình độ để phát triển giữa Việt Nam và các nước thành viên trong các FTA, sự khác biệt về lợi thế so sánh và tính bổ sung trong thương mại để từ đó dần thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và các nước FTA nói riêng, với thế giới nói chung. Trong dài hạn, Việt Nam cần bắt đầu có những bước đi tận dụng các FTA để gia tăng nhập khẩu và đầu tư từ các nước thành viên này để từng bước thúc đẩy thương mại nội ngành. Để làm được điều đó, Việt Nam cần thúc đẩy nhập khẩu các công nghệ nguồn và máy móc thiết bị cũng như thu hút FDI từ các quốc gia thành viên trong các FTA để hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong chuỗi giá trị máy móc thiết bị toàn cầu, từ gia công lắp ráp trở thành các trung tâm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như Malaysia và Thái Lan. Điều đó không chỉ giúp Việt Nam gia tăng XK sang các thị trường này mà còn góp phần đổi mới sản xuất theo hướng hiện đại hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu về máy móc thiết bị và tạo sự phát triển bền vững, dài hạn trong thương mại với các quốc gia này.
Thứ ba, khi hàng rào thuế quan được xoá bỏ theo cam kết trong thực thi các FTA, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các Bộ/ngành nghiên cứu, xây dựng các chính sách, biện pháp kỹ thuật hợp lý, đảm bảo phù hợp với cam kết trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới và của chính các nước thành viên trong các FTA này. Theo đó:
- Tăng cường hỗ trợ cho Văn phòng TBT trong việc thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận với các quốc gia đối tác FTA nhằm làm rõ hơn các phạm vi và mức độ hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia này trong việc giúp Việt Nam nâng cao năng lực đáp ứng các rào cản kỹ thuật, từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể và phổ biến đến doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các hỗ trợ kỹ thuật này. Bên cạnh đó, để giảm chi phí đối với việc tuân thủ các biện pháp TBT và SPS của các thị trường này, Việt Nam cần chủ động đàm phán và ký kết các thoả thuận công nhận chung và thoả thuận tương đương theo ngành với các nước trong UKVFTA, CPTPP và EVFTA, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản hoặc với những ngành XK lớn của Việt Nam như: dệt may, giày dép và máy móc thiết bị.
- Chỉ đạo các Bộ/ngành trong việc xây dựng kế hoạch để thông báo cho doanh nghiệp về việc thiết lập "Danh sách các doanh nghiệp XK đáp ứng yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh XK sang thị trường các nước thành viên trong các FTA mà không phải qua khâu thanh tra doanh nghiệp" theo đúng cam kết FTA, từ đó giúp các doanh nghiệp sớm có chiến lược để đáp ứng các điều kiện TBT, SPS tạo thuận lợi cho tiếp cận và phát triển thị trường XK.
- Với các mặt hàng liên quan đến hạn ngạch, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ/ngành tăng cường công tác đàm phán và thống nhất sớm với các nước về cơ chế cấp hạn ngạch, đặc biệt là cho một số sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản để doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch lâu dài trong XK.
- Chỉ đạo các Bộ/ngành tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý và quản lý, kiểm soát các cam kết liên quan đến SHTT (GI); hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình tổ chức quản lý phù hợp với đặc trưng, điều kiện của sản phẩm địa phương và cam kết trong các FTA thế hệ mới.
Hiện nay, xét ở cấp độ quốc gia, Việt Nam vẫn đang thiếu một cơ sở pháp lý chung trong quản lý GI, mô hình tổ chức quản lý GI của Việt Nam không đồng nhất. Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quản lý GI ở cấp độ trung ương mà các quy định, quy chế về GI lại do các địa phương ban hành. Ở mỗi địa phương, cách thức thực hiện và quản lý cũng khác nhau, cơ quan ban hành các quy định GI cũng không thống nhất. Hình thành nhóm làm việc về GI với các quốc gia thành viên trong các FTA để triển khai thực hiện các công việc liên quan đến GI như: trao đổi thông tin pháp luật và chính sách về chỉ dẫn địa lý, chuẩn bị các kiến nghị để sửa đổi phụ lục nếu cần. Theo đó cần:
+ Chỉ đạo các địa phương tập trung vào những sản phẩm được bảo hộ mà Việt Nam có tiềm năng XK sang các nước thành viên FTA như rau quả (vải, thanh long, hồng, bưởi, xoài) và thuỷ sản.
+ Chỉ đạo các Bộ/ngành, địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao hiểu biết và thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng GI trên thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hưởng các ưu đãi của các FTA.
- Quy tắc xuất xứ (RoO) là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ các FTA này. Do vậy, Chính phủ cần:
+ Tăng cường chỉ đạo các Bộ/ngành và địa phương thực hiện quản lý tốt và hiệu quả RoO nhằm hỗ trợ doanh nghiệp XK đáp ứng được các yêu cầu của quy định RoO. Đây là bài học từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện khi hàng dệt may của Việt Nam đã không được hưởng lợi như kỳ vọng từ AKFTA, VKFTA, AANZFTA hay VJEPA… do Việt Nam chưa tận dụng tốt được các quy định về quy tắc xuất xứ.
+ Chỉ đạo các Bộ/ngành đẩy mạnh việc ban hành các văn bản chính sách, hướng dẫn để giúp triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm các hỗ trợ kỹ thuật từ các quốc gia thành viên trong các FTA trong việc xây dựng cơ chế này.
+ Chỉ đạo các Bộ/ngành và địa phương tăng cường hoạt động truyền thông để doanh nghiệp hiểu được rõ hơn lợi ích của việc đáp ứng RoO để không chỉ hưởng ưu đãi khi XK sang các thị trường này, mà còn XK sang mạng lưới thị trường rộng lớn trên khắp thế giới.
Thứ tư, để có thể khai thác được tốt nhất lợi ích tiềm tàng của các FTA, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ/ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng được những ưu đãi về xoá bỏ thuế và đặc biệt là các hỗ trợ kỹ thuật của các nước thành viên FTA dành cho Việt Nam trong những lĩnh vực Việt Nam còn yếu như cải cách doanh nghiệp, phát triển thương mại bền vững, môi trường, lao động, SPSs, TBTs:
- Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể tận dụng được cơ hội di chuyển lao động tự do hơn giữa Việt Nam và các nước thành viên trong các FTA thế hệ mới.
- Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch đổi mới thể chế vào những lĩnh vực mà các quốc gia trong các FTA thế hệ mới yêu cầu cao như cải cách doanh nghiệp nhà nước, SPSs và môi trường. Đặc biệt, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước cần được ưu tiên đặc biệt vì đây là lĩnh vực mà CPTPP , EVFTA và UKVFTA rất chú trọng và kỳ vọng Việt Nam có những đổi mới thật sự.
- Chỉ đạo thực hiện loại bỏ những ưu tiên, hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn; đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế.
Thứ năm, Cần tận dụng đặc điểm số lượng thành viên và quy mô lớn của khu vực CPTPP, EVFTA trên cơ sở tiếp tục thúc đẩy thương mại với các nước đối tác chủ chốt, bên cạnh đó cần tìm hiểu, tận dụng để khai thác tốt hơn các thị trường ngách tiềm năng khác.
4.2. Kiến nghị đối với các bộ/ngành/địa phương
* Đối với Bộ Công Thương
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc rà soát, công nhận ngang bằng về tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam với các nước và thế giới.
- Tăng cường vai trò của Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Quản lý Cạnh tranh về xử lý các vụ việc phát sinh trong: Thương mại hàng hóa, dịch vụ, điện tử; Đầu tư; Quy tắc xuất xứ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Thuận lợi hóa hải quan; Hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT); Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Mua sắm công; Phát triển bền vững; Thể chế và Pháp lý…
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục Phòng vệ Thương mại trong việc thực hiện cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; Hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng…
- Chủ trì nghiên cứu, tiến tới xây dựng và trình Chính phủ ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược thương mại ngành hàng và chiến lược hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương, khu vực và đa phương một cách hiệu quả.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành hữu quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện các giải pháp về tài chính, tín dụng, tiền tệ, tỷ giá cho xuất nhập khẩu.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành/địa phương xây dựng, ban hành các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn môi trường... phù hợp với các cam kết quốc tế .
- Chỉ đạo Thương vụ và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đấy XK các mặt hàng chủ lực, mở rộng thị trường, tập trung khai thác lợi thế XK của Việt Nam trong quá trình thực thi các FTA thế hệ mới.
- Tích cực chỉ đạo triển khai đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Kịp thời xây dựng hành lang pháp lý, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, phù hợp với quy định của các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên.
- Chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến và giảng dạy về quy tắc xuất xứ, kết hợp linh hoạt đàm phán bộ quy tắc xuất xứ phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam; nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp C/O, ứng dụng hình thức cấp C/O qua internet… nhằm giúp các nhà XK Việt Nam tích cực, chủ động sử dụng C/O để tăng cao tính cạnh tranh của hàng hóa và tận dụng được ưu đãi FTA.
- Đẩy mạnh công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại và đầu tư đối với các thị trường FTA và hàng hóa XK, đặc biệt là vai trò của hệ thống Thương vụ tại nước ngoài; Xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam; nâng cao năng lực cập nhật và vượt qua các rào cản kỹ thuật, kịp thời xử lý các tranh chấp phát sinh; tổ chức các sự kiện, diễn đàn xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư theo ngành/hàng/thị trường; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện tốt vai trò thông tin về thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng hóa XNK...
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ/ngành, địa phương thực hiện các chính sách nhằm phát triển thị trường XK cho hàng nông, lâm, thủy sản khi tham gia FTA.
- Tổ chức lại sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các khu sản xuất nông sản lớn, tập trung, ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các chuỗi cung ứng hàng nông lâm thủy sản Việt Nam kết nối, hội nhập trong chuỗi cung ứng nông sản khu vực, toàn cầu.
- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn các mặt hàng nông lâm thủy sản tiên tiến, hài hòa với khu vực và quốc tế.
- Chủ động có đối sách phù hợp với các chính sách bảo hộ thương mại của nước ngoài đối với hàng nông, lâm, thủy sản XK của Việt Nam.
- Phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng chủ lực, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường XK. Nghiên cứu, nhập khẩu và chuyển giao các công nghệ cao trong nông nghiệp thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.
- Nâng cấp hệ thống thông tin, dự báo sản xuất và thị trường, hệ thống kho tàng, phương tiện cất giữ và bảo vệ sau thu hoạch, cơ sở thương mại và cung ứng vật tư, cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật.
- Tăng cường năng lực hoạch định chính sách về kiểm dịch và kiểm soát an toàn thực phẩm.Phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các bộ/ngành hữu quan xây dựng một cơ quan đầu mối quốc gia kiểm soát những vấn đề dịch tễ cũng như chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Hỗ trợ nhà sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản đáp ứng các quy chuẩn của thị trường quốc tế. Nâng cao chất lượng các phòng thí nghiệm và hiện đại hóa các phương pháp thí nghiệm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Khuyến khích nâng cấp phương pháp và trang thiết bị thí nghiệm để đáp ứng chuẩn mực hiện đại quốc tế (ví dụ ISO hoặc các tổ chức tiêu chuẩn quốc gia) nhằm đảm bảo tính chính xác, kịp thời, độc lập và công bằng của kết quả thí nghiệm; Tiếp tục các cuộc đối thoại về phòng thí nghiệm và công tác thí nghiệm với các cơ quan chức năng, đặc biệt là liên quan đến việc thực hiện các cam kết TBT, SPS trong các FTA thế hệ mới.
- Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Ban điều phối một số ngành hàng nông sản XK chủ lực. Mời các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến thương mại, chuyên gia của các nước nhập khẩu sang giúp nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa theo qui chuẩn chất lượng mà họ yêu cầu.
* Bộ Tài chính
- Cân đối và bố trí vốn để thực hiện các Đề án, Chương trình phát triển sản xuất hàng XK, sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu.
- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phục vụ XK.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và minh bạch chính sách thuế, hải quan.
* Bộ Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng biển và phát triển các loại hình dịch vụ logistics.
- Tăng cường thu hút vốn đầu tư chất lượng cao từ nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài, bổ sung nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đang khó khăn.
* Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành sản xuất hàng XK.
- Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và trình chính phủ phê chuẩn dự án Luật Lao động và hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam nhằm đảm bảo phù hợp với cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới. Đó là việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và đổi mới hệ thống quan hệ lao động phù hợp với Tuyên bố 1998 của ILO và việc phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại của ILO - Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức.
* Bộ Ngoại giao
- Chủ trì, theo dõi sát sao các diễn biến chính trị, an ninh, kinh tế trong khu vực và trên thế giới, tình hình quan hệ đối ngoại của Việt Nam nhằm dự báo và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác FTA; chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách của các nước đối tác FTA và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
- Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, tổ chức các hội nghị, sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao, du lịch, giới thiệu, quảng bá về hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nhằm tạo môi trường chính trị ngoại giao thuận lợi phục vụ các lợi ích kinh tế.
- Triển khai nhiều biện pháp phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin như: cập nhật về thông tin kinh tế thế giới, cơ hội hợp tác đầu tư, cảnh báo nguy cơ tranh chấp kinh tế - thương mại, giới thiệu, thẩm định đối tác, thị trường tiềm năng...
- Chủ động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường ở nước ngoài. Cải tiến, nâng cao hiệu quả các hoạt động gặp gỡ Ngoại giao đoàn, gặp gỡ Đại sứ, các diễn đàn doanh nghiệp... để bám sát hơn nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp.
- Theo sát diễn biến, cùng các Bộ, ngành liên quan phối hợp đấu tranh chính trị - ngoại giao, hỗ trợ xử lý kịp thời các tranh chấp thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài…
* Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các luật và chính sách về đầu tư, kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới.
- Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính phủ phê duyệt chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó định hướng ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, công nghệ sáng tạo, thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
- Phối hợp với Bộ Công Thương để lồng ghép các kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thực hiện hiệu quả FTA thế hệ mới.
- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm định hướng và thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất hàng XK, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh để phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
* Bộ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hoàn thiện các quy chế về kiểm tra chất lượng; Chủ trì, phối hợp xây dựng và đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ hình thành các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm R&D và các khu công nghệ cao quốc gia, các biện pháp chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường...
- Chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành liên quan tăng cường tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin khoa học công nghệ quốc tế để phục vụ phổ cập, ứng dụng trong nước cho sản xuất hàng XK chất lượng tốt.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, vận dụng các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nước, phù hợp với trình độ và định hướng phát triển công nghệ của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
* Ngân hàng nhà nước
- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối doanh nghiệp tại các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
* Bộ Thông tin và truyền thông
- Nâng cao hiệu quả quản lý XK thuộc các lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
- Tập hợp, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ về các thị trường xuất nhập khẩu, chú trọng tại các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á
* Các Bộ, ngành khác
Các Bộ quản lý các ngành kinh tế, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, cần rà soát và xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động của Bộ, ngành và phối, kết hợp, hợp tác với các bộ ban ngành hữu quan nhằm thực thi các FTA thế hệ mới, phát triển thị trường xuất nhập khẩu.
* UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo các ban, ngành của địa phương xây dựng và phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, biện pháp, chính sách phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường XNK bền vững để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường khi tham gia FTA thế hệ mới.
- Chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương, căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương ban hành Kế hoạch hành động của địa phương mình; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương xây dựng và phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện quy hoạch, đề án, chương trình phát triển sản xuất và đẩy mạnh XK sản phẩm của địa phương.
5. Một số kiến nghị đối với hiệp hội, doanh nghiệp
5.1. Kiến nghị với hiệp hội
- Tư vấn và phản biện chính sách của Chính phủ trong việc hoạch định các chiến lược quốc gia tham gia FTA thế hệ mới, phát triển thị trường XK.
- Tăng cường phổ biến thông tin về cam kết FTA thế hệ mới, về sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng, quy tắc xuất xứ, quy định về lao động, môi trường, chính sách, pháp luật của các nước thành viên... cho doanh nghiệp hội viên; Cung cấp thông tin về thị trường FTA thế hệ mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, kỹ năng, xúc tiến tham gia các liên kết giữa các bên tham gia FTA thế hệ mới, đặc biệt là việc tiếp thị thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp tới các thị trường FTA;
- Triển khai mạnh mẽ các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, các rào cản thương mại của các thị trường XK… Cung cấp dịch vụ nghiên cứu khảo sát, điều tra thị trường, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường; Cung cấp chuyên gia tư vấn trong các lĩnh vực như: luật pháp, thuế, tài chính, kỹ thuật, lao động, môi trường và hướng dẫn các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước thành viên FTA về chất lượng, an toàn, về TBT, SPS, tiêu chuẩn lao động, môi trường trong sản xuất, kinh doanh…
- Phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ, những kinh nghiệm về tổ chức quản lý kinh doanh tiên tiến của các doanh nghiệp thành công trên thế giới.Triển khai mạnh mẽ các chương trình huấn luyện và đào tạo cho doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tăng cường cung cấp dịch vụ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ tư vấn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định về lao động, công đoàn, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp…
- Phối hợp tốt với các cơ quan công quyền khác để thực hiện các chiến lược tham gia FTA thế hệ mới, đại diện cho doanh nghiệp thành viên có tiếng nói chính thức với Chính phủ về những nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp trong tham gia FTA thế hệ mới.
5.2. Kiến nghị với doanh nghiệp
- Tiếp cận và cập nhật thông tin, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn bị nguồn cung cấp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt.
- Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm,xác lập các liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
- Doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt các chương về đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa và chương về quy tắc xuất xứ.
- Tăng cường trao đổi, kết nối, liên doanh, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp các nước thành viên FTA nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển khi tham gia FTA thế hệ mới.
- Trước mắt cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất và XK, chú trọng vào các nhóm ngành hàng có lợi thế so sánh và cơ hội chuyên môn hoá XK sang các thị trường FTA thế hệ mới, đặc biệt là các nhóm hàng có tiềm năng gia tăng XK lớn nhất gồm: thiết bị điện tử; giày, dép, mũ; hàng dệt may; hàng thủ công mỹ nghệ...
- Về dài hạn, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm và tăng tốc tỷ lệ nội địa hoá để tận dụng được cơ hội trong XK các mặt hàng trên từ các FTA so với các đối thủ cạnh tranh lớn như: Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ... nhưng những nước này lại chưa ký kết FTA với các nước trong CPTPP hay EVFTA…
- Chủ động tìm hiểu kỹ các yêu cầu về TBTs và RoO đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu về các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường FTA, đặc biệt là chống bán phá giá để có thể vượt qua các rào cản phi thuế quan.
- Tăng cường đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn được thị trường các nước thành viên trong các FTA thế hệ mới công nhận để thúc đẩy XK hàng hóa.
- Để tận dụng được lợi ích từ thương mại nội ngành theo chiều dọc trong nhóm ngành: Phương tiện và thiết bị vận tải; máy móc thiết bị và điện tử… các doanh nghiệp trong các nhóm ngành trên cần có chiến lược đón đầu liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp đối tác CPTPP, EU và UKVFTA để thu hút đầu tư,mở rộng sản xuất, học hỏi kinh nghiệm.
- Để phát triển thương mại liên ngành theo chiều ngang, yếu tố chủ chốt là các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hoá các sản phẩm, đi đôi với đó là nâng cao chất lượng các sản phẩm trong nhóm ngành như: Thực phẩm chế biến; đồ uống, thuốc lá; Động vật sống và các sản phẩm từ động vật... Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tập trung khai thác lợi thế về các loại hoa quả nhiệt đới để XK các sản phẩm chế biến sang các nước và có thể nhập khẩu các sản phẩm chế biến hoa quả ôn đới để gia tăng tính đa dạng sản phẩm trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Với nhóm động vật sống, cần thúc đẩy XK thuỷ sản trong khi có những nỗ lực chuẩn bị cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là với sản phẩm thịt bò, thịt gà, thịt lợn để có thể hội nhập nhanh.
-Phải quan tâm đến việc tìm hiểu, nghiên cứu, và cập nhật các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là TBTs, SPSs, RoO, chống bán phá giá và SHTT của các nước thành viên CPTPP, EVFTA, UKVFTA liên quan đến ngành sản phẩm của doanh nghiệp mình để không chỉ vượt qua, mà còn tận dụng được các cơ hội mới từ các cam kết phi thuế quan.
- Tập trung đầu tư vào R&D, đầu tư vào nguồn lực con người thông qua hợp tác với các doanh nghiệp các nước nước thành viên trong các FTA mà Việt Nam tham gia và tận dụng các nguồn hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm sẵn có trong nước như "Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam", "Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia", "Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia", "Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia"... Đặc biệt, với các doanh nghiệp nông nghiệp, tập trung đầu tư vào các mặt hàng được các nước thành viên FTA công nhận GI để tranh thủ lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường để tăng khả năng XK các mặt hàng nông sản vẫn được coi là nhạy cảm sang các thị trường này.
- Tìm hiểu các biện pháp can thiệp thương mại của thị trường các nước trong các FTA bị đánh giá là có thể gây ra tác hại lớn cho các nước đối tác, đặc biệt là phòng vệ thương mại để tránh nguy cơ bị kiện khi XK của Việt Nam sang các thị trường này gia tăng.
- Nâng cao trách nhiệm trên cơ sở tham gia góp ý vào quá trình xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp theo ngành để Việt Nam không chỉ có được những tiêu chuẩn phù hợp với cam kết, mà còn phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp trong nước.
- Đối với thị trường XK, cần tiếp tục giữ vững XK sang các thị trường các nước thành viên CPTTP trong ASEAN, Hà Lan, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ. Các thị trường gồm: Mehico, Thụy Điển, Malta, Latvia, Cypus và Slovenia là các thị trường ngách nên doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu để tận dụng được cơ hội dù là nhỏ nhất từ CPTPP và EVFTA để thúc đẩy XK.
Doanh nghiệp đang tập trung vào thị trường Anh cần xem xét cơ cấu hàng XK để tận dụng được tốt hơn các ưu đãi từ FTA này.
-Hình thành, đổi mới, nâng cao chất lượng chiến lược quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, lấy tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của các MNC/TNCs làm cơ sở và mục tiêu để thực hiện quản trị doanh nghiệp.
-Lựa chọn, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với từng thị trường đối tác FTA như tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, tổ chức sự kiện, các chương trình test sản phẩm, kết hợp quảng bá sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp qua các sự kiện văn hóa, thể thao, quảng bá du lịch...
KẾT LUẬN
Chúng ta đang ở giai đoạn đặt nền móng đầu tiên cho ngôi nhà Việt Nam tương lai. Nỗ lực xây dựng nền móng của Việt Nam sẽ là chỉ báo quan trọng cho thấy Việt Nam sẽ xây dựng một ngôi nhà ở tầm vóc nào và sẽ đi được bao xa trong hành trình đưa đất nước tiến tới kỷ niệm 100 năm độc lập vào ngày 2/9/2045. “Va đập lớn” thường sẽ có rạn nứt, thậm chí đổ vỡ, nhưng cũng sẽ là cơ hội để những ai đủ sức chịu đựng, vượt qua được sức ép đó vươn lên. Liệu Việt Nam có thể vượt qua sức ép để nắm lấy cơ hội từ “cuộc va đập lớn” đó ?
Sách chuyên khảo:“Hiệp định thương mại tự do và những tác động tới kinh tế Việt Nam” đã hệ thống hóa, làm sáng tỏ khái niệm FTA, phân biệt FTA thế hệ mới và FTA truyền thống.Đã tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng phát triển xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA.Từ đó đánh giá tác động của việc thực thi các FTA,chỉ ra các kết quả, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở phân tích dự báo các yếu tố trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến xuất khẩu trong bối cảnh triển khai và thực thi các FTA thế hệ mới trong những năm vừa qua, đã đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới.
Cuốn sách cũng góp phần xác lập cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) cho việc xây dựng và điều chỉnh chiến lược, chính sách phát triển xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA mới, đóng góp cho việc phát triển thêm cơ sở lý luận về hội nhập kinh tế quốc tế, về các FTA thế hệ mới. Đồng thời, là tài liệu tham khảo tốt giúp các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các ngành kinh tế trong việc hoạch định chính sách phát triển thị trường, làm căn cứ khoa học để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chiến lược xuất khẩu và hình thành chiến lược tham gia FTA thế hệ mới của Việt Nam thời gian tới.Là tài liệu hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu để tiếp cận thị trường xuất khẩu, cho các hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ, kết nối và phổ biến những cam kết, những tác động của các FTA thế hệ mới để doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn những cơ hội có được và hạn chế được các thách thức từ việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới.Đồng thời cuốn sách còn là tài liệu tham khảo tốt cho các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và các tổ chức, cá nhân quan tâm ở cả trong và ngoài nước, từ những vấn đề về học thuật tới thực tiễn phát triển thị trường XK hàng hóa của Việt Nam khi tham gia FTA thế hệ mới.
Đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, không lệ thuộc vào thể chế chính trị, sẽ không thể có kinh tế thị trường nếu không tiến hành tự do hoá thương mại. Đây là một trong những đặc trưng chủ yếu và cũng là nội dung quan trọng nhất của việc vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Với việc từng bước thực hiện những quá trình mang tính qui luật của bước chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, với tự do hoá giá cả và thương mại hoá nền kinh tế là khâu trung tâm đột phá, cùng với việc thực thi các FTA, có thể nói chúng ta đang có thời cơ và vận hội để rút ngắn con đường phát triển của mình mà lịch sử thế giới đã phải trải qua hàng trăm năm mới có.
“Va đập lớn” sẽ có rạn nứt, thậm chí đổ vỡ,nhưng cũng sẽ là cơ hội để vượt lên với những ai đủ sức chịu đựng, vượt qua được sức ép đó. Cơ hội lớn nhất sẽ dành cho những người sáng tạo nhất, không chấp nhận phương thức cũ, vượt lên trên lối mòn tư duy để tạo ra những động lực đưa cả đất nước tiến lên!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
1. Bộ Công Thương, Báo cáo tổng kết 2015-2022.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2005 - 2015 với các nước thành viên TPP, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
3. Trần Tuấn Anh, đề tài Cấp Nhà nước mã số ĐTĐL.XH.07/16, “Luận cứ khoa học phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới”.
4. Nguyễn Đình Cung, Trần Toàn Thắng (2017), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
5.Vũ Thanh Hương (2017),Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Tác động đối với thương mại giữa hai bên và hàm ý cho Việt Nam, Luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6.Thời báo Kinh tế Sài Gòn 2017-2020
7.Niên giám Thống kê 2011-2021
8.Niên giám Thống kê Hải quan 2011-2021
9. Đoàn Thị Hồng Vân, Kim Ngọc Tuấn (2014), Chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu - Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam, Sách chuyên khảo Kinh tế và Quản lý chuỗi cung ứng, NXB Lao động xã hội.
10. Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
11.Lương Hoàng Thái (2018), Quá trình và kết quả đàm phán, Hội thảo "Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Tài liệu tiếng Anh
12.Agricualture and Agri Food Canada (2016), Sector Trend Analysis - Japan: The Fish and Seafood Trade, Canada.
13.Trade Map (2018), Trade statistics for international business development.
14.United States International Trade Commission (2016), Trans-Pacific Partnership Agreement: Likely Impact on the U.S. Economy and on Specific Industry Sectors.
15.The World Trade Organization (2018), Recent developments in Regional Trade Agreement
Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
TS. Nguyễn Thanh Bình
Học viện Ngân hàng