BỘ CÔNG THƯƠNG
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG

Nghiệm thu cấp Viện nhiệm vụ “Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với hoạt động du lịch biển đảo”

13/12/2022

Ngày 8 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở số 17 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức hội thảo nghiệm thu cấp Viện cho nhiệm vụ “Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với hoạt động du lich biển đảo” do CN. Phạm Hồng Lam làm chủ nhiệm.

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu được thành lập theo quyết định số: 985/QĐ-CLCT của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, ban hành ngày 5/12/2022. Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS ĐinhVănThành - Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương làm Chủ tịch hội đồng và các thành viên gồm: PGS.TS Nguyễn Văn Lịch - Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Ủy viên phản biện 1; TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Ủy viên phản biện 2; TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Ủy viên; TS. Nguyễn Văn Long - Chuyên gia, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Ủy viên; CN. Đỗ Minh Quân - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Ủy viên; TS. Đặng Công Hiến - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Ủy viên thư ký.

Tại buổi nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo tóm tắt nội dung của nhiệm vụ “ Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với hoạt động du lịch biển đảo”. Nhiệm vụ được xây dựng với kết cấu làm 03 Chương. Trong đó, Chương 1: Giới thiệu tổng quan về phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Chương 2: Phân tích thực trạng phát triển thương mại hàng hóa các vùng trên trong giai đoạn 2016-2021; Chương 3: Định hướng phát triển thương mại hàng hóa của vùng và đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với hoạt động du lịch biển đảo.

Phát triển thương mại hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm của địa phương và trao đổi giữa các tỉnh trong khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển dịch vụ phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa gồm các dịch vụ thu gom, dự trữ, phân loại, bảo quản, vận chuyển, xúc tiến thương mại và gắn với hoạt động du lịch biển đảo.

Sau khi nghe đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt nội dung nhiệm vụ, hội đồng nghiệp thu cấp Viện đã có những góp ý rất thẳng thắn về những điểm đạt và chưa đạt của bản dự thảo nhiệm vụ, sau đó đưa ra đóng góp giúp nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo một cách tốt nhất.

Ngoài ra, hội thảo còn nhận được ý kiến đóng góp của đại diện Vụ Thị trường trong nước, đại diện cho đơn vị giao nhiệm vụ. Vụ Thị trường trong nước đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, báo cáo đã phân tích được thực trạng của Vùng, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Báo cáo phân tích rất tốt về thương mại hàng hóa và dịch vụ của các Vùng trong nghiên cứu, tuy nhiên, báo cáo cần bổ xung sâu hơn về hoạt động thương mại, du lịch khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, qua đó, đề xuất những giải pháp phù hợp, cụ thể hơn theo giới hạn nghiên cứu của nhiệm vụ. Vụ Thị trường trong nước đồng ý nghiệm thu nhiệm vụ sau khi hoàn thiện và chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng.

Kết thúc buổi nghiệm thu, PGS.TS. Đinh Văn Thành - chủ tịch hội đồng chân thành cảm ơn những nhận xét, chia sẻ hữu ích từ phía các thành viên hội đồng và các nhà khoa học tham dự buổi nghiệm thu. Báo cáo bám sát nội dung đề cương đã được phê duyệt. Vì vậy, Chủ tịch hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tổng hợp, lựa chọn các ý kiến làm cơ sở, luận cứ khoa học để hoàn thiện báo cáo nhiệm vụ.

Một số hình ảnh của hội thảo:

Bài và ảnh: Lê Anh Tú

Phòng Thông tin, thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT