1. Xuất khẩu
1.1. Tình hình chung:
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm 2023 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 7 năm 2022; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 7 tháng đầu năm 2023 đạt 29,13 tỷ USD, song do xuất khẩu các tháng đầu năm giảm sâu nên tổng giá tri xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vẫn giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 13,2%; giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%; giá trị xuất khẩu muối đạt 2,7 triệu USD, giảm 11,2%.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, châu Á (thị phần 48,3%), châu Mỹ (thị phần 22,4%), và châu Âu (thị phần 11,3%), là các khu vực tiêu thụ nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hai khu vực còn lại gồm châu Phi (chiếm 2%) và châu Đại Dương (chiếm 1,4%) có thị phần tương đối nhỏ. Ước tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tới khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; và châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,4%, giảm 29,3%; và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ trọng 7,6%, giảm 6,9%.
1.2. Xuất khẩu một số mặt hàng chính
- Cà phê:
Xuất khẩu cà phê tháng 7 năm 2023 ước đạt 80 nghìn tấn với giá trị đạt 371 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,09 triệu tấn và 2,76 tỷ USD, giảm 6% về khối lượng nhưng tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.540 USD/tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đức, Italia và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 với thị phần lần lượt là 11,7%, 8,4%, và 7,5%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất là Inđônêxia (gấp 2,6 lần), thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất là Bỉ (giảm 48,4%).
- Cao su:
Xuất khẩu cao su tháng 7 năm 2023 ước đạt 250 nghìn tấn với giá trị đạt 329 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,02 triệu tấn và 1,38 tỷ USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2023 ước đạt 1.357 USD/tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 74,3%, 6% và 3%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cao su giảm ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ thị trường Hà Lan (tăng 11,4%).
- Chè:
Khối lượng xuất khẩu chè tháng 7 năm 2023 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 18 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm 2023 đạt 58 nghìn tấn và 99 triệu USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 19,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá chè xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.703 USD/tấn, giảm 3,8% so với năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Pakixtan (thị phần 42,8%), Đài Loan (thị phần 12,1%), và Nga (thị phần 7,4%) là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu chè tăng mạnh nhất ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 15 lần) và giảm mạnh nhất ở thị trường Ucraina (giảm 56,7%).
- Gạo:
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị 326 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023 đạt 4,84 triệu tấn và 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về khối lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Philippin là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 38%, đạt gần 1,7 triệu tấn và 857,7 triệu USD, tăng 4,6% về khối lượng và tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Inđônêxia (gấp 15 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 25,3%).
- Rau quả:
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 7 năm 2023 ước đạt 550 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2023 đạt 3,23 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 65,8% thị phần, đạt giá trị 1,76 tỷ USD. Trong nhóm 15 thị trường lớn nhất, Trung Quốc cũng là thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất (tăng gấp 2,2 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất là Thái Lan (giảm 24,3%).
- Hạt điều:
Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 55 nghìn tấn với giá trị 311 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu hạt điều 7 tháng đầu năm 2023 đạt 334 nghìn tấn và 1,95 tỷ USD, tăng 13,1% về khối lượng và tăng 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.819 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 26,4%, 15,8% và 9,5%. Giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc (tăng 43,7%) và giảm mạnh nhất ở thị trường Israen (giảm 26,7%).
- Hạt tiêu:
Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 16 nghìn tấn với giá trị 59 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm 2023 đạt 169 nghìn tấn và 542 triệu USD, tăng 18,6% về khối lượng nhưng giảm 15,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.214 USD/tấn, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ba thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất và Đức với tổng thị phần là 30,2%. Giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 66,2%) và giảm mạnh nhất ở thị trường Hàn Quốc (giảm 57,6%).
- Sắn và các sản phẩm từ sắn:
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 7 năm 2023 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị 95 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,7 triệu tấn và 689 triệu USD, giảm 11,6% về khối lượng và giảm 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 405 USD/tấn, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 88% thị phần, giảm 15,1% về khối lượng và giảm 23,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
- Sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 7 năm 2023 ước đạt 45 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2023 đạt 276 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 76 triệu USD, tăng 18,7%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 80 triệu USD, tăng 36,5%.
- Thuỷ sản:
Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 năm 2023 ước đạt 800 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2023 đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm 49,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm ở hầu hết các thị trường chính, trong đó giảm mạnh nhất ở thị trường Canađa (giảm 60,4%). Hồng Kông là thị trường duy nhất có tiêu thụ thủy sản Việt Nam tăng trưởng (giá trị tăng 3,1%).
- Gỗ và sản phẩm gỗ:
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tháng 7 năm 2023 ước đạt 1,15 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm 2023 đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tổng thị phần 79%. Thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Ấn Độ (gấp 3,2 lần). Thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Đức (giảm 57,6%).
2. Nhập khẩu
2.1. Tình hình chung
Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm 2022 ước đạt 3,79 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản 7 tháng đầu năm 2023 đạt 23,25 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 14,18 tỷ USD, giảm 11,8%; giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 2,01 tỷ USD, giảm 8,6%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản đạt 1,52 tỷ USD, giảm 1,2%; giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 1,31 tỷ USD, giảm 31,1%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 4,21 tỷ USD, giảm 9,2%; giá trị nhập khẩu muối đạt 25 triệu USD, tăng 22,8%.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu nông lâm thủy sản nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (thị phần 29,8%) và châu Mỹ (thị phần 23%). Các khu vực còn lại gồm châu Đại Dương (chiếm 7,1%); châu Âu (chiếm 4,2%) và châu Phi (chiếm 3,9%) có thị phần tương đối nhỏ. Ước giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam từ khu vực châu Á đạt 6,94 tỷ USD, giảm 17,7%; châu Mỹ đạt 5,34 tỷ USD, giảm 19,3%; châu Đại Dương đạt 1,65 tỷ USD, tăng 11,5%; châu Âu đạt 981 triệu USD, giảm 9,6%; châu Phi đạt 907 triệu USD, tăng 4,7%.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Braxin là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Giá trị nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 9,1% (giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2022); Trung Quốc chiếm 7,6% (giảm 19,9%) và Braxin chiếm 7,5% (giảm 13,1%).
2.2. Nhập khẩu một số mặt hàng chính và thị trường
- Đậu tương:
Khối lượng nhập khẩu đậu tương tháng 7 năm 2023 ước đạt 40 nghìn tấn với giá trị ước đạt 27 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,16 triệu tấn và 755 triệu USD, giảm 5,8% về khối lượng và giảm 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá đậu tương nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 652 USD/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoa Kỳ, Braxin và Canađa là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 với tổng thị phần là 94,5%. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu đậu tương của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ tăng 32%; Canađa tăng 28,4%. Ngược lại, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Braxin giảm 23,7%.
- Lúa mì:
Ước nhập khẩu lúa mì tháng 7 năm 2023 đạt 400 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 134 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì 7 tháng đầu năm 2023 đạt 2,88 triệu tấn và 1,03 tỷ USD, tăng 11,3% về khối lượng và tăng 5,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá lúa mì nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 356 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu lúa mì chính của Việt Nam là từ các thị trường: Ôxtrâylia (chiếm tỷ trọng 70,4%), Braxin (10,7%) và Hoa Kỳ (7,9%). So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu lúa mì của Việt Nam từ Ôxtrâylia tăng 11,6%; Hoa Kỳ tăng 46,7%, trong khi nhập khẩu từ Braxin giảm 14,9%.
- Ngô:
Khối lượng ngô nhập khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 480 nghìn tấn với giá trị đạt 146 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 7 tháng đầu năm 2023 đạt 4,19 triệu tấn và 1,38 tỷ USD, giảm 18,5% về khối lượng và giảm 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá ngô nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 329 USD/tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Braxin, Áchentina và Ấn Độ với tổng thị phần chiếm 91,1%. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu ngô từ Braxin gấp 4,1 lần, Ấn Độ tăng 45,2%, trong khi nhập khẩu từ Áchentina giảm 63,5%.
- Hạt điều:
Khối lượng hạt điều nhập khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 350 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 386 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,71 triệu tấn và 2,11 tỷ USD, tăng 25,6% về khối lượng và tăng 6,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá hạt điều nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.235 USD/tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Campuchia, Bờ Biển Ngà và Gana là 3 thị trường cung cấp hạt điều chính cho Việt Nam với tổng thị phần là 71,7%. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu hạt điều từ Campuchia giảm 21,6%; trong khi nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà tăng 24,3% và nhập khẩu từ Gana tăng 79,3%.
- Cao su:
Khối lượng nhập khẩu cao su tháng 7 năm 2023 ước đạt 150 nghìn tấn với giá trị ước đạt 187 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2023 đạt 879 nghìn tấn và 1,18 tỷ USD, giảm 32,2% về khối lượng và giảm 39,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá cao su nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.338 USD/tấn, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Campuchia (chiếm 35% thị phần), Trung Quốc (12,4%) và Hàn Quốc (11,8%) là 3 thị trường cung cấp cao su chính cho Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu cao su Việt Nam từ 3 thị trường này đều giảm, mức giảm lần lượt là: 57,5%, 17,2% và 40,6%.
- Rau quả:
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7 năm 2023 đạt 200 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu hàng rau quả 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 35,1%), Hoa Kỳ (16,5%) và Ôxtrâylia (8,4%) là 3 thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm 2023 từ Hoa Kỳ tăng 1,1%. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc giảm 0,8% và Ôxtrâylia giảm 8,9%.
- Sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 7 năm 2023 ước đạt 332 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2023 đạt 2,01 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 732 triệu USD, giảm 9,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 752 triệu USD, giảm 4,8%.
- Thủy sản:
Tổng giá trị nhập khẩu hàng thủy sản tháng 7 năm 2023 ước đạt 250 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu hàng thủy sản 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,52 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,9%), Na Uy (10,7%) và Trung Quốc (8,4%). So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ Ấn Độ tăng 16,4%, Na Uy tăng 13,4%, trong khi giá trị nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc giảm 2,8%.
- Gỗ và sản phẩm gỗ:
Giá trị nhập khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 220 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,26 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, 31,7% trong tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc, 11,7% từ Hoa Kỳ và 5,3% từ Thái Lan. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ Trung Quốc giảm 42,8%, Hoa Kỳ giảm 18,8% và Thái Lan giảm 24,1%.
- Phân bón các loại:
Khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 7 năm 2023 ước đạt 380 nghìn tấn và 102 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón các loại 7 tháng đầu năm 2023 đạt 2,08 triệu tấn và 691 triệu USD, tăng 6,7% về khối lượng nhưng giảm 24,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá phân bón các loại nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 332 USD/tấn, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu phân bón các loại chủ yếu từ thị trường Trung Quốc (tỷ trọng chiếm 46,5%), Lào (7,2%), và Hàn Quốc (6,4%). So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc giảm 20,9%, Lào giảm 7,1% và Hàn Quốc giảm 29,5%.
- Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Giá trị nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 7 năm 2023 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 7 tháng đầu năm 2023 đạt 3,04 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Áchentina (chiếm 25,4% thị phần), Ấn Độ (15,1%) và Hoa Kỳ (14,7%). So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ Áchentina giảm 20,9%, trong khi giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 2,1 lần và nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng 6,4%.
- Thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu tháng 7 năm 2023 ước đạt 70 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu 7 tháng đầu năm 2023 đạt 476 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 49,4%, giá trị nhập khẩu giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu từ các thị trường lớn tiếp theo là thị trường Ấn Độ (giảm 14,7%) và Đức (tăng 14,5%).
3. Cán cân thương mại nông, lâm, thủy sản
Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt thặng dư 5,88 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là các nhóm hàng có cán cân thương mại 7 tháng đầu năm 2023 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 6,48 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022; nhóm thủy sản thặng dư 3,43 tỷ USD, giảm 32,7%; nhóm nông sản thặng dư 804 triệu USD, tăng 128,3%. Trong khi đó, cán cân thương mại các nhóm còn lại đều ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 3,08 tỷ USD, giảm 1,5%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 1,73 tỷ USD, giảm 12,5%; muối thâm hụt 22 triệu USD (tăng 28,9%).
Xét theo mặt hàng cụ thể, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại ước tính 7 tháng đầu năm 2023 cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (thặng dư 5,95 tỷ USD, giảm 24,7%); cà phê (thặng dư 2,67 tỷ USD, tăng 4,9%); hàng rau quả (thặng dư 2,14 tỷ USD, tăng 2,5 lần); gạo (thặng dư 2,09 tỷ USD, tăng 32,5%); tôm (thặng dư 1,57 tỷ USD, giảm 32,1%).
5 mặt hàng có thâm hụt thương mại ước tính 7 tháng đầu năm 2023 cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu (thâm hụt 2,37 tỷ USD, giảm 2,5%); bông các loại (thâm hụt 1,69 tỷ USD, giảm 20,7%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt (thâm hụt 1,68 tỷ USD, tăng 12,2%); ngô (thâm hụt 1,34 tỷ USD, giảm 26,1%); lúa mì (thâm hụt 1,01 tỷ USD, tăng 4,7%).
Trương Thị Quỳnh Vân
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT